Lớp học đặc biệt của cô Rmah H'Blao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, tại ngôi nhà nhỏ ở làng Chao Pông (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai) có một lớp học mà học sinh có thể đến lớp bất cứ lúc nào để được học miễn phí. Đặc biệt, đây là lớp học của một cô giáo khuyết tật.

Trong chuyến công tác ngang qua làng Chao Pông, tiếng giảng bài truyền cảm vang lên trong căn nhà nhỏ gần cuối con đường làng đã thu hút sự chú ý của tôi. Ghé vào thì thấy hơn 15 em nhỏ đang ngồi cặm cụi ghi chép vào những cuốn vở trên chiếc bàn nhựa. Cô giáo thân hình nhỏ bé, chỉ cao hơn học sinh tiểu học một chút, đứng giảng bài say sưa bên chiếc bảng xanh được gắn trên tường.

 

Lớp học của cô giáo Rmah H’Blao. Ảnh: L.T
Lớp học của cô giáo Rmah H’Blao. Ảnh: L.T

Hỏi những người trong làng mới biết đây là lớp học tình thương của cô giáo Rmah H’Blao. Tranh thủ giờ ra chơi, tôi đã có buổi nói chuyện với cô giáo trẻ. Rmah H’Blao cho biết, chị năm nay 30 tuổi, sinh ra và lớn lên tại chính ngôi làng này. Năm lên 3 tuổi, sau một trận sốt, chị bị teo cơ chân. Dù bị khuyết tật từ nhỏ nhưng H’Blao luôn cố gắng tập luyện để được bước đi trên đôi chân của mình. Với sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, H’Blao đã có thể đi lại dù rất khó khăn. Ngay từ nhỏ, H’Blao đã mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em trong làng. Đó chính là động lực giúp chị không những học xong THPT mà còn thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-chuyên ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do sức yếu, lại phải học xa nhà, H’Blao không theo kịp các bạn nên nửa học kỳ năm học thứ 2 (năm 2011) chị nghỉ học giữa chừng.

“Tôi cũng mong mình tốt nghiệp cao đẳng rồi tìm một công việc ổn định. Tuy nhiên, vì sức yếu nên tôi đành nghỉ học. Thấy làng mình còn nghèo vì lo kiếm ăn từng bữa, các bậc phụ huynh ngày đêm ở trên rẫy, không có thời gian chăm sóc, lo việc học cho con em, tôi thấy thương các em quá. Vậy nên, tôi có ý định mở lớp học tình thương, dạy học miễn phí cho các em. Tôi muốn dành tình yêu thương để san sẻ, muốn truyền dạy kiến thức để các em học tập tốt hơn”-cô giáo Rmah H’Blao chia sẻ.

Lớp học miễn phí của cô giáo Rmah H’Blao đã duy trì được 7 năm nay với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5, có cả học sinh 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Nhớ lại ngày đầu mở lớp học, chị H’Blao cho biết: “Để lớp học được mở ra và duy trì thường xuyên đến ngày nay, tôi phải cảm ơn bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Ngày ấy, hiểu được mong muốn của tôi, bố mẹ đã dành một phòng của gia đình cho tôi mở lớp dạy học. Mới đầu lớp học của tôi chỉ là các em, các cháu trong dòng họ; rồi dần dần các em truyền tai nhau nên bây giờ lớp học không chỉ có các em trong làng mà có cả các em ở làng khác đến học. Tổng số học sinh cả sáng và chiều là 48 em”.

Để các em có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất, cô giáo H’Blao đã chia lớp học thành từng nhóm, theo từng độ tuổi. Những học sinh học ở trường buổi sáng, chị sẽ kèm ở nhà buổi chiều và ngược lại. H’Blao đặc biệt chú trọng việc dạy cho các em đọc thông viết thạo tiếng Việt và biết làm toán. Với sự truyền dạy nhiệt tình từ cô giáo H’Blao cộng với nỗ lực của bản thân, các em dần tiến bộ, nhiều em là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường.

Em Kpă H’Nhân, học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Phang) cho biết: “Từ năm lớp 1, ngoài buổi học trên trường, em thường đến lớp học của cô H’Blao. Nhiều bạn khác trong làng cũng được cô H’Blao dạy học miễn phí”.

Có 2 con đều nhờ cô H’Blao kèm dạy gần 1 năm nay, chị Siu Blom (làng Chư Bố 2, xã Ia Phang) cho biết: “Cô không lấy một đồng nào. Giọng cô nhỏ nhẹ, giảng bài tận tình, các con của tôi rất thích học. Cô H’Blao đã giúp cho con tôi học tiến bộ hơn nhiều”.

Có thể nói, hành trình thực hiện hóa ước mơ trở thành cô giáo dạy học của H’Blao vậy là đã thành công. Không chỉ dạy chữ, dạy toán, cô H’Blao còn dạy học sinh những kỹ năng sống, những bài học làm người qua từng câu chuyện sinh động với mong muốn các em nhỏ sẽ học tập thật tốt để theo đuổi mơ ước của mình. “Mong rằng các em có được cái chữ và ngày càng học cao hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội. Mong sẽ có nhiều em sau này khi học xong sẽ đồng hành cùng tôi tiếp tục đem cái chữ đến với các em học sinh nghèo trong làng mình”-H’Blao tâm sự.

Rời căn phòng học tạm bợ ấy, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ tình yêu và nhiệt huyết của cô giáo tật nguyền Rmah H’Blao đối với học trò. Tin rằng từ lớp học ấy, các em sẽ vượt khó học thật tốt, sống thật tốt để cống hiến cho đời.

Lê Trang

Có thể bạn quan tâm