Pờ Yầu chuyển mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù còn rất nhiều khó khăn song nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, những năm qua, đời sống của người dân làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) đã phần nào được cải thiện.

Làng Pờ Yầu hiện có 113 hộ với 497 khẩu, trong đó, đồng bào Bahnar chiếm 98,59%. Tỷ lệ hộ nghèo của làng hiện chiếm tới 61,9% (70 hộ). Nguyên nhân là do người dân nơi đây vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp bằng phương thức lạc hậu, nguồn thu nhập chính của bà con dựa vào việc trồng lúa, bời lời, bắp, mì và chăn nuôi. Dù chỉ cách trung tâm xã Lơ Pang khoảng 12 km nhưng do địa hình chia cắt quá hiểm trở nên việc đi lại của người dân Pờ Yầu gặp rất nhiều khó khăn, phương tiện giao thông chính là xe độ và xe máy. Cũng vì đường sá khó đi nên hoạt động giao thương kinh tế của dân làng với bên ngoài rất hạn chế. Trong bộn bề khó khăn đó, người dân Pờ Yầu vẫn đang nỗ lực vươn lên nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.

 

Vườn tiêu nhà anh A Ngang ở làng Pờ Yầu đã bắt đầu cho thu hoạch.        Ảnh: Sơn Ca
Vườn tiêu nhà anh A Ngang ở làng Pờ Yầu đã bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Sơn Ca

Năm 2015, anh A Ngang là một trong số ít bà con Bahnar ở làng Pờ Yầu bắt đầu trồng hồ tiêu. Từng tham gia khóa tập huấn kỹ thuật nông nghiệp do Dự án JICA (Nhật Bản) tổ chức, bước đầu, anh A Ngang trồng thử nghiệm 500 trụ hồ tiêu giống Lộc Ninh, sau đó mạnh dạn mở rộng lên 1.000 trụ trên địa hình đồi dốc sau nhà. Đến nay, vườn tiêu của anh phát triển xanh tốt, đồng đều, không xảy ra sâu bệnh và bắt đầu cho thu bói. Nhìn thành quả ban đầu, anh A Ngang vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy các hộ người Kinh trồng hồ tiêu thành công nên học hỏi trồng theo. Tôi vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư mua cây giống, phân bón để trồng hồ tiêu. Phía  ngân hàng cũng hướng dẫn tôi cách sử dụng vốn hiệu quả để mang lại lợi ích cho gia đình”.

Sự có mặt của cây hồ tiêu ở làng Pờ Yầu gắn bó mật thiết với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ sau 3 năm “phủ sóng”, nguồn vốn này đã hỗ trợ tích cực cho bà con phát triển diện tích hồ tiêu và các loại cây trồng khác như cà phê, bời lời, mì cũng như đầu tư vào chăn nuôi bò. So với các làng khác của xã Lơ Pang, tốc độ tăng trưởng vốn tín dụng ở Pờ Yầu tương đối nhanh, tổng dư nợ đạt 1,138 tỷ đồng/54 hộ. Là người phụ trách Tổ tiết kiệm và Vay vốn của làng Pờ Yầu, anh Tèo (dân tộc Bahnar) cho biết: Từ trước đến nay, thu nhập của bà con trong làng chủ yếu là nhờ cây bời lời. Làm được cái nhà, mua được xe máy, sắm được ti vi, nồi cơm điện cũng từ cây bời lời mà ra hết. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, năm nào cũng có thu nên hầu như các hộ trong làng đều trồng.

Theo thống kê của xã Lơ Pang, tổng diện tích gieo trồng năm 2017 của làng Pờ Yầu là 102 ha. Trong đó, diện tích cà phê là 0,8 ha, hồ tiêu khoảng 2 ha, bời lời 35,5 ha, cây ăn quả 4,1 ha, lúa một vụ 11,5 ha, lúa Đông Xuân 36,5 ha, bắp 2 ha, mì 12,2 ha.  Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, những năm qua, cả hệ thống chính trị địa phương đã vào cuộc. Ông Bùi Công Nguyên-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mang Yang, cho biết: Sau 3 năm nỗ lực vận động, người dân làng Pờ Yầu đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, biết cách sử dụng vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, chấp hành rất tốt việc trả lãi, trả nợ gốc; tốc độ tăng trưởng tín dụng của làng khá nhanh so với các làng khác. Hiện trong làng đã có 15/38 hộ cận nghèo và 39/73 hộ nghèo được vay vốn. “Năm 2018, chúng tôi tiếp tục bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện, tăng cường công tác tuyên truyền để có thêm nhiều hộ tiếp cận nguồn vốn. Thuận lợi là an ninh chính trị tại đây rất ổn định, quỹ đất còn và màu mỡ nên thuận lợi để bà con vay vốn đầu tư phát triển sản xuất hồ tiêu, cà phê, bời lời hoặc chăn nuôi bò”-ông Nguyên cho biết.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm