"Trở về mái nhà xưa" với Chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những họa sĩ trẻ không ngại thử nghiệm, khám phá bản thân với những chất liệu mới nên mỗi khi trình làng tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Văn Chung lập tức “rinh” về nhiều giải thưởng. Anh cứ lặng lẽ đứng sau cuộc đối thoại giữa người thưởng lãm với tác phẩm, hạnh phúc trong cuộc dẫn đưa con người trở về dưới “mái nhà xưa”.

1.“Mái nhà xưa” mà Chung muốn đưa người xem trở về chính là Tây Nguyên-một vùng văn hóa đa sắc tộc, hấp dẫn, mê hoặc con người đến tận cùng nếu đã trót yêu. Anh cẩn thận khắc họa những mất mát, khắc khoải lên từng tấm gỗ hay cầu kỳ, chau chuốt niềm hạnh phúc trên tấm lụa, mở ra một vùng ánh sáng rực rỡ của cuộc sống đầy sắc màu trên nền sơn dầu… Song, trên tất thảy, người ta vẫn nhận ra dấu ấn mạnh mẽ của một vùng đất, một nền văn hóa.

 

Tác phẩm “Sức sống đại ngàn” (khắc gỗ) của Nguyễn Văn Chung.
Tác phẩm “Sức sống đại ngàn” (khắc gỗ) của Nguyễn Văn Chung.

Hơn 10 năm cầm cọ, Nguyễn Văn Chung vẫn là một họa sĩ trẻ trong bề dày đời sống mỹ thuật đương đại, nhưng anh đã góp cho mỹ thuật tỉnh nhà một cá tính riêng trong nghệ thuật. Anh sáng tạo âm thầm, bền bỉ và luôn cố gắng làm cho sắc độ con người, cây cối, nhà cửa trong tranh đạt được mức độ chân thực hoàn hảo. Vì vậy mà trong cuộc đối thoại với tranh của Chung, người ta có thể cảm thấy rất thực nỗi đau xót, tuyệt vọng trong “Khát”, “Rừng ơi” (khắc gỗ); hân hoan, ấm áp trong “Áo trắng vùng cao” (chất liệu lụa); hạnh phúc trong “Nắng chiều” (sơn dầu); hay lạc vào miền mơ tưởng của văn hóa Tây Nguyên ngàn đời với “Sức sống đại ngàn” (khắc gỗ)… Với cá tính riêng khó lẫn ấy, Nguyễn Văn Chung đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng như giải B (không có giải A) tại triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên mở rộng được tổ chức tại Bình Định năm 2017 cho tác phẩm “Áo trắng vùng cao”; giải Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam các năm 2010, 2011, 2014; giải B giải thưởng Văn học-Nghệ thuật tỉnh (giai đoạn 2010-2015)…

“Ít có họa sĩ trẻ nào kiên trì, bền bỉ, và trình làng tác phẩm đều đặn như Chung. Điều đáng nói là Chung rất đa năng, dám thử nghiệm trên nhiều chất liệu và ở chất liệu nào anh cũng làm rất tốt. Từ sơn dầu với màu sắc tươi sáng, sống động chuyển qua khắc gỗ rất sắc, rất hình tượng; rồi đang từ gỗ cứng cáp, gồ ghề chuyển qua lụa rất mượt, rất êm. Khắc gỗ và lụa đều phải sử dụng những kỹ thuật khó, không chuyên sâu sẽ rất khó cho ra được đường nét, hình tượng nhưng Chung lại làm rất tốt, tác phẩm nào từ những thử nghiệm mới này trình làng đều lập tức được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Chung khiến người ta phải ngạc nhiên bởi sự đa năng, tài tình đó”-nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã nhận xét như vậy về Chung.

2. Vì công việc, thỉnh thoảng tôi có những cuộc hẹn với họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Anh luôn trung thành với chỗ ngồi quen thuộc ở một quán nhỏ nơi góc phố nhìn ra những hàng cây xanh, bình yên ngắm nhìn những ồn ào thị thành ngoài kia. Trầm lặng và luôn rất kiệm lời khi nói về bản thân, về tác phẩm, nhưng tranh của Chung lại lại rất “động”, tuồng như mọi điều muốn giãi bày đều đã được anh chuyển cả vào nghệ thuật. Chung yêu cao nguyên Gia Lai, yêu Tây Nguyên như thế nào, xem tranh anh sẽ thấm luôn cả niềm yêu ấy vào mình. Ngoài mảng đề tài về văn hóa Tây Nguyên, Chung vẽ đời sống mới với một sức sống bừng sáng, truyền đến người xem năng lượng tràn đầy của cao nguyên phồn sinh.

Chỉ là một buổi ra đồng nhưng anh đã làm cho sinh hoạt rất đời thường ấy trở nên sinh động từ phong cảnh đến con người. Người ta như nghe cả tiếng bước chân nhộn nhịp, tiếng trò chuyện lao xao giữa không gian cao nguyên rộng lớn. Màu sắc tươi vui, bừng sáng thoát ra khỏi sự trầm mặc vốn có của núi rừng khiến người xem như vui lây cả niềm vui bắt đầu một ngày mới của những con người trong tranh. Không chỉ trong những không gian “mở toang” ấy, mà ngay trong một không gian nhỏ hẹp của một buổi khám bệnh, Chung đã thu vào thị giác con người nỗi hân hoan của người dân khi được khám-chữa bệnh, sự ân cần thương yêu của những người mặc blu trắng. Vì thế, “Áo trắng vùng cao” đánh thức những tình cảm rất ấm áp trong lòng người.

 

Họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: N.B
Họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: N.B

3. Người ta thấy Nguyễn Văn Chung trình làng tác phẩm rất đều đặn. Đừng tưởng cuộc chơi của anh với mỹ thuật đầy thong dong. Chỉ những người trong nghề mới hiểu anh lao động nghệ thuật miệt mài thế nào. Mỗi một tác phẩm ra đời, người ta lại nhận ra một Nguyễn Văn Chung rất mới mẻ, cầu kỳ. Chung không chấp nhận sự dễ dàng, an toàn mà âm thầm theo đuổi cuộc chơi gập ghềnh hơn bằng cách ngày càng lựa chọn những chất liệu khó, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn để làm, để vượt ra khỏi cái bóng của chính mình.

Trong một buổi chiều cuối năm, con người rất kiệm lời ấy đột nhiên chia sẻ về những dự định, ý tưởng mà anh sẽ bắt tay thực hiện trong năm mới: “Tôi sẽ vẽ một loạt tranh lụa về tác động của công nghệ với cuộc sống gia đình. Chẳng hạn hình ảnh một người mẹ cho con bú, đây là thời khắc rất thiêng liêng và có sự giao lưu mạnh mẽ giữa mẹ và con. Nhưng sự giao lưu ấy lại bị công nghệ “cướp” đi khi người mẹ thay vì dành ánh mắt cho đứa con đang bú mớm lại mải mê với màn hình điện thoại. Hay bữa ăn gia đình là lúc các thành viên sum vầy đầm ấm thì nay bị tác động dữ dội của công nghệ khi vừa ăn uống, vừa im lặng dán mắt vào màn hình điện thoại, ti vi...

 

Họa sĩ Nguyễn Văn Chung tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai năm 2004, năm 2009 anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế. Anh hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau hơn 10 năm hoạt động mỹ thuật, anh đã có hàng chục tác phẩm đạt giải cao.

Chung cho biết, đây là đề tài khá khô khan nên cần đến sự mềm mại của lụa để thể hiện, dù lụa là chất liệu đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ, kỳ công hơn so với một số chất liệu khác. Với “ý tưởng thức tỉnh” này như anh chia sẻ, biết đâu khi trình làng, những họa phẩm trên nền lụa của anh sẽ khiến người ta phải giật mình bởi nhìn thấy mình trong đó. Người ta kịp nhận ra lạm dụng công nghệ đang giết dần mòn những phút giây quý giá, thiêng liêng trong gia đình, khiến con người ngày càng xa cách bởi thiếu sự chia sẻ, thấu hiểu. Chọn tiếng cười vang ấm, những lời nói thì thầm trong ngôi nhà hay sẽ chọn tiếng gõ lách cách vô hồn của các sản phẩm công nghệ là điều mà họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung muốn nhờ nghệ thuật truyền đi như một thông điệp, bắt đúng mạch đập của cuộc sống đương đại.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm