Gia Lai: Nhiều hệ lụy khi cho thuê vườn cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bỏ công sức, tiền của đầu tư trồng, chăm sóc bao năm, đến khi vườn điều, cà phê bắt đầu cho thu hoạch, nhiều nông dân ở huyện Ia Grai và Đức Cơ lại đem cho thuê dài hạn để lấy tiền làm nhà, mua sắm vật dụng hay chỉ để tiêu xài. Để rồi sau đó, khi không còn đất sản xuất, tiền cho thuê cũng cạn, họ lại đi làm thuê làm mướn để kiếm ăn qua ngày.

Mang “cần câu cơm”… cho thuê

Gia đình ông Ksor Sin (làng O) là một trong những hộ khó khăn của xã Ia O (huyện Ia Grai). Cả gia đình 10 miệng ăn nhưng thu nhập chủ yếu dựa vào vườn điều hơn 300 gốc. Tuy nhiên, đầu năm nay, ông Sin quyết định đem vườn điều này cho người khác thuê trong 6 năm để đổi lấy căn nhà mới cho gia đình. Sau khi đem vườn điều cho thuê, gia đình ông không còn đất sản xuất nên con cháu phải đi làm thuê để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống của gia đình ông vốn khốn khó nay lại khó khăn thêm bội phần.

 

Vườn điều của 1 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Krêl đã cho người khác thuê. Ảnh: Q.T
Vườn điều của 1 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Krêl đã cho người khác thuê. Ảnh: Q.T

“Lúc trước, đến mùa thu hoạch điều, con cháu trong nhà đi nhặt rồi tự bán lấy tiền tiêu hết, không giữ được tiền để xây nhà trong khi nhà cũ đã bị xuống cấp không ở được nữa. Tôi tức quá nên đã quyết định đem toàn bộ vườn điều của gia đình cho người ta thuê để đổi lấy căn nhà mới làm nơi ở. Tôi không biết ngôi nhà mới trị giá bao nhiêu tiền vì họ xây xong rồi bàn giao cho mình”-ông Sin cho biết. Theo tìm hiểu của P.V, ngoài gia đình ông Sin, nhiều hộ dân khác ở huyện Ia Grai cũng đã cho thuê vườn cây của mình, nhất là vườn điều đang cho thu hoạch để lấy tiền tiêu xài hay đổi nhà.

Tương tự, dù thu nhập chính của gia đình dựa vào 5 sào cà phê nhưng chị Rơ Châm Kút (làng Ngo Rông, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) vẫn quyết định vườn cà phê này cho thuê với thời gian là 14 năm để đổi lấy 1 căn nhà đơn sơ. Theo chị Kút, 5 sào cà phê này cho thu hoạch mỗi năm gần 40 triệu đồng nhưng vì căn nhà đang ở đã xuống cấp mà không có tiền xây nên chị đành cho thuê để đổi lấy nhà mới. Tuy nhiên, khi căn nhà xây xong thì mọi người mới thấy nó chỉ có giá trị không quá 100 triệu đồng.

Cũng tại làng Ngo Rông, gia đình ông Rơ Mah Sáu đã đem vườn cà phê khoảng 7 sào của mình cho thuê trong 5 năm với giá 60 triệu đồng. “Gia đình tôi có 2 ha cà phê. Do cần tiền cất lại nhà nên tôi đã cho thuê 7 sào. Bây giờ, tôi thấy tiếc vì với diện tích ấy, mỗi năm, người ta thu được trên 80 triệu đồng. Tôi sợ sau 5 năm, khi nhận lại vườn cà phê thì cây đã già cỗi, không cho năng suất cao nữa. Lúc ấy, gia đình lại phải bỏ tiền để tái canh và chăm sóc lại từ đầu”-ông Sáu lo lắng.

