Hương bùn đất ở xứ du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi cần “chơi” với Đà Lạt, tôi hay về với những chỗ có cây sú cây lơ, khoai tây cà rốt, hoa cúc hoa cẩm chướng… Ở đó tôi gặp nhiều người Đà Lạt nhất, Đà Lạt thật. Vì tôi biết son phấn kia không phải là phần “đại diện” cho Đà Lạt của mình…

Đà Lạt là xứ có thương hiệu vì được người Pháp kiến tạo. Cái thương hiệu ấy định hình dĩ nhiên còn bởi vì buổi thuộc địa mù xa ấy nơi đây từng được chọn để dự tính đặt làm “Thủ phủ Đông Dương”, nhưng mà trên hết là ở chỗ nó may mắn được trời cho cái khí hậu mát lành quanh năm, vạn vật thơ mộng. Mát lạnh và đẹp thì hợp với du lịch, mà làm du lịch thì dễ được biết đến, dễ nổi tiếng.

Nhưng thật ra du khách cố tình không biết đó thôi, chứ quá 2/3 cuộc đời thật ở Đà Lạt là cuộc đời nông nghiệp, với người dân chân lấm tay đất, chả ăn nhập gì với du lịch. Ấy là phần cuộc sống mà mỗi sớm mai những người nông dân mang ủng cao su lên vườn đồi trồng bông, lơ-ghim. Cái phần bên lề tần tảo, môi trường mưu sinh của nông phu Việt ly hương, đầy bùn đỏ; phần đất đai mà cư dân còn có tâm trạng chờ mưa đợi nắng, sống bằng giọt mồ hôi thật sự; những tổ người không biết hóng du khách, chờ hội hè lễ lạt, mài dao, thu tiền phòng, tiền vé, tiền xả-xú-páp. Nơi đó giữ lại hồn hương xứ sở, cái “gen” đồi núi, chất “người Đà Lạt” không phai phôi (không phải ai bây giờ sinh sống ở Đà Lạt cũng có chất “Đà Lạt”!), nhịp sống an nhiên, thong dong, chậm trôi, tự tại.

 

Những nhà vườn trên cao nguyên Langbiang.                                                                                                                   Ảnh: K.N.B
Những nhà vườn trên cao nguyên Langbiang. Ảnh: K.N.B

Miền quê với 2 mùa nắng mưa cày cuốc, nhưng con người lại phong lưu vô cùng: đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét. Những cái tên ấp canh nông hiền khô, này Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Mát, Đa Quý, Đa Thọ, Phước Thành, Đa Thành, Sầm Sơn, Vạn Thành, Đa Thiện, Đông Tĩnh, Thánh Mẫu, Cầu Đất, Trại Hầm, Sở Lăng... Ô hay, lúc nào cũng mát dịu hoa trái, nồng nàn thảo mộc. Mỗi một mảnh vườn rau, nông dân trồng một loại rau khác nhau, cho một nhan sắc riêng, gợi cảm, man mác tình thôn trang xứ lạnh, đãi cả cho thị giác, chứ không phải khiến nghĩ ngay cho cái dạ dày.
*
Nơi đó, nhà cửa giản đơn treo đây đó như rải những nốt nhạc bên sườn núi, dưới thung lũng, len theo đỉnh đồi. Những con đường vào thôn ấp nhỏ bé nhưng độ lòng vòng thì chả biết kéo đến đâu trên những dải núi đồi khuất lấp, lớp này chồng lên lớp kia. Nơi đó, những vườn rau bậc thang như cây đàn Accordéon khổng lồ của người nghệ sĩ thiên nhiên say nhạc kéo ra khắp nơi, chơi như một gã điên, không ngừng nghỉ, lang thang mãi, quên đường về. Nhà này, nhà kia có thể sang xin nhau đôi trái sú về luộc, nhúm đậu Hòa Lan về xào, bông Atisô về hầm, bó hoa salem về cúng, một cành hồng về chưng... Giỗ quảy, cưới hỏi, lễ lạt, người ta còn có thể làm được cái điều rất “nhỏ”, mộc mạc cổ xưa là mang qua nhà kế bên một đĩa xôi, hay vài ba trái chuối laba, trái hồng đầu mùa... Cái chất lưu dân cần mẫn, chịu khổ chịu khó, ngang tàng, bất cần đời, trọng nghĩa, khinh tiền, chân thành, rộng lượng, và không hãi sợ trước quyền lực vẫn còn bàng bạc lưu cữu. Mọi sự hẹp hòi đều không phù hợp với Đà Lạt, những mưu tính, tinh khôn đều không sống lâu dài, không “chơi” được với một Đà Lạt trong sáng thế này. Cư dân là góp, đến đã lâu, nhưng nay mỗi ấp đi qua, chỗ này  tôi vẫn còn nghe được dư âm của giọng Bắc, giọng Nghệ, chỗ kia là giọng Quảng, chỗ nọ là giọng Huế và xa thêm một tí nữa là tiếng và giọng người Cill, Lạch-bộ phận cư dân hiểu Đà Lạt nhất, cao thượng, chịu cô đơn và nghèo khó giỏi hơn cả lưu dân Việt, là chủ nhân sâu nặng của xứ sở này mà. Già 3/4 diện tích Đà Lạt là thuộc về phần canh nông hồn hậu đó. Đà Lạt thật là “Đà Lạt” ở chỗ đây, chứ cũng không phải sự chảnh chọe ở khu Hòa Bình, bùng binh 3-2, chợ Cẩm Đô, ngã tư Phan Chu Trinh, ngã năm Đại Học, hay Thung Lũng Tình Yêu, thác Cam Ly, hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại, Đồi Mộng Mơ, Đà Lạt Sử Quán, hoặc cả ngàn khách sạn hơ hớ chồm ra...
*
Nơi miền ngoại ô vô nhiễm với du lịch và chứng khoán địa ốc ấy, những tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ  khi vang lên làm cho núi đồi mênh mông, thênh thang hơn, như  bò lên từng mảnh vườn lơ-ghim, len vào màu xanh hoa trái, sang trọng và huyền nhiệm. Ai bảo đó không phải một thứ “đặc sản” nữa của Đà Lạt, cùng thông xanh, lơ-ghim, sương khói, sự thanh vắng, nỗi buồn, cái lạnh. Cứ lắng lòng, ta sẽ nhận ra tiếng chuông nhà thờ ở Đà Lạt thênh thang phúc âm, tiếng chuông chùa bàng bạc bát nhã, mang vóc dáng khác với tiếng chuông của quê xứ khác. Tôi nghĩ một người có ý định quyên sinh, sẽ rất khó thực hiện khi vấp phải thứ thanh âm ấy vào buổi chiều tàn.

Cái phần rìa đấy là phần âm đô thị, phần con gái, so với cái phần con trai-phần dương phố xôn xao, bướng bỉnh, nhiều màu, lắm lời ngoài kia. Nó nhắc nhớ  cái gốc gác sơn nguyên và giữ cho thành phố này khỏi cục cằn thô lỗ, lạc lối, mất mình.            
*
Những lũng đồi thuần hậu canh nông đó, khi xuất hiện sương thì đúng như những bữa tiệc trời bày. Sương giăng bồng bềnh, nổi trôi, đôi khi có cảm giác về sự gập ghềnh của nhung lụa, tựa kẻ rỗi công kéo những dải lụa trời đi chơi và quên mất mùa màng.

Ở những cánh rừng thông Đà Lạt sương đẹp kiểu khác, bị giới hạn; nhưng ở những vùng nhà vườn, sương phủ thật phóng khoáng, nhiệt tình. Khi ngắm nhìn sương nơi rừng thông, ta sợ lạc trong cái phần ngút sâu của cây rừng không thể nhìn thấy. Còn nhìn sương trên vùng nhà vườn ta lại sợ bị trôi đi, lút vào trong sự vô tận của mong manh. “Tác phẩm” sương đó xuất hiện cũng không có quy luật về tạo tác hình hài; mỗi ngày, mỗi mùa, mỗi sớm, mỗi chiều, mỗi ngọn đồi, mỗi thung lũng, mỗi vách núi, mỗi khu nhà vườn, mỗi cánh rừng... từng lúc đều khác nhau.

Vẻ đẹp chết người của sương chưa giết ai, nhưng nó làm người ta nhớ nó, mà lại là thứ sương ngoại ô này. Nó vừa man dại vừa liêu trai, thỏa chí phiêu bồng hoang lạc, sầu mộng và thăng thiên, nhưng trong lành, và điểm trang cho sự cần lao, vườn tược, cỏ cây, núi đồi. Sương cũng là “sản phẩm” du lịch Đà Lạt kia mà.
*
Tôi nhớ lắm những thằng bạn buổi cùng bần hàn, sống toàn mơ tưởng ở xứ mơ mộng này, nhiều lần 2, 3 giờ sáng đạp cửa rủ nhau đi lang thang xem… sương, cho sương đọa mình-sương ngoại ô. Tôi cũng thề đừng hòng tôi quên những lần uống rượu giữa sương đêm với những người bạn kẻ sĩ giang hồ đúng nghĩa và tiêu dao khinh bạc cả mỹ nhân: “Tay vung kiếm chém phân vùng sinh tử/Thì sá chi một chút má em hồng”. Mà những ai yêu quý, tha thiết, nể trọng, tôi mới “mang” ra giới thiệu họ với sương Đà Lạt, đãi rượu phong sương giữa trời ngoại ô tần tảo này. Đó là thứ rượu pha sương-một thứ là sáng tạo của con người, còn thứ kia là sáng tạo của Thượng đế, đều kiều diễm, ngạo nghễ. Khi uống rượu trong sương, ta thấy cô gái nào cũng thành thiên thần thánh nữ cả.

Nhắc đến sương Đà Lạt, có ai thèm không nhỉ.

Đôi người bạn của tôi đã nghêu ngao bỏ đời viên chức về làm vườn, về với phần bên lề đô thị này từ lâu, và họ nói: trồng hoa, trồng lơ-ghim cũng là… sáng tác nghệ thuật. Rằng mỗi lứa hoa rõ là một tác phẩm, liên tục, cuốn chiếu, với đầy đủ cảm xúc hồi hộp, mừng, lo, suy tư, vui, sầu. Bạn tôi nói sương quen thuộc, nhưng có những sớm mai đi làm vườn, chính họ cũng giật mình khi nhìn thấy hình hài, một trạng thái mới của sương.

Tôi chưa làm được như bạn mình, nhưng lại hay “hành hương về với sương”, với miền ngoại ô dễ hiểu của Phố núi, để mơ tưởng, để thả trôi mình, để thấy cuộc đời thật dễ thương và trời đất mênh mang ngay dưới chân, trước mắt môi mình.

Thung sau, vườn hoa, vườn rau, cái phần thừa, phần ngoại cuộc của du lịch Đà Lạt nó cứ lạ hoài thế không biết.

Tôi ưa chụp hình cái phần cuộc sống bên lề, lẻ loi, đơn giản bởi sự vui sầu đều thật.

Tùy bút  Nguyễn Hàng Tình

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.