Chuyện nhỏ về những điều… không nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuất phát từ công việc của một chuyên viên, là thư ký riêng của Bí thư Tỉnh ủy, có điều kiện tiếp cận với nhiều kênh thông tin khác nhau nên những năm ấy, tôi thường được lãnh đạo các cơ quan báo chí để ý tới, trong đó báo, đài địa phương là 2 cơ quan tôi được các anh chị trong Ban Biên tập “ưu tiên” đặt tin bài khá đều.

Vì coi như “người nhà” nên đôi lúc nữ Thư ký Tòa soạn khi đó là Đặng Thị Thu Hà (Báo Gia Lai-Kon Tum), Biên tập viên Nguyễn Yên (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh), đặc biệt là Tổng Biên tập Báo Gia Lai-Kon Tum Trần Liễm hay gọi điện “ra lệnh” nữa là đằng khác… Và những lần như thế, người viết luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đôi khi không có mặt ở trụ sở thì vẫn có thể lục sổ, tìm số liệu và viết tay, gửi ngay.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Những năm 80 của thế kỷ trước, đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp của Báo Gia Lai-Kon Tum và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh chưa nhiều. Vì thế, dù chưa phải là báo ngày và chương trình phát sóng chưa đa dạng, phong phú và đòi hỏi thời lượng lớn như bây giờ nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu tin bài, nhất là những lĩnh vực mà phóng viên chuyên nghiệp khó tiếp cận, hoặc hạn chế về điều kiện, phương tiện đi lại, hay vì một điều… tế nhị nào đó. Ấy là lý do một số cộng tác viên được ưu ái, trọng dụng. Riêng Báo Gia Lai, Tổng Biên tập Trần Liễm khá chính xác khi chọn chúng tôi, gồm Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Xuân Thưởng và tác giả bài viết ngắn này làm… người của mình. Anh Hùng là chuyên viên, sau đó là Phó Chánh Văn phòng, phụ trách nghiên cứu tổng hợp của UBND tỉnh; anh Thưởng là chuyên viên Ban Nội chính Tỉnh ủy và tôi. Chúng tôi cũng là 3 cộng tác viên đầu tiên mà anh Liễm chọn bồi dưỡng, đề nghị kết nạp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ngay khi Hội Nhà báo tỉnh hình thành, hoạt động chưa lâu.

Cộng tác viên chúng tôi lúc bấy giờ dù nhuận bút rất khiêm tốn nhưng lại được quan tâm, ưu ái động viên về tinh thần từ phía lãnh đạo các cơ quan báo chí nên đôi khi cũng tỏ ra mình là… người-quan-trọng, không ai thay thế. Một lần, nhớ hồi cuối năm 1988, theo ủy quyền của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum cử đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ sang Ratanakiri (Campuchia) làm việc với nữ Bí thư Tỉnh ủy-Tỉnh trưởng La-on về việc thống nhất nội dung, chương trình, thời gian tổ chức Lễ tiễn đưa Quân Tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia về nước.

Tình hình nước bạn lúc bấy giờ khá phức tạp, việc đi lại trên nhiều vùng đất bạn thiếu độ an toàn nên việc đảm bảo bí mật của chuyến đi là điều cần thiết. Vì vậy, tháp tùng Bí thư Nguyễn Văn Sỹ chỉ có 3 người: 1 thư ký, 1 công an với vai cán bộ và 1 người lái xe. Biết được chuyến đi quan trọng này, anh Liễm đã trực tiếp dặn tôi “ngoài tin, ảnh, cần có một ghi chép hoặc tường thuật có hồn trong sự kiện đặc biệt quan trọng này”. Và dĩ nhiên, Báo Gia Lai gần như độc quyền thông tin về sự kiện đó với một ghi chép đăng trên báo nhà khá xúc động, chi tiết toàn cảnh sự kiện hàng vạn bà con nhân dân Oyadav, Ratanakiri và vùng lân cận của đất nước Chùa Tháp lưu luyến, xúc động không cầm nổi nước mắt lúc tiễn đưa Quân Tình nguyện Việt Nam trở về đất mẹ Việt Nam. Dù vậy, trước khi nhận lời với Tổng Biên tập Trần Liễm, tác giả cũng… biết làm khó bằng cách “nhận, nhưng không biết em có làm được không”.

Một lần khác, anh Liễm biết có cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan trọng, ngoài các Ủy viên Ban Thường vụ ra, chỉ có đồng chí Chánh Văn phòng và thư ký riêng của Bí thư Tỉnh ủy được dự để làm công việc của mình. Anh Liễm lại nhớ đến tôi… Ngày hôm sau, thông tin của cuộc họp kín ấy rành rành trên Báo Gia Lai-Kon Tum, với cái bút danh lạ: Bích Hà. Đó là cuộc họp chính thức cuối cùng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum trước khi chia tách tỉnh, chốt lại nhân sự chủ chốt của 2 tỉnh mới Gia Lai và Kon Tum để trình Trung ương ra quyết định. Tất nhiên trong các sự kiện như vậy, cả người đứng đầu của báo lẫn người đưa thông tin đều biết cái gì cần cho người đọc mà vẫn đảm bảo không… bị nhắc nhở. Là người làm báo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và tay nghề vững nhưng đôi khi đặt bút chỉnh sửa vài từ “khó hiểu” của những cộng tác viên như chúng tôi, anh Liễm vẫn dành chút thời gian gọi điện hỏi lại tác giả.

Đó là đôi chuyện nhỏ về những điều... không nhỏ của một cộng tác viên-sau đó trở thành Tổng Biên tập-với một nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai một thời đã xa. Đó cũng là một trong những điều mà cho tới giờ, sau ngần ấy năm, đôi khi ngồi với anh Liễm tôi vẫn nhắc lại. Nhớ tới anh, tôi như được tiếp thêm “lửa” với nghề. Cảm ơn anh với đôi dòng ký ức này nhân Ngày truyền thống Báo Gia Lai (16-3) đã cận kề!

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm