Người lưu giữ cổ vật Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều năm qua, với lòng đam mê và tình cảm dành cho một vùng đất có nhiều gắn bó, ông Đặng Minh Tâm (59 tuổi, ở TP Đà Lạt, Hội viên CLB UNESCO nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Việt Nam) lặng lẽ băng rừng, lội suối tìm đến các buôn làng ở Tây Nguyên để sưu tầm các hiện vật gắn liền với phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng nơi đây.

Say mê nghiên cứu văn hóa

Ông Đặng Minh Tâm xuất thân là chiến sĩ của tiểu đoàn 1, tiểu đoàn tăng cường của Bộ Công an vào Lâm Đồng. Hồi còn trẻ, ông đã có ấn tượng đặc biệt với văn hóa Tây Nguyên. Trong thời gian công tác “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con các dân tộc nơi đây, ông được bà con yêu quý tặng cho những vật dụng sinh hoạt, trang phục, nhạc cụ dân tộc. “Tôi coi đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn kết giữa bản thân với các buôn làng”, ông chia sẻ.

 

Ông Đặng Minh Tâm và bộ sưu tập hiện vật các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Ông Đặng Minh Tâm và bộ sưu tập hiện vật các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Xuất phát từ tình cảm đó, ông bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí cùng dân làng tự tay làm ra chiếc cối giã gạo, đan chiếc gùi, chiếc giỏ, chặt cây, làm nhà, đi săn, lên nương trồng trọt… Cầm chiếc đàn Goong (Kơ ní) của người Gia Rai lên chơi vài điệu, ông Tâm nói: “Đây là chiếc đàn do nghệ nhân Rơ Chăm Tih (tỉnh Gia Lai) chế tác và hướng dẫn tôi cách sử dụng. Những lần học hỏi như thế, tôi càng có động lực vì biết thêm được sự đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần các dân tộc”.

Ông Tâm quan niệm, nếu không biết phong tục tập quán của dân tộc đó, sẽ không biết hướng sưu tầm, cách tìm hiểu nguồn gốc của bất cứ hiện vật nào. Bởi vậy, trong bộ sưu tập đồ sộ gồm hơn 30.000 hiện vật đang được ông lưu giữ, ông Tâm nhớ rõ chi tiết từng món đồ được mang về từ đâu, công dụng và hoàn cảnh sử dụng như thế nào. Ông còn học và có thể giao tiếp cơ bản một số tiếng bản địa như K’Ho, Gia Rai, Châu Mạ, Ba Na, vừa để phục vụ cho công việc sưu tầm, vừa để tìm hiểu văn hóa của các dân tộc này. Đến nay, ông Tâm đã biết sử dụng hơn 50 nhạc cụ từ bộ gõ, bộ hơi, bộ dây của các dân tộc Tây Nguyên.

“Hàng chục năm sưu tầm, đến giờ nếu nghe ở đâu có hiện vật mà mình chưa có, bằng mọi giá tôi phải trực tiếp tìm về, dù vất vả, tốn kém cũng không quản ngại”, ông Tâm nói về niềm đam mê của mình.

Bộ sưu tập hiếm có

Sau hàng chục năm lặn lội đến các bản làng, ông Tâm sở hữu bộ sưu tập hiện vật khá đồ sộ về đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc Xê Đăng, Ba Na (tỉnh Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Ê đê, M’Mông (Đắk Lắk, Đắk Nông), K’Ho, Mạ, Churu (Lâm Đồng)... Ông dành một phần lớn diện tích căn nhà trên đường Lương Thế Vinh (TP Đà Lạt) để làm “bảo tàng” với hơn 30.000 hiện vật chia theo các nhóm trưng bày như: bộ săn bắt trên cạn; bộ săn bắt dưới nước; bộ rèn; bộ lễ hội; bộ nhạc cụ; bộ trang sức; bộ dệt các dân tộc; bộ dụng cụ sản xuất... Bên cạnh đó, còn có bộ vật dụng sinh hoạt trong gia đình các dân tộc bản địa Tây Nguyên như gùi, ché, nồi đất.

Nổi bật trong bộ sưu tập là chiếc ghế làm bằng xương voi dành cho vua săn voi ngồi cúng mỗi khi đi săn (voi). Phía sau chiếc ghế voi là hàng chục chiếc ná, kèm ống tên đã tẩm thuốc độc. Một loạt giáo, mác, lao, đòng bằng đồng, bằng sắt được cắm ngược lên trên. Một bộ dụng cụ bẫy voi đặt ngay bên phải, làm tăng vẻ uy dũng cho chiếc ghế đã được cài hai răng nanh voi. Chia sẻ về chiếc ghế voi “đặc biệt” này, ông Tâm cho biết, trước mỗi chuyến vào rừng săn voi con đưa về thuần hóa, phục vụ việc đi lại, kéo gỗ, những trai tráng trong các buôn làng phải tìm tới vua voi để xin phép. Vua voi sẽ ngồi lên chiếc ghế này để làm lễ, thực hiện các nghi thức cúng vái thần linh.

Cũng tại không gian trưng bày tại gia đình, ông Tâm còn có bộ sưu tập ghè, chóe cổ có giá trị mỹ thuật cao được các dân tộc bản địa Tây Nguyên sử dụng, trao đổi với các dân tộc khác. Đặc biệt nhất là 2 chiếc chóe đổi voi và chóe thế mạng (nếu làm chết voi, chết người có thể đền bằng những chiếc chóe này), chóe mẹ bồng con (tương đương với 11 con trâu), chum các loại của người Chăm cổ...

“Hiện nay bộ sưu tập hơn 30.000 hiện vật tại gia đình tôi còn là nơi tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu đời sống văn hóa vật chất, tinh thần, phong tục tập quán của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên”, ông Tâm chia sẻ.

Đoàn Kiên/sggp

Có thể bạn quan tâm