Điểm tựa tinh thần của người dân làng Ốp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đã 74 tuổi nhưng bà H’Lan Sứ (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vẫn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và có nhiều đóng góp trong việc vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ bỏ các tập tục lạc hậu, tập trung lao động sản xuất để thoát nghèo.

Bà H’Lan Sứ sinh ra và lớn lên tại xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). 16 tuổi, bà tham gia du kích tại địa phương, sau đó làm nhiệm vụ tải đạn cho bộ đội. Trong khoảng thời gian tham gia cách mạng, không ít lần bà bị thương do trúng đạn địch. Giờ đây, khi trái gió trở trời, những vết thương ấy lại đau nhức nhối. Song với bà, những đau đớn đó chẳng thấm tháp gì so với những hy sinh, mất mát của đồng bào. “Chiến tranh hồi đó ác liệt lắm. Hết người này bị bắt lại đến người khác trúng đạn địch. Cái chết lúc nào cũng cận kề. Vì thế, được sống sót để trở về với tôi đã là điều may mắn rồi”-bà Sứ tâm sự.

 

Bà H’Lan Sứ. Ảnh: H.T
Bà H’Lan Sứ. Ảnh: H.T

Năm 1976, sau khi lập gia đình, bà chuyển về phường Tây Sơn (TP. Pleiku) sinh sống và công tác tại Công ty Vật tư Nông nghiệp Gia Lai cho đến năm 1983 thì nghỉ hưu. Trong khoảng thời gian này, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2007, bà quyết định chuyển về làng Ốp sinh sống. Tuy là người mới đến nhưng với sự thân thiện, gần gũi, nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương, bà nhanh chóng tạo được ấn tượng với bà con nơi đây. Do đó, hễ trong làng có việc gì, bà con đều mời bà đến tham dự, thậm chí còn xin bà lời khuyên mỗi lúc làng có chuyện không vui xảy ra.

Đặc biệt, dù tuổi đã cao nhưng không kể ngày hay đêm, bà Sứ vẫn luôn tích cực cùng cán bộ ở làng tham gia hòa giải các mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, bà phối hợp với địa phương hòa giải thành công gần 10 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn vợ chồng. Ông Siu Cay-một người dân làng Ốp, chia sẻ: “Tuy là người từ địa phương khác đến đây nhưng bà Sứ luôn xem bà con làng Ốp như người nhà. Chính việc bà Sứ thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, tình cảm và tham gia hòa giải các sự việc xích mích đã giúp cho bà con trong làng nhận thức được cái đúng, cái sai để có hướng giải quyết phù hợp cũng như củng cố tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt”.

Đối với bà Sứ, điều trăn trở nhất về làng Ốp chính là đời sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà, nguyên nhân chính dẫn đến điều đó là do kỹ thuật canh tác của bà con còn hạn chế, phần nữa do ảnh hưởng của nhiều tập tục lạc hậu. Vì vậy, bà thường xuyên đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh và động viên bà con bỏ bớt một số tập tục không phù hợp và dành thời gian tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, là đảng viên được phân công phụ trách chi hội Phụ nữ của làng, thông qua các buổi hội họp, bà dành thời gian khuyến khích hội viên, phụ nữ cố gắng làm tốt vai trò người mẹ, người vợ, động viên người thân không vi phạm pháp luật, chăm chỉ lao động để vươn lên thoát nghèo.

Chính những đóng góp đó của bà đã phần nào giúp bà con làng Ốp thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất cũng như trong sinh hoạt. “Tuy mới gắn bó với làng Ốp được 10 năm nhưng bà Sứ đã có nhiều đóng góp cho địa phương như tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết xây dựng làng ngày càng phát triển. Đặc biệt, bà còn tích cực vận động bà con chăm lo sản xuất nên đến nay, số hộ nghèo trong làng giảm chỉ còn 3/115 hộ. Do đó, năm nào bà cũng được công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được bà con nơi đây tin tưởng, quý mến”-ông Rơ Châm Thoát-Trưởng thôn Ốp, nhận xét.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm