Đak Bla dòng sông truyền thuyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sông Đak Bla có vị trí đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển đời sống văn hóa-xã hội của khu vực Bắc Tây Nguyên nói chung, vùng đô thị Kon Tum nói riêng. Nó không những tạo nên một “đồng bằng Rơ Ngao” trù phú dọc theo lưu vực sông mà còn tạo quanh mình nhiều truyền thuyết, huyền thoại mang đậm tính nhân văn.

Sông Đak Bla dài 139 km. Do đoạn đến địa phận Kon Tum sông đột ngột bẻ ngoặc hướng Đông-Tây, khác hẳn với đặc điểm sông ngòi Việt Nam nên thường được gọi là “Dòng sông chảy ngược”. Sông Đak Bla khiến Kon Tum trở thành thành phố duy nhất khu vực Tây Nguyên có dòng sông ngang qua lòng phố thị.

 

Dòng sông Đak Bla.   Ảnh: internet
Dòng sông Đak Bla. Ảnh: internet

Đak Bla là cách gọi đã được Việt hóa cho dễ đọc. Tiếng Bahnar là Đak Blăh, trong đó “Đak” nghĩa là nguồn nước, “Blăh” là hung bạo, cuồng nộ. Do vậy, nó còn được gọi là “Con nước hung bạo”, vì vào mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ dồn về càn quét rất khủng khiếp.

Bà con các dân tộc Bahnar, Xê Đăng, Jrai, Rơ Ngao… sống dọc theo lưu vực sông Đak Bla có nhiều câu chuyện truyền kỳ về những hiện tượng tự nhiên quanh con sông này, chuyện nào cũng đẹp, cũng hay, cũng đầy ý nghĩa nhân văn.

Đầu tiên phải kể đến chuyện “Dòng sông chảy ngược”. Chuyện kể rằng thuở sông Đak Bla còn chảy xuôi hướng Tây-Đông như bao sông suối khác là lúc chiến tranh bộ lạc còn hoành hành khắp xứ Tây Nguyên. Các buôn làng thường xuyên đánh phá, cướp bóc lẫn nhau. Một làng Jrai bên hữu ngạn phía thượng nguồn và một làng Bahnar bên tả ngạn phía hạ nguồn cũng có mối thù không đội trời chung. Nhưng oái oăm thay, có chàng trai bên làng hữu ngạn và cô gái bên làng tả ngạn yêu nhau tha thiết.

Hai người biết là không bao giờ làng cho họ lấy nhau, mà rời xa nhau thì cũng không thể. Tuyệt vọng, chàng và nàng hẹn nhau vào đêm trăng sáng cùng ra bờ sông phía làng mình đâm dao tự sát rồi nhào xuống sông để cùng trôi về nơi không có hận thù. Dòng máu của chàng trai trôi xuôi về Đông tìm người yêu. Lạ lùng thay, dòng máu cô gái lại bơi ngược dòng chảy, lặng lẽ trườn về hướng Tây để tìm chàng trai. Khi 2 dòng máu gặp nhau ở giữa sông, máu chàng trai nhập hòa vào máu cô gái và cuốn luôn cả dòng sông cùng trôi về hướng Tây. Sáng hôm sau, bà con 2 bên bờ vô cùng ngạc nhiên khi thấy con sông thân thuộc bao đời nay bỗng chảy về Tây và dòng nước ngầu đục phù sa như màu máu đỏ! Khi biết ra sự thật, 2 làng thức tỉnh, liền gạt bỏ hận thù, kết nghĩa anh em, sống hòa hiếu yên lành. Sông từ ấy cứ chảy ngược về Tây, không đổi dòng được nữa.

Một truyền thuyết khác cũng rất được yêu thích, đó là chuyện “Con nước hung bạo”. Chuyện kể rằng xưa, có đôi vợ chồng sống ở một làng Bahnar ven sông Đak Bla. Vì vợ chồng hiếm muộn, anh chồng lén lút vụng trộm với người đàn bà khác để kiếm con. Trong cơn ghen tức và tuyệt vọng, vào một đêm trăng mùa bão lũ, người vợ bơi xuồng độc mộc ra giữa dòng sông, nàng ngước nhìn trăng buông lời nguyền độc: “Khi tôi chết, sông hãy mang xác tôi về nơi vô định và trên dòng nước này hàng năm phải có đàn ông chết đuối để trả mối hận tình”. Nói xong, nàng nhào xuống dòng sâu nước xiết.

