"Làng Cù Lần"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi nhìn ra xung quanh, núi đồi, thảo mộc xanh và trong. Cảm giác về sự thanh cảnh và bình yên, gợn gợn nét hoang dã xa xỉ đang bày ra. Và nhìn kỹ hơn, dưới kia đang rải ra những công trình cảnh quan, kiến trúc, có những bóng người đi lại làm việc… Đó là làng Cù Lần-làng du lịch nổi tiếng ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Cứ thế, thi thoảng tiếng cồng chiêng vang vang, tiếng bầy dê be be, khói lam từ những đống lá cây được đốt lá bay lên và cả tiếng xe u oát chạy đưa du khách từ trên đồi xuống thung lũng… Nói ngay rằng, nó không phải những thung lũng trinh nguyên của đại ngàn, ngọn núi, cánh rừng, con suối cổ sinh bình thường quen thuộc với tôi.

 

Cây nêu giữa bãi cỏ dưới thung lũng. Ảnh: N.H.T
Cây nêu giữa bãi cỏ dưới thung lũng. Ảnh: N.H.T

Thổi “hồn” rừng

Tôi lập tức biết nó đang là sự khai thác giá trị thiên nhiên có “kịch bản”, chiêu thức, dùng ý thức, trí tuệ thay cho sự tự nhiên, hồn nhiên, như các plei, bon, buôn vốn là máu thịt, thường hằng, đang “sống” của Tây Nguyên bản địa.

Tất cả cơ địa cũng như hình thái núi non nằm trọn trong một thung lũng. Tứ bề là núi, với những mảnh rừng thông trên núi cao, rừng lá rộng nơi các điểm đồi giao nhau, cùng 3 con suối khe chảy từ 3 hướng xuống đủ cho thấy thung lũng này là khu du chơi giữa “thế giới hoang dã”. Một loạt vườn rẫy cà phê nằm cheo leo trên các sườn đồi, dưới thung lũng của cư dân đã được “giải phóng”, xóa bỏ, để tái tạo thêm sinh cảnh rừng và không gian cho du lịch. Tạm gác qua yếu tố rằng có một sự thật đã diễn ra là có một cuộc “đánh đổi” không gian mưu sinh canh nông của người bản địa K’Ho để tạo nên một khu du lịch sinh thái dưới tán rừng thì đây là một sự kỳ công.

Người ta trồng hoa khắp nơi, tỉ mẩn, vô số loại, kể không hết. Các lối đi ở các khu dạo chơi, ven hồ nước, bãi cỏ, lối vào các căn nhà trọ… đều đầy hoa. Những cây zớn, đỗ quyên, chân chim, mua, sim… cố tình hiện diện nhiều hơn hẳn để tô đậm chất “sơn nguyên”. Những chuồng bồ câu trên núi, dòng suối tự nhiên chảy trên đá lởm chởm và những cây cầu treo bắc qua các vách đồi… hẳn cũng không ngoài mục đích đó.

Đáng khen nhất là những căn nhà dành cho khách trọ, nghỉ dưỡng… được xây bé nhỏ, nép theo chân đồi, tách ra từng khối lẻ mà không xây hình khối cao to, cho thấy người ta tôn trọng thiên nhiên đáng kể-nương theo tự nhiên để làm du lịch. Ngay đến mái nhà cho khách trọ, sự cố tình giăng lưới để giữ lại những lá thông rơi từ rừng cao xuống, nhặt thêm lá thông rải lên cho thành “mái nhà lá thông”… là một ý tứ dễ thương, vi tế.

Những tượng gỗ mô phỏng nghệ thuật điêu khắc dân gian Tây Nguyên một thời cũng bỗng thấy nhiều ở khu du lịch chuyên nghiệp tự nhận mình thành “làng”, “làng Cù Lần” này. Cùng cây nêu, chiêng, ché… treo, dựng, sắp đặt khắp nơi. Chủ nhân đang “bám” vào cái nền văn hóa Tây Nguyên để làm du lịch, đang cố lấy tình cảm của du khách bằng thần thái văn hóa bản địa Tây Nguyên.

Bước đi trong tĩnh lặng, chợt nghe những nét nhạc có chút gì giản dị văng vẳng khắp thung lũng: “Làng tôi khuất trong rừng già/Làng tôi treo trên núi cao/Làng tôi trôi trong mây chiều tà/Nơi bình yên bên nhau cùng thời gian”.

Đây là khu du lịch có bài hát riêng cho mình, cái “làng” duy nhất vừa ra đời đã có bài hát. Cùng với bài hát tự “ca” về mình khi vừa sinh ra, tự sáng tác, hình ảnh biển hiệu quảng cáo dán trên mỗi cây trụ điện từ ngã ba Mănglin suốt chiều dài 15 km vào tới thung lũng trên theo đường đi hồ Dankia-Suối Vàng cho thấy “làng” này rất đặc biệt, lý trí và ý thức về đồng bạc mình bỏ ra mình và giá trị mình đang nhắm đến. Họ làm du lịch quá chuyên nghiệp, hiện đại, dù trong rừng. Hay nói khác, sự xuất hiện của nó làm rì rào, thậm chí xôn xao, đang “khuấy động” núi rừng. 

 

Chiếc cầu treo bắc qua những khe suối. Ảnh: N.H.T
Chiếc cầu treo bắc qua những khe suối. Ảnh: N.H.T

Giả bộ “cù lần”                                               

Chủ nhân mới của thung lũng cố tình tự chế nhạo mình khi lấy tên “Cù Lần”, nhưng thực ra họ quá thông minh khi chọn một nơi hội tụ nguồn nước và núi rừng như thế để kiến lập một khu du lịch hướng đến thần thái cao nguyên, bản sắc sơn cước. Nghĩa là nó hoang dã thật sự chứ không phải “giả sơn”, “giả lâm”, như công viên, hay sự gượng ép nào mà thành. Ở chiều kích khác, người chủ cho rằng “Cù Lần” là nói về loài cây zớn-loài vốn phổ biến ở vùng rừng núi này và kết hợp sự liều mạng dám “vinh danh” con Cù lần-một loài động vật được xem là lơ ngơ trong muôn loài. Bất ngờ tôi cho ông chủ của “làng” biết zớn là loài cây cổ thực vật, khoa học gọi là dương xỉ thân mộc, sinh triển bằng bào tử, xuất hiện cùng thời với khủng long. Nhanh như chớp, ông nói sẽ nắm ngay điều này để đưa vào quảng bá thêm về giá trị biểu tượng của “làng”.

Tôi hỏi ông chủ sao không “xin” dự án, đi ngắm, chọn núi non, rồi đề nghị chính quyền giao rừng, giải tỏa cho như bao nhà đầu tư du lịch khác, mà lại đi gom mua đất rồi lập dự án làm du lịch? Ông chủ “làng” nói rằng, đó cũng là cái “cù lần” của mình. Ông cho biết đã bỏ ra 58 tỷ đồng để mua đất vườn rẫy ở thung lũng này từ 30 hộ nông dân, của người Kinh lẫn người K’Ho bản địa ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) và hành trình “gom” đất ấy kéo dài suốt 5 năm. Mua đất xong, lập dự án “đầu tư” du lịch. Quá khứ trước đấy nữa, thung lũng này nguyên là một làng người K’Ho Cill, Lạch. Thôi thì… cù lần cũng được nhưng mình làm du lịch trên đất của mình! Không phải đất thuê của địa phương (hoặc được địa phương giao).

