Tây Nguyên cà phê nhân chủ yếu theo công nghệ chế biến khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên, phần lớn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê đều sử dụng công nghệ chế biến khô để chế biến cà phê nhân.
 

Chế biến cà phê nhân tại Công ty TNHH Cà phê Hà Lan Việt Nam (100% vốn Hà Lan), TP Buôn Ma Thuột, Đak Lak.
Chế biến cà phê nhân tại Công ty TNHH Cà phê Hà Lan Việt Nam (100% vốn Hà Lan), TP Buôn Ma Thuột, Đak Lak.

Việc áp dụng công nghệ chế biến khô không những tăng thêm tổn thất sau thu hoạch (khoảng 10%) mà còn làm sản phẩm các phê nhân có giá trị thấp (giá trị thấp hơn so với sản phẩm cà phê nhân được chế biến theo công nghệ chế biến ướt) khi đưa ra thị trường xuất khẩu.

Các tỉnh Đak Lak, Lâm Đồng, Đak Nông là những vùng trọng điểm cà phê của vùng Tây Nguyên, hiện nay, trên 80% nông hộ sử dụng công nghệ chế biến khô để chế biến cà phê nhân.Với hình thức chế biến khô này, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn Tây Nguyên sau khi thu hái cà phê quả tươi về loại bỏ các tạp chất như cành, lá, đất, đá, quả cà phê xanh non…, sau đó, đưa ra phơi khô trên nền xi măng, nền gạch hoặc trải trên tấm bạt nilon…

Khi cà phê độ ẩm xuống còn 12 - 13%, các nông hộ, doanh nghiệp mới đưa vào máy xát loại bỏ vỏ ngoài, vỏ trấu cho ra cà phê nhân thành phẩm. Thuận lợi của công nghệ chế biến khô là giá đầu tư một dây chuyền công nghệ không quá cao, tùy theo công suất chế biến mỗi máy (có giá đầu tư từ 5 triệu đồng trở lên/máy) nhưng bất lợi là khi xay xát làm cho nhiều nhân cà phê bị tổn thương, vỡ, trong phơi sấy có lúc hạt cà phê bị lên men, thâm đen lẫn tạp chất… nên dẫn đến chỉ tiêu đánh giá ngoại quan cà phê thấp, giá xuất không cao.

Hiện nay, phần lớn các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên có diện tích từ 1 ha trở lên đều tự trang bị một dây chuyền công nghệ chế biến cà phê nhân khô với quy mô nhỏ vài trăm tấn/năm, còn đối với các doanh nghiệp mỗi dây chuyền đều có công suất từ 1.000 tấn sản phẩm cà phê nhân/năm trở lên. Trong khi đó, việc chế biến cà phê nhân theo công nghệ chế biến ướt là tiên tiến nhất hiện nay chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở vùng Tây Nguyên có quy mô tương đối lớn mới đầu tư.

Cụ thể, tại Đak Lak, nơi có diện tích, sản lượng cà phân nhân nhiều nhất nước chỉ có 16 dây chuyền công nghệ chế biến ướt cà phê nhân của các doanh nghiệp như Công ty TNHH 1 thành viên cà phê Ea Pốk, Thắng Lợi, Phước An, Thắng 10…

Còn tại Lâm Đồng, địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhân đứng thứ 2 sau Đak Lak cũng chỉ mới có 9 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến ướt cà phê nhân, với tổng công suất từ 45.000 - 50.000 tấn sản phẩm/năm, trong tổng sản lượng cà phê nhân mỗi niên vụ của Lâm Đồng là trên 400.000 tấn…

Các tỉnh Tây Nguyên đã có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư các cơ sở chế biến cà phê nhân, với công nghệ chế biến ướt hiện đại, có công suất lớn nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê nhân trên địa bàn.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có gần 550.000 ha cà phê, sản lượng niên vụ này ước đạt từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên.

Quang Huy (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm