Nghệ sĩ Ksor H'Bla: Người làm tre nứa cất lời hoan ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu cây đàn t’rưng là sáng tạo tài hoa, độc đáo của nghệ nhân dân gian Tây Nguyên thì chính những nghệ sĩ như Ksor H’Bla đã đánh thức thanh âm của tre nứa ấy, làm tan chảy bao trái tim bởi sự kỳ diệu vang lên từ nhạc khí vô cùng mộc mạc này.

Tôi may mắn được gặp H’Bla từ những ngày đầu chị về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai hơn 10 năm trước. Khi ấy, H’Bla vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội). Sức trẻ và tình yêu với văn hóa Tây Nguyên cộng hưởng đã chắp cánh để H’Bla suốt nhiều năm đi về nhiều vùng đất khác nhau mang âm thanh của cây đàn được ví như “tiếng vọng của rừng” trở về với rừng, với buôn làng. Ksor H’Bla cùng cây đàn t’rưng đã có một cuộc trở về tuyệt đẹp để trả nghĩa cho buôn làng, cho nơi chốn đã sinh ra loại nhạc khí vô cùng độc đáo này.

 

Nghệ sĩ Ksor H’Bla. Ảnh: M.C
Nghệ sĩ Ksor H’Bla. Ảnh: M.C

Tiếng đàn của Ksor H’Bla không chỉ vút bay trong không gian mênh mông, thênh thang ở những ngôi làng hay chốn núi rừng, nó còn làm tan chảy người nghe trên những sân khấu lớn, chuyên nghiệp. H’Bla cho biết, đàn t’rưng truyền thống chỉ có 1 dàn được cấu tạo từ 12 hoặc 16 ống nứa nên chơi được không nhiều bài hát, nhất là những bài nhiều hợp âm phức tạp. Nhưng cây đàn t’rưng cách tân có 2 đến 3 dàn đã giúp chị chơi được nhiều bài, nhiều thể loại âm nhạc hơn. Và như vậy, công chúng của cây đàn dân tộc cũng mở rộng và ngày càng nhiều người biết đến âm thanh kỳ diệu của nhạc khí rất thô sơ này.

Trên các sân khấu chuyên nghiệp lẫn không chuyên, trong những cuộc biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), hình ảnh H’Bla trong trang phục truyền thống, nhịp nhàng duyên dáng bên dàn ống nứa cong cong như dáng núi đồi trở thành hình ảnh tuyệt đẹp, đầy tính biểu tượng của con người và văn hóa Tây Nguyên. Một du khách Hà Nội sau khi nghe H’Bla biểu diễn trong một cuộc giao lưu đã phải thốt lên: “Chúng tôi đã nghe tiếng gió reo, tiếng thác đổ, tiếng suối róc rách, tiếng bước chân nhẹ tênh của thiếu nữ Jrai nhưng vẫn làm xao động cả sự im lặng của rừng thẳm qua tiếng đàn của nữ nghệ sĩ H’Bla”.

Có dịp xem H’Bla biểu diễn, xem cách nữ nghệ sĩ làm tre nứa cất lời hoan ca, người nghe còn nhận ra dòng chảy văn hóa Tây Nguyên được kết tinh, trao truyền qua các thế hệ. Sự tài hoa của nghệ nhân dân gian khi sáng tạo cây đàn mộc mạc đã được nữ nghệ sĩ H’Bla biến nó thành âm vọng của đại ngàn. Được sinh ra từ chất liệu tự nhiên nên thanh âm của t’rưng đánh thức những cảm xúc thuần khiết nhất trong tâm hồn con người. Nghiêng tai nghe tiếng t’rưng như tiếng suối chảy, tiếng chim ca, tiếng thì thầm của những ngọn gió, tiếng giọt sương đọng trên lá cỏ…, bản giao hưởng của tự nhiên ấy như đưa con người vào vùng trời bình yên dạo chơi trên đôi cánh kỳ diệu của âm nhạc.

Hiện tại, Ksor H’Bla đang công tác trong Đội Tuyên truyền Văn hóa cơ sở (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Không chỉ thành công với cây đàn t’rưng, H’Bla còn chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Chị còn là một biên đạo múa, và khi cần, có thể ca hát bằng chính sự mộc mạc, hồn nhiên như tính cách con người Tây Nguyên để phục vụ người nghe. Nhưng đặc biệt hơn cả là hình ảnh H’Bla uyển chuyển bên dàn t’rưng tỏa sáng trên nhiều sân khấu lớn ở khắp các tỉnh thành khiến bạn bè khắp cả nước biết đến văn hóa và con người Tây Nguyên. Nếu có dịp ghé thăm Pleiku, du khách còn có cơ hội thưởng thức ngón đàn tài hoa của nữ nghệ sĩ H’Bla tại một quán ăn khá nổi tiếng chuyên phục vụ ẩm thực Tây Nguyên.

Minh Châu

Có thể bạn quan tâm