 

Ảnh: Q.T
Ảnh: Q.T

Trao đổi với P.V, bà Rơ Mah H’Huy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Krêl, cho biết, tại làng Ngo Rông hiện có 8 hộ cho thuê vườn, trong đó có 5 hộ cho thuê vườn cà phê với thời hạn thấp nhất 5 năm, cao nhất là 14 năm; 3 hộ cho thuê vườn điều từ 1 đến 2 năm. Khi cho thuê, có hộ nhận nhà, có hộ nhận tiền mặt. Có một số hộ cho thuê xong thì không có đất sản xuất, phải đi làm thuê hoặc đi nơi khác xâm canh.

Nhiều lo ngại

Ông Siu Luynh-Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, cho biết, việc cho thuê vườn cây là thỏa thuận giữa người dân với nhau, xã không cấm được. Chúng tôi chỉ tuyên truyền người dân nên giữ vườn cây để sản xuất, không nên đem cho thuê. Song song với đó, xã phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đẩy mạnh hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây trồng để nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất của mình. Trường hợp đã lỡ cho thuê, xã khuyến cáo người dân phải thường xuyên kiểm tra vườn, yêu cầu các hộ thuê chăm sóc vườn cây, không được chặt phá, đảm bảo tỷ lệ sống. Khi đã hết thời hạn cho thuê, các hộ cần lấy lại vườn cây ngay để ổn định sản xuất.

Còn theo ông Kpuih Lợi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O (huyện Ia Grai), khi thuê vườn cây, người thuê chỉ đặt cọc ít tiền, sau này thu xong mới trả hết. Vì thế, điều lo ngại nhất là người thuê thua lỗ rồi “chạy làng”, lúc đó dân chẳng biết đòi ai. Thực tế những năm trước cũng đã có tình trạng này. Cũng vì lo sợ người thuê không trả tiền nên xã đã khuyến cáo dân nếu cho thuê thì cần chọn người tin tưởng, rồi mang hợp đồng lên xã chứng thực để sau này nếu lỡ có chuyện gì thì có cơ sở để xử lý.

 

Ngôi nhà mới được người thuê làm cho nằm kế bên ngôi nhà cũ đã bị hu hỏng không ở được nữa. Ảnh: Q.T
Ngôi nhà mới được người thuê làm cho nằm kế bên ngôi nhà cũ đã bị hu hỏng không ở được nữa. Ảnh: Q.T

Trao đổi với P.V, ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, cho biết, qua nắm thông tin chung, hầu hết các hộ cho thuê đều có nhiều vườn điều. Ngoài diện tích cho thuê, họ vẫn còn diện tích khác cho thu nhập hàng năm ổn định. Việc người dân cho thuê vườn cây đều có sự tính toán lợi ích cụ thể. Thông thường, các hộ cho thuê phổ biến là 3 năm, cao hơn thì khoảng 5 năm. Phần lớn các hộ cho thuê để lấy thêm tiền làm nhà kiên cố hoặc giải quyết những nhu cầu bức thiết khác. Khi cho thuê, các hộ thường tự thỏa thuận giữa 2 bên, không đưa ra chính quyền chứng thực nên xã rất khó nắm bắt. Tuy chưa có số liệu báo cáo cụ thể nhưng các xã đều đánh giá, diện tích điều cho thuê chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích điều trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng, trước tình hình trên, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền người dân không nên cho thuê vườn điều mà tập trung chăm sóc, nâng cao hiệu quả sản xuất. Huyện cũng yêu cầu UBND các xã có trồng điều khẩn trương điều tra, nắm thông tin chính xác, báo cáo cụ thể và đề xuất các chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất. Từ năm 2018, huyện đã chỉ đạo triển khai chương trình hỗ trợ phát triển cây điều một cách toàn diện như tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vườn, đưa các giống điều ghép mới, chất lượng cao vào sản xuất để thay thế dần các giống cũ kém hiệu quả. Trong quá trình triển khai, huyện sẽ không đưa các diện tích điều đã cho thuê tham gia chương trình hỗ trợ.

Quang Tấn-Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm