Trên đỉnh Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Xe 2 cầu mới bò được, 1 cầu bó tay”-anh Hoàng Văn Chất-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Tô (tỉnh Kon Tum) thông báo. Từ trụ sở của Công ty, theo tỉnh lộ 672 đi hơn 60 km mới đến xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) của người Xê Đăng.

Măng Ri ở mé chân núi Ngọc La-một trong 4 đỉnh cao của dãy Ngọc Linh. Từ đây, chúng tôi tiếp tục vượt quãng đường đất dốc dài gần 10 km, đoạn quanh co, đoạn dựng đứng để đến được khu trồng sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Tô. Khu rừng này có độ cao từ 1.800 đến 2.000 m, ở sát đỉnh Ngọc La nên sườn dốc dựng đứng. Mây trắng bồng bềnh, đỉnh núi cao hơn mây. Không khí trong lành. Lên tới đỉnh có cảm giác như chui đầu vào… tủ lạnh. Ẩm nhưng vùng rừng này không có vắt. Rất ít người được vào đây bởi phải qua 3 chốt bảo vệ nghiêm ngặt với hàng rào mắt cáo, kẽm gai chằng chịt. Dẫn chúng tôi leo dốc, len lỏi giữa rừng thăm vườn sâm, anh Chất dè chừng: “Các anh theo dấu chân chúng tôi nhé. Cẩn thận kẻo giẫm phải chông”.

 

Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán cây rừng mang lại thương hiệu và kinh tế cho tỉnh Kon Tum.                    Ảnh: internet
Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán cây rừng mang lại thương hiệu và kinh tế cho tỉnh Kon Tum. Ảnh: internet

Mùa này sâm Ngọc Linh đang ngủ. Không thấy cây sâm, chỉ là những luống mùn lá. Anh Chất dùng tay moi lật một đám mùn để lộ ra một củ Ngọc Linh to gấp đôi ngón tay trỏ, dài 15 cm, nặng chừng 100 gam, phía ngọn vừa nhú một mầm trắng. Củ sâm này trị giá không dưới 15 triệu đồng! Dưới 1 m2 mùn lá có hơn chục củ Ngọc Linh đang ngủ, trị giá trên 150 triệu đồng. Vì thế nên đoàn chúng tôi chưa đến 10 người thì đã có hơn 10 nhân viên bảo vệ dẫn đường.

Gọi là vườn sâm nhưng thực ra là một khu rừng nguyên sinh. Bởi cây sâm Ngọc Linh chỉ sống giữa lớp mùn dưới tán rừng. Người trồng gom mùn lá tạo thành luống dưới tán rừng để ươm hạt giống. Mỗi năm cây sâm Ngọc Linh ngủ đông chừng 4 tháng và đầu mùa Xuân sâm sẽ đâm chồi ngoi lên mặt đất thành cây, rồi đơm hoa kết hạt xong, lại ngủ. Như vậy, mỗi năm củ dài thêm một mắt nên cứ đếm mắt củ sẽ biết tuổi của sâm.

Hiện Công ty đã phát triển được 15 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó đa số là sâm từ 5 đến 6 tuổi và sâm mới trồng năm 2016. Cá biệt có những vườn sâm đã được 18 năm tuổi. Một sào sâm này nếu mang ra bán, số tiền thu được không dưới 50 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành Chung-Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Tô, khẳng định: Từ trước đến nay, Công ty chưa bao giờ xuất bán một củ sâm nào. Bởi càng để lâu củ càng lớn, càng có giá trị. Mặt khác, sau khi ngủ đông, tháng 3 củ nảy mầm, lên cây rồi đơm hoa, đến tháng 8  sẽ cho thu từ 40 đến 50 hạt, chỉ riêng bán hạt giống, mỗi cây cũng đã được 3 triệu đồng.

Đoàn leo núi xem sâm chúng tôi có ông Nguyễn Văn Bút đi cùng. Ông Bút nguyên là Giám đốc Lâm trường Ngọc Linh. Cách đây gần 20 năm, ông là người đã lập dự án bảo tồn sâm Ngọc Linh rồi ra tận Hà Nội trình Bộ Nông nghiệp và PTNT, kết quả xin được hơn 9,8 tỷ đồng để triển khai dự án “Bảo tồn sâm Ngọc Linh”. Ông Bút kể: Hồi ấy, ông và cán bộ lâm trường đến từng làng, từng nhà vận động bà con đừng lấy củ sâm Ngọc Linh trong rừng, hãy để cây nở hoa, kết hạt. Mỗi hạt, lâm trường sẽ mua với giá 20.000 đồng. Nhờ đó mới có hạt giống để bây giờ hình thành nên vườn sâm 18 năm tuổi này.

Đoàn còn có ông A Hùng là người Xê Đăng bản địa. Ông thành thạo mọi ngõ ngách của vùng rừng này. Năm1998, ông A Hùng về với lâm trường của Giám đốc Bút để tìm hạt Ngọc Linh ươm cây, lập vườn. 19 năm trôi qua, A Hùng thức với cây sâm, ngủ cùng cây sâm giữa rừng. Hiện nay, ông A Hùng đã là Phó Giám đốc, trực tiếp chỉ huy đội bảo vệ, là cầu nối giữa Công ty với bà con Xê Đăng trong vùng về việc hợp đồng lao động thời vụ gom mùn lá, gieo hạt, chăm vườn sâm. Tuy ông chuẩn bị nghỉ hưu nhưng Công ty vẫn giữ lại, bởi từ lãnh đạo đến công nhân Công ty đều xem ông là linh hồn của vườn cây. Không có ông thì khó có vườn sâm như hiện nay. Ông A Hùng cho biết, mùa sâm ngủ chỉ lo phòng kẻ gian lẻn vào trộm cắp; nhưng khi sâm nảy chồi, đơm hoa thì lắm khi còn phải thức cả đêm để đuổi, diệt chuột rừng vì chúng luôn tìm đủ mọi cách để cắn cây, ăn hoa.

Chúng tôi nghỉ chân và ăn cơm trưa ở lán trại. Không khí trong vắt, chỉ có tiếng lá thì thào. Uống ly rượu sâm Ngọc Linh, buông mắt nhìn xuống là những đám mây trắng ôm lấy sườn núi. “Vài năm nữa chúng tôi sẽ có sản phẩm Ngọc Linh chính gốc, bán tại gốc”-ông A Hùng tự hào nói.

Xuân Lãm

Có thể bạn quan tâm