Phụ nữ An Khê giúp nhau xóa đói giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát huy tinh thần tương thân tương ái, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa nhằm giúp hội viên nghèo ổn định đời sống, vươn lên phát triển kinh tế.

Tương thân tương ái    
     
Điểm nhấn nổi bật trong các hoạt động hỗ trợ hội viên của Hội LHPN thị xã thời gian qua là chương trình sửa chữa nhà ở cho hội viên gia đình chính sách khó khăn về nhà ở và hội viên nghèo. “Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, Hội LHPN thị xã đã trích quỹ “Mái ấm tình thương” hỗ trợ 55 triệu đồng để sửa chữa nhà ở và mua sắm một số vật dụng sinh hoạt cần thiết cho gia đình chị Đặng Thị Tuyết và chị Nguyễn Thị Mến (cùng ở tổ 3, phường An Phước, thị xã An Khê). Đây là 2 hội viên gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Cũng trên cơ sở nguồn quỹ này và sự đóng góp của Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp thị xã An Khê, Hội còn hỗ trợ 46 triệu đồng sửa chữa nhà ở cho 2 trường hợp hội viên nghèo tại phường An Phú. Mặc dù còn khiêm tốn nhưng đây là sự cố gắng, nỗ lực của Hội nhằm chia sẻ với những chị em có hoàn cảnh khó khăn”-bà Trịnh Thị Lê-Chủ tịch Hội LHPN thị xã An Khê, cho biết.

 

Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã An Khê phối hợp với Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp thị xã An Khê trao nhà tình thương cho gia đình hội viên nghèo.                                                          Ảnh: L.H
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã An Khê phối hợp với Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp thị xã An Khê trao nhà tình thương cho gia đình hội viên nghèo. Ảnh: L.H

Bên cạnh việc hỗ trợ hội viên xây dựng, sửa chữa nhà ở, một trong những mô hình được Hội LHPN thị xã An Khê đánh giá cao là mô hình “Phụ nữ giúp nhau mua bảo hiểm y tế”  do Hội LHPN xã Xuân An và Hội LHPN phường Tây Sơn triển khai. Trong đó, Hội LHPN xã Xuân An đã giúp 31 hộ với 81 nhân khẩu mua bảo hiểm y tế tự nguyện hộ gia đình với tổng số tiền hơn 25,4 triệu đồng. “Sự hỗ trợ này rất có ý nghĩa với gia đình hội viên nghèo nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật”-bà Lê nhận xét.

Giúp nhau phát triển kinh tế

Công tác giúp nhau phát triển kinh tế để hướng đến thoát nghèo và làm giàu cũng luôn được Hội LHPN thị xã An Khê đặc biệt quan tâm. “Vấn đề mấu chốt để các chị em hội viên phát triển kinh tế là nguồn vốn. Bởi vậy, chúng tôi ưu tiên tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho chị em thông qua hoạt động vay vốn hoặc thành lập tổ tiết kiệm để huy động vốn”-bà Lê cho biết thêm. Theo thống kê, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội dành cho đối tượng hội viên Hội LHPN, đến nay đã có 55 tổ vay vốn với 2.313 hộ tham gia, tổng mức dư nợ đạt 62,82 tỷ đồng. Ngoài kênh vay vốn dành cho hội viên nghèo, Hội đã mở rộng thêm 3 kênh vay vốn khác là nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế do Hội LHPN tỉnh triển khai; vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ và vay vốn giải quyết việc làm. Tổng mức giải ngân từ 3 nguồn vốn này đến nay đạt trên 1,8 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều chị em đã tiếp cận được với nguồn vốn cần thiết để đầu tư phát triển sản xuất.

 

Hội LHPN thị xã An Khê hiện có 9.081 hội viên, chiếm 71,4% tổng số chị em phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, trong đó hội viên người dân tộc thiểu số là 241 chị, hội viên tôn giáo 1.315 chị. Đến hết năm 2016, thị xã còn 297 hộ nghèo do hội viên Hội Phụ nữ làm chủ hộ.

Bên cạnh nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, Hội còn thành lập tổ tiết kiệm tại các chi hội với mục đích “góp nhỏ thành lớn”, huy động tiền tiết kiệm từ chị em hội viên để tạo thành nguồn quỹ xoay vòng cho hội viên nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đó là phong trào nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, tiết kiệm 5.000 đồng/tháng… Từ nguồn huy động tiết kiệm này, các chị em đã hỗ trợ kịp thời gia đình hội viên khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo với số tiền trên 5,8 triệu đồng. Đặc biệt, Thường trực Hội LHPN thị xã An Khê còn trực tiếp tuyên truyền, vận động hội viên người Bahnar tại 2 chi hội làng Pờ Nang (xã Tú An) và làng Pốt (xã Song An) thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu để vươn lên thoát nghèo. Trong đó, tại chi hội làng Pốt đã thành lập được Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 11 thành viên tham gia; đến nay đã có 3 chị gửi tiết kiệm tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã với tổng số tiền 8,2 triệu đồng.

“Trong vấn đề cho vay hộ phụ nữ nghèo, trước đây, thị xã An Khê là một trong những địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn khá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ có sự phối hợp từ phía ngân hàng cùng tổ chức Hội, chính quyền địa phương trong công tác vận động hộ hội viên trả nợ đúng hạn đã giúp giảm mạnh tỷ lệ này. Nếu như tỷ lệ nợ quá hạn đầu năm thường xuyên duy trì ở mức 0,31% thì hiện nay, con số này đã giảm còn 0,18%. Mặc dù tỷ lệ này còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh nhưng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì và hạ thấp trong thời gian đến”-Chủ tịch Hội LHPN thị xã An Khê cho biết thêm.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm