Đặc sản ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tây nguyên nổi tiếng với núi rừng hùng vỹ, cung cấp rất nhiều sản vật. Và đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mỗi khi buôn làng có lễ hội, đặc biệt là vào dịp Tết, ngoài rượu cần, món ăn không thể thiếu là thịt khô. Đây là cũng món ăn dành được dự trữ trong những ngày mùa mưa rét.

Lâu nay đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đặc biệt tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum vẫn có thói quen làm thịt khô để sử dụng trong các ngày lễ, Tết. Nhưng giờ đây, món thịt khô được chế biến từ thịt thú rừng đã được thay thế bằng thịt bò, heo, gà hoặc dúi chế biến khô.

 

 

Nghe thì có vẻ dễ làm song người dân ở đây bảo rằng, phải có bí quyết riêng để thịt vừa bảo quản được lâu mà vẫn giữ được vị đặc trưng. Theo kinh nghiệm của bà con, để chế biến món thịt khô, thường chọn phần thịt nạc thăn, đùi, vai của lợn, bò, cắt theo thớ rồi ướp các gia vị khoảng 30 phút rồi đem treo lên bếp lửa.

Các xiên thịt được trở đều trên bếp như thế khoảng 4 ngày là có thể sử dụng được. Khi ăn, sẽ đem thịt nướng chín lại trên bếp than hồng để thịt dậy mùi thơm. Miếng thịt khô được xé nhỏ bên ngoài vẫn rám màu khói bếp nhưng bên trong màu hồng tươi rất hấp dẫn. Thịt khô ngọt, bùi, thơm chấm với muối tiêu rừng xay nhuyễn vị sả, ngò gai, ớt, muối hạt thì có lẽ không còn gì ngon hơn trong những ngày lạnh giá.

Cùng với món thịt khô thì khi đến thăm Bản Đôn bạn được thưởng thức món gà nướng ngon tuyệt. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Gà làm sạch, ướp muối ớt, sả và thêm ít mật ong rừng cho ngấm rồi đem nướng trên bếp than. Thịt gà nướng thường chấm với muối hạt, ớt rừng xanh, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.

Cũng từ những nguyên liệu vốn có từ núi rừng, người dân tộc Ba Na ở Kon Tum lại có thể chế biến những món ăn nướng trong ống lô ô rất độc và lạ. Sau khi rửa sạch các loại rau băm nhỏ hoặc xắt thành sợi. Cà đắng, cà tím được xắt thành miếng. Cá mổ bỏ ruột, cắt thịt ra trộn rau rừng, măng rừng, sả, tiêu giã nhỏ cho vào ống lô ô.

Còn thịt gia súc (trâu, bò, heo, dê) và gia cầm (gà, vịt) được thui trên bếp lửa rồi mới cạo hay vặt lông. Sau đó xẻ thịt, chặt từng khúc nhỏ, trộn gia vị cho vào ống lô ô để lên bếp than hồng nướng cho đến chín thơm phức hương vị độc đáo mà không có nơi nào có được. Khi các món ăn đã được nướng chín họ trải lá kbang trên cái nia và đổ thức ăn từ ống lồ ô lên trên lá. Mỗi một món ăn được sắp đặt trên một cái lá nhìn vô cùng bắt mắt.

Trong những dịp lễ tết, đồng bào quây quần bên mái nhà Rông uống rượu cần và thưởng thức đặc sản thịt khô, thịt nướng, rồi hòa cùng điệu xoang uyển chuyển trong tiếng cồng chiêng ngân vang khắp núi rừng…

Thanh Hà/daidoanket

Có thể bạn quan tâm