Văn hóa Tây Nguyên: Còn-mất những gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Văn hóa truyền thống của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên vẫn còn, nhưng đang biến đổi dữ dội…”-đó là đánh giá của TS. Phạm Quỳnh Phương-chuyên gia nghiên cứu văn hóa của Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội và Môi trường (iSEE) khi bà về một số buôn làng người Ê Đê, M’Nông, Jrai để tìm hiểu và chứng thực mức độ thành công cũng như hiệu quả từ chương trình “Văn hóa của mình: Còn và mất những gì?” do cơ quan trên triển khai từ cuối năm 2014 đến năm 2016.

Theo TS. Phương, di sản văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên vẫn còn hiện hữu khá đậm đặc, nhất là âm nhạc cồng chiêng, các nghi lễ cổ truyền, vốn tri thức bản địa, vật dụng truyền thống và ẩm thực… Tất cả di sản văn hóa đó đang được cộng đồng người dân tộc bản địa quan tâm, gìn giữ. Và điều đó được thể hiện ở chỗ: trong số hơn 600 bức ảnh do họ tự chụp và kể lại câu chuyện bảo tồn văn hóa của mình (thông qua hoạt động Photovoice) thì có đến 2/3 số tác phẩm-câu chuyện phản ánh sâu sắc và sinh động về những giá trị văn hóa như đã nêu.

 

Nhà dài-không gian sinh hoạt truyền thống và đặc thù của người Ê Đê cần được gìn giữ, bảo tồn. Ảnh: Đ.Đ
Nhà dài-không gian sinh hoạt truyền thống và đặc thù của người Ê Đê cần được gìn giữ, bảo tồn. Ảnh: Đ.Đ

Tuy nhiên, TS. Phương cũng nhận định: Di sản văn hóa truyền thống ấy đang trên đà biến đổi dữ dội do không gian sống đã khác (như buôn làng không còn gắn liền với rừng, bến nước, sự thâm nhập của các yếu tố ngoại lai); tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã phai nhạt, thậm chí không còn; đặc biệt là “ngưỡng hành vi” của các thành viên trong cộng đồng đang bị lung lay… khiến việc bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa truyền thống trở nên nan giải.

Tại cuộc hội thảo “Văn hóa của mình-Những bức ảnh và câu chuyện của tộc người Ê Đê tại Đak Lak” được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột mới đây đã có nhiều ý kiến cho rằng: Sự biến đổi của các giá trị văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên nói chung là tất yếu. Tuy nhiên, sự biến đổi ấy theo đường hướng nào để không “vượt ngưỡng hành vi” mà cộng đồng đã quy định rõ ràng (trong hương ước, luật tục) là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Chẳng hạn như việc trồng cà phê, hồ tiêu trong các buôn làng hiện nay, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã có không ít gia đình sẵn sàng phá bỏ không gian truyền thống, kể cả rừng đầu nguồn, bến nước của cộng đồng, dẫn đến hệ quả đáng lo ngại là nguồn nước sinh hoạt không còn, bến nước và rừng-vốn được coi như một sinh thể đúng nghĩa, luôn gắn bó với tâm tư, tình cảm của mỗi người dần biến mất. Hoặc giả, vì điều kiện sống thay đổi theo nghĩa văn minh hơn, đã có nhiều hộ từ bỏ kiến trúc nhà dài để làm mới ngôi nhà bê tông hiện đại như người Kinh, khiến mọi sinh hoạt cũng như năng lực thực hành văn hóa mang tính cộng đồng rất sâu đậm được nuôi dưỡng trong ngôi nhà truyền thống ấy trở nên phai nhạt. Những “mảnh vỡ” hay nét “đứt gãy” đó-nói như ông Y Luynh Adrơng-Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đak Lak tại cuộc hội thảo trên-là hệ quả đáng buồn và đáng lo ngại do thiếu sự chi phối và dẫn dắt của “ngưỡng hành vi” cho phép. Ông Y Luynh chia sẻ thêm: Chương trình “Văn hóa của mình: Còn và mất những gì?” đã mở toang cánh cửa lâu nay, mà vì một lý do nào đó bị che khuất để cho mọi người nhận diện và có cái nhìn đồng hành cùng cộng đồng các dân tộc thiểu số ở đây tìm ra phương cách hạn chế và khắc phục “vấn nạn” này.

Vậy, phải hạn chế và khắc phục “vấn nạn” ấy như thế nào? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra tại hội thảo. TS. Phạm Quỳnh Phương đã nêu rõ quan điểm của mình rằng: Từ những bức ảnh và câu chuyện được “người trong cuộc” kể lại dưới góc nhìn đa chiều và sinh động đến vậy thì rõ ràng việc tiếp tục vun đắp, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong chỉnh thể thống nhất là điều cấp thiết. Theo đó, việc tăng cường giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ trong “ngưỡng hành vi” đặt ra của cộng đồng càng phải được quan tâm. Làm được điều đó, có nghĩa là chúng ta-những người có trách nhiệm cùng với chủ thể của nền văn hóa ấy đã tạo ra “sức đề kháng” đủ mạnh để chống lại những tác động tiêu cực, bất lợi trong quá trình biến đổi và tiếp diễn vốn văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.

Đình Đối

Có thể bạn quan tâm