Lạc rừng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không nói đến “Lạc Rừng”-một trong những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Mà trong bài viết ngắn hôm nay, chúng tôi xin nói về một chuyện khác, là chuyện anh Thánh lạc rừng, tất nhiên bối cảnh cũng cùng diễn ra ở vùng đất địa linh nhân kiệt này-An Khê.

Cách thị xã An Khê ngày nay về phía Đông Nam chừng vài chục cây số là dãy Hãnh Hót. Hồi đó, những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, vùng đất này được coi là một trong những chiến trường ác liệt nhất của Gia Lai. Hãnh Hót là nơi đứng chân của các lực lượng quân dân chính Đảng của K8 (An Khê) và một số đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu 5. Cách quận lỵ An Khê chỉ chừng ấy cây số thôi, nhưng với quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn là một quãng đường vô tận, dù bao lần tổ chức hành quân càn quét, xe tăng, phi pháo các loại cũng đành bất lực với một vùng rừng nguyên sinh bạt ngàn và núi cao vực sâu này.

 

Anh Thánh, hàng đứng, thứ hai từ phải sang.                                                   Ảnh: tư liệu
Anh Thánh, hàng đứng, thứ hai từ phải sang. Ảnh: Tư liệu

Rồi cũng có hàng chục lần chúng thay đổi “chiến thuật”, tổ chức những toán biệt kích nhỏ, lẻ từ 7 đến 10, 12 tên bí mật luồn sâu vào rừng rậm, suối khe, phục kích những nơi mà chúng nghi là sẽ có lực lượng cách mạng lại qua, nơi có thể là chỗ đóng quân của bộ đội. Nếu phát hiện Quân Giải phóng đông và trang bị mạnh thì chúng sẽ huy động đổ bộ, hoặc tấn công bằng phi pháo; ngược lại, phía đối phương ít, trang bị thô sơ thì chúng sẵn sàng nổ súng tiêu diệt hoặc bao vây bắt sống.

Anh Thánh và đồng đội của anh rơi vào trường hợp thứ hai. Mùa mưa năm 1971, anh lọt vào ổ phục kích của biệt kích Mỹ khi cùng đồng đội trên đường vào vùng địch hậu. Với những trường hợp bị động hoàn toàn như thế, trước những họng súng liên thanh và thiện xạ của lính biệt kích, mà thời kỳ ấy người ta gọi chúng là... Mỹ lếch, thì chuyện thoát khỏi vòng vây là điều không thể. Nhưng anh Thánh và đồng đội của anh đã biến điều không thể trở thành có thể, bởi một phần quan trọng ngoài chuyện các anh kiên cường bắn trả, chia sẻ cho nhau những hiểm nguy bằng cách giúp đánh lạc hướng truy kích của địch, là được “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Nhưng hơn thế, như mọi người bảo vui, anh tên Thánh, đúng là thánh thật, chỉ có thánh mới có thể biến cái không thể trở thành có thể. Và, trong trận đánh vừa bị động lại không cân sức năm đó, 3 đồng đội trở về, riêng anh Thánh bị lạc trong rừng Hãnh Hót. 3 ngày đêm “lạc rừng” với muỗi, vắt, thú dữ và dữ hơn cả vẫn là biệt kích Mỹ-Mỹ lếch. Cơ quan cử nhiều tốp cán bộ, chiến sĩ trở lại vùng núi Hãnh Hót, nơi diễn ra trận phục kích tìm kiếm ròng rã mấy ngày liền, nhưng anh Thánh vẫn bặt vô âm tín. Cơ sở bên trong vùng tạm chiếm của Mỹ ở An Khê (Gia Lai), Quy Nhơn (Bình Định) khẳng định trong thời gian ấy không có cán bộ, chiến sĩ nào bị Mỹ bắt sống, có nghĩa là anh Thánh đã hy sinh.

Thế rồi, bất ngờ vào cuối ngày thứ 3 kể từ khi bị mất tích bí hiểm, anh lại xuất hiện ở vùng rừng gần cơ quan đứng chân. Chẳng phải anh biết lối trở về, mà do may mắn, rừng già hun hút thế, biệt kích Mỹ và thú dữ rình rập thế, anh chọn cho mình một hướng và cứ men theo những con suối, vượt qua những ngọn thác... Và cho đến khi bất ngờ tìm thấy những dấu dép cao su sau trận mưa rừng để lại thì anh mới dám nghĩ mình đang còn sống. Anh Thánh là con trai một, cha mất sớm, mẹ già đơn độc nơi quê An Nhơn, Bình Định, cho nên những ngày anh mất tích, cả cơ quan xót thương anh vô cùng. Chú Đoàn Hồng Chương(*) là người được chú Hồ Ngọc Năm, khi ấy là Bí thư Huyện ủy An Khê, giao viết điếu văn chuẩn bị lễ truy điệu cho anh Thánh. Chú Chương cũng là người bà con của anh Thánh, biết rõ ngọn nguồn gia tộc nên điếu văn trở thành bài viết tâm tình đẫm nước mắt. Giá mà anh Thánh giữ được bài điếu văn ấy đến giờ. Thế mà, có lần vui lên anh lại nhắc chuyện tai nạn nghề nghiệp của một nhà báo dưới quyền quản lý của người viết bài này, anh bảo anh cũng khóc 3 ngày 3 đêm vì cô nhà báo ấy trong một bài viết của mình đã nói anh... đi đầu hàng giặc. Là cô ấy viết nhầm tên thôi, không cố ý và đã được đính chính ngay sau đó.

An Khê sau ngày giải phóng cho đến nay có nhiều thay đổi, đã trở thành thị xã, thành vùng kinh tế động lực phía Đông của Gia Lai, sự thay đổi và lớn mạnh của vùng đất địa linh nhân kiệt này có sự đóng góp không nhỏ của anh thương binh tên Thánh với chức trách là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho đến ngày về nghỉ hưu cách nay đã trên... một giáp; về nghỉ hay khi còn đương chức, ở vị trí lãnh đạo cấp nào thì với anh vẫn vậy, luôn gần gũi với anh chị em, đồng đội, với cấp dưới và bà con xóm giềng, là chỗ dựa, là nơi hội tụ chia sẻ bao điều của đồng đội thuở nào.

Trong lần gặp cách nay chưa lâu, tôi hỏi anh mấy điều về chuyện cũ mà với trí nhớ của mình khi ấy chỉ là một chiến sĩ tí hon tôi chưa tin chắc lắm, anh bảo: Mầy định viết gì à, đừng viết về tao đấy? Vâng, tôi chỉ nói lên một-lát-cắt về anh thôi-anh Thánh, mà chính danh là anh Lê Thanh Hiển!

Đoàn Minh Phụng
---------------------
(*) Chú Đoàn Hồng Chương hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng.

Có thể bạn quan tâm