Người phụ nữ Nùng say mê văn hóa Ê Đê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do ảnh hưởng từ nhiều mặt của đời sống xã hội nên văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn, chính vì thế các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng dần bị lãng quên. Vậy mà, ở buôn Ea Mắp (thị trấn Ea Pok, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đak Lak) vẫn có một người phụ nữ dân tộc Nùng say mê văn hóa Ê Đê, nhiều năm nay vẫn âm thầm đi tìm mua từng hiện vật cổ của dân tộc Ê Đê về bảo tồn, giữ gìn và mở một mô hình dịch vụ lưu trú homestay theo phong cách văn hóa Ê Đê.

Từ bén duyên…

Trong khuôn viên nhỏ rợp màu xanh của cỏ cây, 2 căn nhà sàn đúng kiểu truyền thống Ê Đê nối tiếp nhau, bậc lên nhà sàn là 2 cầu thang đực và cái, bên trong trưng bày một hàng dài những hiện vật tiêu biểu cho đời sống văn hóa, sinh hoạt người Ê Đê như: cồng chiêng, gùi, ché, bầu, trống, nồi đồng, các loại nhạc cụ... Gian bếp nằm cuối góc nhà được đóng khung bằng các miếng ván nhỏ, bên trong đổ lớp đất dày để đặt củi.

 

Chị Hải Yến bên ngôi nhà dài truyền thống. Ảnh: D.Y.T
Chị Hải Yến bên ngôi nhà dài truyền thống. Ảnh: D.Y.T

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Ê Đê, Nguyễn Hải Yến (SN 1987), chủ mô hình homestay Cư Hlăm, một phụ nữ dân tộc Nùng, chia sẻ: Năm 1991, cả gia đình cô di cư từ tỉnh Cao Bằng vào xã Ea Wy (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đak Lak) lập nghiệp. Cách đây hơn 8 năm, Yến tình cờ gặp và phải lòng chàng trai Ê Đê Niê Hoàng Kiệt rồi nên duyên vợ chồng ở mảnh đất Tây Nguyên.

Về buôn Ea Mắp làm dâu, Yến yêu thích căn nhà sàn mà mỗi lần có thêm một cô gái lấy chồng thì lại được nối dài ra, yêu những tấm váy áo thổ cẩm với những nét hoa văn đặc sắc. Yến cũng đặc biệt thích những món đặc sản hấp dẫn của người bản địa như: kiến vàng nấu cá lóc, lá mì xào cá hấp, canh cà đắng thập cẩm... Cô cũng được sống cận kề chân núi Cư Hlăm với rừng cây xanh cổ thụ cùng câu chuyện huyền thoại về cuộc tình oan trái, vị thần núi oai hùng. Để rồi cái “chất” người Ê Đê cứ ngấm dần vào người phụ nữ Nùng này tự bao giờ.

Yến trải lòng: Từ thời còn là sinh viên ngành Quản trị Du lịch, cô đã ấp ủ ước mơ sau này sẽ mở một “bảo tàng” văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Sống nơi quê chồng, cô được tận mắt chứng kiến nét hấp dẫn trong đời sống văn hóa, sinh hoạt  nơi đây. Nhưng đồng thời cấu trúc buôn làng cũng đang dần thay đổi, bà con dần bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, trang phục truyền thống trở nên hiếm hoi, những hiện vật có giá trị thiêng liêng như chiêng, ché… bị đem đi bán hay trao đổi. Chính vì vậy, cô không chỉ muốn giữ lại cái nhà sàn, dàn chiêng mà nghĩ mình phải có trách nhiệm bảo tồn cả không gian văn hóa đặc sắc ấy, giữ lại thói quen sinh hoạt của người Ê Đê tồn tại từ bao đời nay…

Đến bảo tồn

Từ niềm trăn trở ấy, khi con mới được 3 tháng tuổi, Yến đã gùi con trên lưng đi mua gỗ về làm nhà sàn. Đi đến đâu cô cũng đều để ý những trái bầu khô người dân không còn sử dụng để nhặt về. Gom góp được bao nhiêu tiền, cô đều dành dụm rồi đến tận các buôn làng để tìm mua các hiện vật là những vật dụng hàng ngày của người Ê Đê. Thấy thế, nhiều người cười nhạo bảo Yến làm việc không đâu. Cô mặc kệ.

Chỉ vào bộ chiêng được xếp ngay ngắn bên hông cửa sổ ngôi nhà dài, Yến chia sẻ: “Có lẽ tôi là người có duyên với văn hóa Ê Đê khi mua được 1 bộ chiêng Ê Đê có 8 chiếc và 1 bộ chiêng Jrai có 24 chiếc. Chính người chủ bộ chiêng họ tìm đến tôi, tôi đổi bằng 2 con bò. Ngày xưa, các nhạc khí trên được tính bằng trâu, bò…, càng lâu đời càng có giá trị. Bây giờ dù có đàn trâu, đàn bò trăm con cũng khó tìm mua được”. Thoáng chút buồn trên khuôn mặt, Yến tiếp: “Để bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống cần sự giúp đỡ của nhiều nghệ nhân Ê Đê. Tuy nhiên, phần lớn họ đã tuổi cao sức yếu. Lớp trẻ lại ít ai quan tâm đến việc lưu giữ văn hóa truyền thống… Trước đây, cồng chiêng trong các buôn làng nhiều lắm, nhưng cuộc sống khó khăn, nhiều người không hiểu hết giá trị của nó nên đem bán đi, chỉ một số buôn còn giữ nhưng không đủ bộ và ít khi đem ra đánh. Một bộ phận lớp trẻ trong buôn đã không còn mặn mà với cồng chiêng nữa”.

Trong căn nhà dài, mọi vật dụng được Yến sắp xếp tỉ mỉ, cẩn thận. Dọc vách nhà, Yến trồng những chậu lan rừng. Dù công việc khá bận rộn nhưng cô luôn sẵn sàng bỏ hàng giờ để giới thiệu cho du khách có nhu cầu tìm hiểu về những giá trị, xuất xứ của từng hiện vật. “Tôi tạo dựng không gian lưu giữ hiện vật văn hóa truyền thống dân tộc Ê Đê bằng cả cái tâm và niềm đam mê của mình. Do đó, tôi mở mô hình dịch vụ homestay, hy vọng đây sẽ là nơi để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, đến trải nghiệm và hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc”. Những ché rượu cần ở đây cũng do chính tay cô ủ với rất nhiều tâm huyết. Dự định sắp tới của Yến là sẽ thành lập đội đánh cồng chiêng, đội múa dân gian để phục vụ du khách. “Tôi muốn tạo việc làm cho các thanh niên trong buôn cũng như để họ tự bảo tồn, gìn giữ nét đẹp của dân tộc mình. Có như vậy, văn hóa người Ê Đê mới thực sự sống mãi”-cô trải lòng.

Ông A Mmang-Phó Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Cư M’Gar, chia sẻ: “Những năm gần đây, khi “nạn chảy máu cồng chiêng” diễn ra, các hiện vật truyền thống của người Ê Đê theo chân các tay chơi đồ cổ về miền xuôi. Nguyễn Hải Yến yêu văn hóa Ê Đê là một niềm vui cho người Ê Đê, tuổi còn trẻ nhưng Yến đã biết sưu tầm, lưu giữ những hiện vật của nền văn hóa Ê Đê. Mặc dù là dân tộc Nùng nhưng Yến lại có sự am tường về dân tộc Ê Đê, đó là điều đáng quý của buôn làng. Nhờ có cô mà bọn trẻ trong buôn có ý thức hơn trong việc lưu giữ những hiện vật truyền thống của dân tộc mình”.

Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm