Hun hút Ngọk Tem

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bỏ lại sau lưng xứ thần tiên Măng Đen suốt đời tự tình với sương mù lãng đãng, có một con đường Trường Sơn Đông duỗi mình qua những dốc cao vực thẳm dẫn đến một vùng đất hun hút: Ngọk Tem (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).

Mùa mưa, Ngọk Tem thường bị cô lập bởi nạn sạt lở đất hoặc lũ ống ở các ngầm suối. Mùa khô Tây Nguyên, cung đường này đánh thức nhiều cảm xúc đối với những người bị núi rừng mê hoặc: một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Thỉnh thoảng con dốc bất chợt ngóc đầu cao lên như trút ngược những người cố bám lên nó. Rồi như bồng bềnh, nó đổ cắm xuống hố sâu phía trước như trêu chọc, thách thức. Lại có lúc muốn làm hòa với người, nó mở ra đến hút tầm mắt những lối ngoằn ngoèo đẹp đến nao lòng.

 

Một cây cầu bắc qua ngầm trên đường đến Ngọk Tem. Ảnh: T.Đ
Một cây cầu bắc qua ngầm trên đường đến Ngọk Tem. Ảnh: T.Đ

Chinh phục cung đường đến Ngọk Tem với đầy hoa dại, đầy thác dữ, bạt ngàn rừng thiêng phải mất vài giờ. Không có nơi nào là không chụp được một tấm ảnh đẹp. Thỉnh thoảng gặp những em nhỏ bẽn lẽn cười với đôi mắt tròn xoe. Cheo leo trên những buôn làng, các dân tộc Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hrê... sinh sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng với những phong tục tập quán khác nhau đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa cộng đồng vùng Đông Trường Sơn.

Ngọk Tem làm nao lòng người khi những cơn mưa rừng ào ào đổ xuống, khi quanh mình trùng trùng núi non vây bủa, nhiều nơi không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, chỉ có đống lửa và những câu chuyện của núi rừng. Đêm nguyên sơ ngút ngàn, chỉ còn tiếng ầm ào của những con suối, tiếng mưa rừng miên man nỗi buồn vây kín những câu chuyện kể.

Câu chuyện ấn tượng tôi nghe được không phải là nét độc đáo của người đồng bào vùng cao, không phải là con suối hay đèo núi, mà là câu chuyện của những cô giáo cắm làng. Ở đây có nhiều cô giáo người Kinh trẻ tuổi lên vùng cao gieo chữ. Sau khi ra trường, họ bỏ lại sau lưng tất cả những ước mơ đô thị, khát vọng lãng mạn của tuổi xuân, bỏ gia đình, người thân, bè bạn để đi về phía rừng sâu. Nơi ấy có đàn em thơ chưa biết chữ i tờ.

Một cô giáo kể, lần đầu tiên đi trên con đường này tim như rớt ra ngoài. Xe cứ số 1 gầm rú trườn lên những con dốc rồi bố thắng nhả mùi khét lẹt khi phải ghìm trước độ sâu của đèo. Có đoạn bùn văng lên phủ lấy chiếc áo sinh viên còn chưa thấm nỗi nhọc nhằn. Đêm đầu tiên, cô giáo không biết điều gì đang xảy ra với mình. Đêm cứ đặc quánh, tiếng suối cứ như lời than vãn rầu rĩ về một câu chuyện buồn suốt đời không giải thoát. Trời lạnh. Phong phanh. Cô chưa biết mình phải chuẩn bị những gì.

Ngày đầu tiên ấy cô khóc nấc mấy lần. Khóc không phải vì buồn mà vì vắt. Vắt đầy ở nhà bếp, ở nhà cầu, ở ngay trước phòng ngủ. Nói là phòng ngủ chứ thật ra đó là tấm phản kê tạm trong phòng học. Nhà cầu được làm bằng lá rừng vây lại. Vách tường nhà tắm là những vách núi. Cứ đứng thế giữa trời cho vòi nước được kéo từ suối vào chảy lên người. Hàng ngày, những cô giáo phải đến điểm trường dạy đi băng qua những con suối mùa lũ hung dữ, những cánh rừng đầy vắt, bùn lầy và dốc. Những con dốc hun hút chỉ cần một cái trượt chân là ném thân xác xuống vực sâu.

Chợ. Trên những chiếc xe Min Khơ vắt vẻo những con cá đã chực ươn. Hỏi mua con cá nục, bác chủ chợ “cho xin 20 ngàn đồng”. Cô giật mình, con cá này ở phố lúc đắt cũng chỉ 5 ngàn đồng thôi. Rồi cô cũng trấn tĩnh được khi nhớ lại chặng đường con cá đến đây.

Lâu dần, những khó khăn trở thành niềm yêu, những cô giáo trẻ ghim sự nghiệp của mình vào vách núi, ở lại với những đứa trẻ ngây ngô chưa nhiều con chữ, chỉ biết leo rừng và quăng mình vào những con suối mỗi khi trời nắng nóng; ở lại với hoang sơ, với những đóa hoa rừng đỏ đến ấm áp lòng. Có lẽ tình cảm chân thành của người vùng cao và lòng thương không cho phép họ bỏ về xuôi.

Chia tay Ngọk Tem, chia tay những câu chuyện về cô giáo cắm làng, xuôi đèo lòng thấy nhẹ nhàng, thanh thoát như lời các em nhỏ tập đọc giữa núi rừng.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm