Người nữ biệt động thành kiên trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi cùng ông Chế Văn Đủ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ia Kring (TP. Pleiku) đến thăm bà Võ Thị Thanh Hương-hội viên Hội Cựu chiến binh phường, khi bà vừa qua cơn bạo bệnh. Bên ly trà ấm, câu chuyện của bà lại ngược dòng thời gian, trở về những ngày tháng gian nan, vất vả nhưng đầy niềm lạc quan, tự hào trong những năm chống Mỹ-khi bà là chiến sĩ tình báo-biệt động TP.  Quy Nhơn.

“Tuổi thơ dữ dội”

“Cha tôi hoạt động cách mạng, bị địch bắt rồi cầm tù, sau đó bị chính quyền ngụy phát vãng lên Gia Lai. Mẹ con tôi ở lại quê nhà và luôn bị o ép vì là gia đình Việt Cộng. Trong một trận càn năm 1966 vào xã Cát Chánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), lính Đại Hàn đốt phá, bắn chết nhiều người trong thôn, trong đó có mẹ tôi. Trận càn tiếp theo, chúng lại bắt tôi lên đồn Phù Cát tiếp tục tra khảo, khi ấy tôi mới 13 tuổi”-bà Hương trầm giọng kể.

 

Bà Võ Thị Thanh Hương.     Ảnh: Q.N
Bà Võ Thị Thanh Hương. Ảnh: Q.N

Cha bị tù đày, mẹ bị giết chết, làng xóm bị đốt phá, bị địch bắt…; tất cả những điều ấy đã gieo sự căm thù Mỹ và tay sai trong lòng cô gái mới 13 tuổi.  Sau lần bị giam trong bốt giặc, được người thím ruột của mình là bà Nguyễn Thị Nga giúp trốn thoát khỏi đồn Phù Cát, bà cùng các em lên Gia Lại tìm cha. Tìm được cha, giao các em lại cho cha, bà quyết tâm trở lại quê nhà, tự mua vải may ba lô, mũ tai bèo, quần áo để xin tham gia du kích. Nhưng xã không đồng ý, vì tuổi nhỏ. Nhưng với bản tính gan lì, dũng cảm, bà đã tìm mọi cách buộc ông Biên Cương (khi ấy là Tỉnh ủy viên của tỉnh Bình Định) nhận và cho làm liên lạc. Sau những thử thách ban đầu, được học đạo đức và dũng khí cách mạng, rèn luyện võ nghệ, về kỹ năng hoạt động bí mật; năm 1966, bà trở thành tình báo “nhí” của ta ở Quy Nhơn.

Cùng với việc bắt liên lạc với các cơ sở khác, bà thường xuyên cung cấp thông tin mật của địch về cho ta. Trong lần cùng anh em đồng đội rải truyền đơn kêu gọi đồng bào Quy Nhơn nổi dậy chống Mỹ và tay sai, đồng thời ném lựu đạn gây tiếng vang ở một số điểm như đồn địch, bến xe và khách sạn nơi có Mỹ ở vào cuối năm 1967, sau khi kịp tẩu tán khẩu súng, nhai nuốt tài liệu, bà bị bắt đưa về Nha Cảnh sát Quy Nhơn. Từ đây, bà lại chịu cảnh tù đày và bị tra tấn dã man.

Nữ biệt động thành ngoan cường

Chuyện trò với bà Hương, chúng tôi vẫn thấy những nét đẹp “ngày xưa” vẫn còn lưu trên khóe mắt, nụ cười.  Khó mà hình dung rằng con người ấy đã từng chịu bao cực hình nơi địa ngục trần gian. “Ngày ấy, tóc tôi dài lắm. Chúng đưa tôi vào phòng lấy cung. Một thằng quê Quảng Trị nắm lấy tóc tôi quay văng người tôi va vào gốc cột, giậm lên ngực, đá, đấm. Một thằng khác giả nhân, giả nghĩa khuyên can…Tôi chỉ kịp nhớ chiếc áo ca rô mà tôi thích nhất đầy máu và ngất đi… Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là đòn tra tấn của bọn tay sai bán nước. Hết tra tấn, hết dụ dỗ, ngất nhiều lần như thế, có lúc tưởng chết rồi. Được các chị bạn tù chăm sóc, động viên tinh thần, tôi dần tỉnh lại. Chỉ đợi có thế, chúng lại tra tấn, đóng đinh vào ngón tay, treo ngược lên xà nhà… Nhưng tôi trước sau chỉ khai: Cha mẹ bị bom Mỹ giết chết hết, tôi đi ăn xin, đi ở đợ, tôi không biết chữ, không biết gì hết”-bà Hương kể lại.

Theo lời bà Hương, sau mấy lần tra tấn bằng điện mà vẫn không khai thác được gì, kẻ thù đành nhốt bà vào xà lim, không cho ăn, không cho uống nước. Nhưng bà quyết phải sống. Sau hơn nửa tháng trời, thấy không thể khuất phục, kẻ địch đành đưa bà Hương ra khỏi xà lim và thay đổi chiến thuật. Chúng tháo còng, cho tắm giặt, cho ăn ngon, dụ dỗ… rồi bắt bà Hương chứng kiến cảnh tra tấn những người khác, kể cả cảnh làm nhục tù nhân nữ. “Chứng kiến cảnh đó, tôi nghĩ trước sau cũng chết, nhưng chết sao cho xứng đáng chiến sĩ cách mạng. Tôi xô ghế tấn công ngay cái tên “đao phủ” đen sì chuyên tra tấn dã man chúng tôi… Bốn thằng cai ngục đè tôi xuống và trận tra tấn tiếp theo tôi chưa từng được nếm: đứng lên ghế ôm lách nứa và… xô đổ ghế, tay tôi buốt máu. Lộn ngược, tống vào thùng phuy đầy nước xà phòng, rồi đánh “om” tôi trong nước… máu tươi ộc ra mồm, tai, mũi và ngất đi. Tỉnh lại, chúng lại đánh…, lại ném vào xà lim. Tôi lại uống nước từ bồn cầu để tiếp tục sống và đấu tranh. Những ngày tháng sau đó, tôi chịu thêm nhiều đòn tra tấn khác nữa như phải chịu cảnh cả đàn rắn bò trườn trên người, thậm chí là bị đem ra dọa bắn, nhưng tôi vẫn một lòng đi theo cách mạng. Sau đó, tôi đã vượt ngục trở về với đồng đội, gia nhập Đội cảm tử của Biệt động Quy Nhơn. Năm ấy, tôi vừa bước sang tuổi 16 và trận đánh đầu tiên tham gia “cảm tử quân” của tôi là Tết Mậu Thân năm 1968”-bà Hương kể trong niềm xúc động.

Hiện nay, bà Hương vẫn thế, trung thực, thẳng thắn, kiên trung và luôn là cựu chiến binh gương mẫu. Nghe tôi nói: “Hành động của bà rất anh hùng”, bà Hương chỉ cười rồi bảo, những đồng đội của bà đã hy sinh xứng đáng hơn nhiều.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm