Phận voi rừng, voi nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy mươi năm qua, hàng triệu héc-ta rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, kể cả hàng trăm ngàn héc-ta rừng khộp-rừng thay lá đặc hữu của Tây Nguyên đã cạn kiệt trước sự vô tâm tàn phá của con người. Ngay cả loài chim thú cũng bị ảnh hưởng đến sự sống yên lành, thiếu thốn cả miếng ăn và cảnh quan thiên nhiên xanh.

Voi rừng có tập tính sống thân thiện thành từng đàn trong không gian riêng đầy cây xanh vây quanh. Voi con luôn quấn quýt bên voi mẹ, sống thanh thản yên lành không lạc đàn, xa vắng, mất mát nhau. Cho đến một ngày rừng cây dần dần trơ trụi, suối nước mùa khô vơi cạn cùng những bước chân người lùng sục với súng đạn trên tay...

 

Voi ở Tây Nguyên đang suy giảm số lượng nhanh chóng.                     Ảnh: Tiến Dũng
Voi ở Tây Nguyên đang suy giảm số lượng nhanh chóng. Ảnh: Tiến Dũng

Mới đây, một đàn voi rừng gần 10 con từ Vườn Quốc gia Yok Đôn đói thức ăn nước uống lại tìm đường đến khu dân cư huyện Ea Súp, đổ xô vào các vườn rẫy, tức giận đạp ngã và ăn bắp, ăn chuối... của người dân, rồi đủng đỉnh đến hồ thủy lợi uống nước. Loài thú cũng biết buồn biết giận khi môi trường sống, không gian sinh tồn với rừng cây xanh, suối nước đầy bị bàn tay con người tàn phá cạn kiệt.

Voi rừng thiếu ăn, mất mát cảnh quan đầy cây ngàn bóng cả, từng tháng ngày sống buồn bã sẽ có nguy cơ chết sớm trước tuổi thọ hơn một trăm năm. Nhiều năm qua, đàn voi nhà từ khi còn là voi con bị săn bắt và thuần dưỡng, ngày ngày sống tù túng bó hẹp bước chân quanh buôn làng, đi đứng theo lệnh của chủ voi, không thể tự tìm lá thuốc chữa bệnh, không tự tìm thức ăn đầy đủ theo ý muốn, đêm đêm lại cam chịu xiềng xích chân... Hàng trăm con voi nhà ở Đak Lak đã lần lượt chết sớm mấy mươi năm so với tuổi thọ loài voi.

Điều đáng nói nữa là, do cuộc sống bị giam lỏng lẻ loi, thiếu bầy đàn nòi giống, thiếu tình cảm kết thân với đồng loại khác giới giữa cộng đồng xa lạ, ngày ngày buồn chỉ giáp mặt với con người nên đôi mắt con voi nhà nào nhìn vào đâu cũng buồn, cũng mang niềm nhớ sâu xa bóng cả cây rừng... Loài voi vốn nhạy cảm tinh tế, khi bị ức chế nặng nề thì không thể thản nhiên thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng giao phối và sinh sản giống nòi. Voi đực và voi cái chỉ nối kết tình cảm và hòa hợp xác thân trong môi trường sống hoang dã, đồng điệu đồng tình với thiên nhiên đầy bóng lá rừng cây.

Voi Tây Nguyên đang ngày càng tuyệt chủng. Gia Lai chỉ còn một con voi sống lẻ loi tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa); làng voi Nhơn Hòa vang danh ngày nào giờ đã sạch bóng voi rừng, voi nhà. Những con voi nhà ở Buôn Đôn, hồ Lak, những đàn voi rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn đang suy giảm số lượng nhanh chóng. Môi trường sống đã bị thu hẹp, sự sinh trưởng, phát triển của loài động vật nổi tiếng ở Tây Nguyên một thời đang dần đi vào cổ tích khiến những ai yêu mến Tây Nguyên không khỏi ngậm ngùi, nuối tiếc.

Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm