Nhà rông lớn nhất Tây nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách TP.Pleiku 50 km về phía bắc, làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, H.Chư Păh, Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng sâu. Ở đó có một trong những ngôi nhà rông thơ mộng, huyền hoặc, lớn nhất Tây nguyên.

Ký ức về ngôi làng bị cháy

Đến làng Kon Sơ Lăl vào một chiều cuối năm se lạnh, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nhà già Sôn (57 tuổi), một trong những người hiếm hoi biết kỹ thuật dựng nhà rông. 4 giờ chiều, khi mặt trời đã ngả dần về bên kia núi, già Sôn từ rẫy trở về, trên lưng gùi theo bó củi khô. Thấy người lạ, già khẽ cười rồi hỏi khách: “Người Kinh muốn nghe kể chuyện dựng nhà rông hả? Vào đi, ở ngoài này lạnh lắm!”. Nói rồi già dẫn khách vào nhà, ôm ché rượu cần ủ nơi góc bếp ra đãi khách.

 

Nhà rông Kon Sơ Lăl.
Nhà rông Kon Sơ Lăl.

Sau khi mọi người đã ngồi vây quanh ché rượu, già Sôn vít cần xuống, mím môi hút mạnh, tiếng rượu chảy qua cổ họng vang lên ừng ực. Uống hết một kan (thước đo lượng rượu cho đồng đều), già Sôn từ từ chuyền cho từng người.

Khi vị nồng của rượu đã tràn trong lồng ngực, già bắt đầu kể: Theo phong tục của người Bahnar, nhà rông là nơi Yang (thần linh) và Atâu (hồn ma) trú ngụ, nơi linh thiêng và tôn nghiêm bậc nhất trong làng. Đây là ngôi nhà cộng đồng dùng làm nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận để quyết định những việc quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn. Đồng thời nhà rông cũng là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của làng như đâm trâu, cúng Yang...

Kể hết một lượt, già Sôn lại vít cần xuống hút thật mạnh rồi dừng lại một lát, đôi mắt hướng ra ngoài bậu cửa. Già tiếp tục câu chuyện với giọng trầm buồn. Ngày xưa ngôi làng Kon Sơ Lăl cũ nằm cách làng hiện nay 4 km. Làng cũ đẹp mê hoặc bởi vẻ nguyên sơ, hiền hòa với hơn 50 nóc nhà sàn nằm lưng chừng núi. Những ngôi nhà sàn làm bằng mái tranh, vách đất nhuốm màu thời gian.

Ngôi nhà rông sừng sững giữa làng từng chứng kiến biết bao lễ hội, bao nhiêu vòng xoang, vũ điệu cồng chiêng huyền hoặc. Làng được bao bọc bởi những cánh rừng xanh ngút ngàn, yên bình đến lạ. Con suối trên đỉnh núi chảy không ngừng về làng mang theo dòng nước ngọt mát chất chứa hương vị hoang dại của đại ngàn.

Rồi tai họa bỗng dưng ập đến. Một ngày cuối tháng 4.2015, cơn giông lốc từ bên kia đỉnh núi kéo sang. Từng đám mây mỗi lúc một dày đặc khiến bầu trời xám xịt, tối sầm. Một tia sét sáng lòa, xé toạc bầu trời, đánh thẳng vào ngôi nhà rông giữa làng. Lửa bùng lên dữ dội như muốn nuốt chửng ngôi nhà. Bất chợt, một cơn lốc xoáy xuất hiện, cuốn theo ngọn lửa đến từng ngôi nhà trong làng... Kon Sơ Lăl chìm trong biển lửa.

 

Dân làng sinh hoạt trong nhà rông.
Dân làng sinh hoạt trong nhà rông.

Không có nhà rông sao gọi là làng

Hút tiếp một kan rượu cần nữa như để trấn tĩnh, già Sôn tiếp tục câu chuyện. Sau nhiều giờ, 11 ngôi nhà sàn cùng với nhà rông chỉ còn trơ trọi những cây cột cháy đen chọc thẳng lên bầu trời, giữa nghi ngút khói. Nhiều người rơi nước mắt. Ai mạnh mẽ hơn cũng nghẹn ngào không thốt thành lời. Suy nghĩ “phải dựng lại làng, phải dựng lại nhà rông” cứ thế vang lên trong đầu già Sôn và những vị già làng.

Vậy là ý tưởng xây dựng ngôi nhà sinh hoạt chung của cả làng bắt đầu được già làng, trưởng bản và vị “kiến trúc sư” đưa ra bàn bạc. Sau khi thống nhất ý kiến, cả hội đồng làng đi đến quyết định xây dựng ngôi nhà rông cao tương đương ngôi nhà 4 tầng, dài 23 m, rộng 15 m.

Từng người trong hội đồng làng đến từng mái nhà sàn bày tỏ ý định dựng nhà rông. Rồi người làng bảo nhau như tiếng chiêng lan từ nhà này sang nhà khác. Chẳng mấy chốc hàng trăm con người được tập trung. Già Sôn đứng giữa đám đông nghiêm giọng: “Làng không có nhà rông như nhà không có bếp, như buổi sáng không có tiếng gà gáy, như ban ngày không có ánh mặt trời. Phải dựng lại làng, phải dựng lại nhà rông thôi, không có nhà rông sao gọi là làng?”.

Sau khi nghe già Sôn bày tỏ ý định, cả làng đều đồng thanh khen phải. Sáng hôm sau, hội đồng làng thảo một lá đơn gửi UBND xã, huyện xin 6 cây gỗ cổ thụ làm nhà rông. Tiếp đó, 6 nhóm trai làng đi vào rừng sâu mấy ngày đêm để tìm cây suôn, thẳng, không có vết sẹo, u. Mỗi nhóm sẽ chịu trách nhiệm đốn một cây gỗ bình linh to cỡ 2 người ôm, cao tầm 13 m rồi vận chuyển về làng. Phụ nữ, con gái đi đánh 3.000 tấm tranh về lợp mái. Người già leo rừng, lội suối lấy dây mây về làm sợi lạt. Khung cảnh rầm rập như một đại công trường.

Vị kiến trúc sư không biết chữ

Uống cạn thêm một kan, già Sôn kể cho chúng tôi nghe về ngôi nhà rông huyền thoại và bí quyết làm nên ngôi nhà chung của cả làng Kon Sơ Lăl. Kể từ lúc còn theo cha học nghề, đến nay già Sôn đã ba lần được vinh dự dựng nhà rông cho dân làng Kon Sơ Lăl. Con số ấy được tính là rất nhiều so với cuộc đời của một nghệ nhân.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ chính là già Sôn không biết chữ và chẳng có một bản vẽ nào về hình dáng của nhà rông. Tất cả đều dựa trên sự ước lượng bằng mắt thường.

Già Sôn bày tỏ: “Mình đâu có biết chữ mà làm bản vẽ hay sơ đồ. Ngày nhỏ già làng bày mình cách dựng nên bây giờ nhớ lại rồi làm theo. Dựng nhà rông, mình chỉ mang một sợi dây thừng làm thước, lấy sải tay làm đơn vị đo. Cứ tuần tự dựng cột, làm bộ khung, đặt cây rui (hệ thống xà ngang, xà dọc) rồi lợp mái, vậy là xong. Mình làm nhà sàn cho bà con nhiều rồi nên khi dựng nhà rông cũng chỉ ước lượng bằng mắt vậy thôi”.

Già Sôn cho biết, phần khó nhất trong dựng nhà rông chính là đặt cây rui, bởi nhà rông có cân bằng, vững chãi và đẹp hay không đều phụ thuộc vào công đoạn này. Vì hệ thống xà được lắp ráp ở độ cao hàng chục mét, con mắt tinh tường mới có thể chỉnh cho cân đối, vuông vức và phải thật chính xác. Thế nhưng công đoạn đặc biệt quan trọng ấy, già Sôn chẳng cần dùng đến một cây thước hay máy móc nào mà chỉ dùng... đôi mắt. Ban đầu, phải cắm một cây tre to và cao hơn chiều cao của nhà rông, một người trèo ở trên và kéo cây rui lên. Bằng đôi mắt giàu kinh nghiệm, già Sôn sẽ quan sát xem cây rui đã thăng bằng hay chưa để chỉnh sửa sao cho thật chính xác.

 

2 năm chuẩn bị cùng 4.000 ngày công

Ông Thaoh-Chủ tịch UBND xã Hà Tây, huyện Chư Pah, cho biết: “Nếu trước kia ngôi nhà rông Kon Klor ở Kon Tum chỉ rộng 6 m, dài 17 m được coi là lớn nhất Tây nguyên, thì nhà rông Kon Sơ Lăl có quy mô lớn hơn hẳn. Để thực hiện công trình này, cả làng Kon Sơ Lăl chuẩn bị 2 năm liền để tìm nguyên vật liệu và khoảng 4.000 ngày công”.

Sau khi hệ thống xà đã được cố định, hàng chục thanh niên mới leo lên cột từng mối nối bằng sợi dây mây được đan thắt với nhau. Cả công trình đồ sộ không hề dùng một cây đinh nào dần dần được hoàn thiện bộ khung. Già Sôn tâm sự: “Trong suốt mấy tháng ròng làm nhà rông, tôi cùng các già làng phải giám sát không nghỉ ngày nào. Chỉ cần kiểm tra thấy một mối dây buộc bị sai, bị xấu là phải trèo lên buộc lại cho đẹp và đúng mới thôi. Nếu không tỉ mỉ, nhà rông sẽ không đẹp và nhanh xuống cấp”.

Chúng tôi rời Kon Sơn Lăl khi ánh trăng đã treo chênh vênh trên ngọn tre cuối làng, men rượu cần vẫn còn nồng ấm, phảng phất trong hơi thở. Già Sôn ngồi lẫn trong đám trai làng để dạy chúng cách đánh chiêng và hát vang lên những giai điệu truyền thống.

Thiên Ân/thanhnien

Có thể bạn quan tâm