Từ đó, ông đã đổ thêm 120 tỷ đồng để xây dựng khu resort giữa rừng suối Cát, cách xa trung tâm thị trấn Lát, huyện Lạc Dương này. Chưa đầy 2 năm xây dựng, “Làng Cù Lần”, tên gọi khu du lịch ở thung lũng nói trên, đi vào khai thác du lịch. Nằm lút trong rừng sâu, cách Đà Lạt 25 km, nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động, “làng” đã nổi tiếng. Giờ, sau 6 năm ra đời, quanh năm du khách tìm đến, đông tới mức nhiều khu du lịch lâu năm ở Đà Lạt còn đỏ mặt ghen tỵ. Nhờ cái tên “Cù Lần” của khu du lịch “giả bộ” gọi là “làng”. Một sự “giả bộ” rất dễ thương, trí tuệ, và thậm chí quá “chiến lược”.

Những “công dân” thực sự của cái thung lũng hội tụ 3 khe suối này giờ đã đi vào sâu hơn để sống, xã Đưng K’Nớ, cách đây 32 cây số.

Nhưng khu du lịch mang tên “Làng Cù Lần” thì đang là một điểm sáng về du lịch.

Vì vậy mà khi đi vào hoạt động, nhìn thấy “OK”, chính quyền huyện Lạc Dương đã gợi ý cho ông chủ của “Làng Cù Lần” là nên xin được nhận thêm ít rừng xung quanh nữa để có thiên nhiên rộng hơn. “Thế là tôi, ngoài đất của mình, 27 ha, còn nhận khoán bảo vệ rừng thêm 75 ha nữa”-ông chủ “làng”, Văn Tuấn Anh-từ TP. Hồ Chí Minh lên đầu tư-bày tỏ. Ông Tuấn Anh tâm sự là không muốn làm du lịch, resort kiểu Tây, Mỹ… đang rập khuôn như bao nhà đầu tư khác; không “cầu” sự an toàn, và cũng không “chiều” du khách. Ông và “Làng Cù Lần” của mình đang cố thoát ra để không “đụng hàng”. Mới ra đời mà vé vào cổng 30.000 đồng/người, nghỉ trọ đêm 2,3 triệu đồng/phòng đôi thì không phải giỡn chơi rồi. Và có đến hơn 30 người làm công việc kinh doanh và phục vụ trong cái “làng kỹ nghệ du lịch” này.

Chỉ tiếc là do có tình yêu với văn hóa Tây Nguyên mà chưa có điều kiện điều nghiên sâu kỹ về Tây Nguyên, không được phản biện và va đập (mà chủ yếu được khen suốt mấy năm qua) nên nhiều sản phẩm của “Làng Cù Lần” vẫn là sự “hỗn tạp”, cóp nhặt, chắp vá manh mún những giá trị của sắc dân này, cộng đồng kia, từ phi vật thể đến vật thể, như cái nhà rông (nhà cộng đồng) kia tự dưng mang hồn vía Bahnar, Xê Đăng ở Bắc Tây Nguyên, dù nó đang ở trên đất của người K’Ho ở Nam Tây Nguyên. Phần vỏ và sinh thái của resort “Làng Cù Lần” được kiến tạo chăm chút, thì phần “linh hồn” nằm trong cái vỏ vật chất ấy lại hiện ra có gì đó tinh ranh, tranh thủ, tận dụng, nên người am hiểu Tây Nguyên dễ dàng nhận ra những chiêu trò cũng như sự lúng túng, loay hoay của chủ nhân làng du lịch này. Nhưng giữa vùng sâu, vùng xa, làm được thế cũng đã là “ấn tượng”.

Khi “vay” linh hồn, thần thái Tây Nguyên để làm du lịch, hy vọng họ sẽ nghĩ lại và trả ơn nó chân thành. Vì giá trị văn hóa kia, phải ngàn đời con người bản địa sống với bao tầng buồn vui, chìm nổi mới vật vã tạo ra. Đó là đạo đức tối thiểu của người làm du lịch.

Nguyễn Hàng Tình

Có thể bạn quan tâm