Sau khi vợ chết, anh chồng ôm niềm hối hận khôn nguôi. Năm sau, cũng mùa bão lũ, chàng chèo xuồng ra sông quăng lưới. Dưới ánh trăng sương mờ ảo, gương mặt người vợ hiện ra chập chờn trước mắt. Chàng liền chèo càng lúc càng nhanh đuổi theo bóng vợ để nói lời tạ tội nhưng không sao bắt kịp. Đến khi tốc độ quá nhanh, xuồng va vào tảng đá hình mai rùa nổi giữa sông vỡ tan, người chồng văng xa và bị cuốn theo dòng nước xiết. Đấy là người đàn ông đầu tiên đền mạng sau lời nguyền của nàng. Từ đó, cứ vào mùa mưa lũ là hầu như đều có đàn ông chết đuối trên sông (vì họ là người luôn có công việc gắn liền với sông nước). Chuyện xảy ra hàng năm đến như là… tập quán! Năm nào thấy nước dâng cao sắp làm lũ lớn, người ta lại kháo nhau: Chắc chưa có người chết đuối!

Bây giờ thì không còn nữa, nhưng năm 2012 bên bờ Bắc sông Đak Bla, cạnh đầu cầu, vẫn còn một bóng cây cổ thụ lặng lẽ che mát một vùng. Ấy là đôi cây si và tơ-đáp cộng sinh, ôm cuốn vào nhau như đôi người tình tự. Đây cũng là một câu chuyện tình sắt son và trắc trở, theo truyền thuyết “Cây đôi si và tơ-đáp”. Chuyện rằng, thuở chiến tranh bộ tộc, bên kia và bên này sông có 2 làng thù nhau dai dẳng. Bất chấp mối thù làng, có đôi trai gái cứ yêu nhau tự nhiên như cây rừng nước suối. Khi biết chuyện, 2 làng ngăn cấm. Một đêm trăng, vào mùa ning-nơng, chàng trai lẳng lặng rời bỏ hội làng bơi xuồng độc mộc sang bờ gặp người yêu nơi điểm hẹn. Cô gái cũng lặng lẽ rời vòng xoang ra bên bờ đón đợi. Trong lạnh rét căm căm của núi rừng, 2 người ôm ghì lấy nhau để truyền hơi ấm và cùng nhau than thở duyên tình. Đến khi nghe tiếng gà eo óc gáy, vì sợ người làng thấy biết, 2 người liền biến thành đôi cây quấn sít vào nhau. Chàng thành cây si xòe tán lá xanh mơn, nàng thành cây tơ-đáp vươn ngọn lên cao nở những chùm hoa đỏ thắm soi ửng ánh hồng xuống tán lá xanh.

Tiếc thay, năm 2012 người ta cắt bỏ mất phần nhô cao của cây tơ-đáp, chỉ để lại một bóng si già đơn độc buồn thiu như trầm ngâm trong niềm tiếc nhớ. Bóng si ngày càng ủ rũ xác xơ thảm hại, đến năm 2013 thì cây si chết hẳn. Từ đó đến nay, bên bờ sông Đak Bla không còn hình ảnh màu hoa đỏ thắm trên cao soi ánh hồng xuống tán lá xanh mơn như đôi người tình tự nữa! Mọi người tiếc ngẩn ngơ một cảnh quan tự nhiên độc đáo giữa lòng phố xá Kon Tum…

 …Bây giờ và mãi ngàn sau, người ta sẽ còn nghe kể lại những câu chuyện tình buồn bên dòng Đak Bla-con sông “chảy ngược”. Và có phải chăng từ đó mà cảnh sắc Tây Nguyên thêm nhiều hấp dẫn, văn hóa Tây Nguyên có thêm nhiều huyền tích và con người Tây Nguyên càng thêm giàu chất nghĩa tình?  

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm