Bình yên Ia Rsai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi giữa màu xanh mê mải của núi rừng, mắt chạm phải những nóc nhà sàn bình yên tựa lưng vào dãy núi trùng điệp ở vùng đất anh hùng Ia Rsai (huyện Krông Pa), trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác như cách đây 10 năm khi lần đầu đến vùng đất này: Ia Rsai quá đỗi bình yên và người dân luôn thường trực nụ cười.

Anh Rơ Lan Thức-Bí thư Đoàn xã khi chở tôi trên con đường liên xã vào các buôn, chỉ về dãy núi điệp trùng xanh đằng sau những nóc nhà yên bình nói: “Nơi đó vẫn còn dày đặc dấu tích của căn cứ thời kháng chiến. Mình đã theo những thanh niên Jrai lớn lên ở vùng này lên núi vài lần. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng qua 2 cuộc kháng chiến, ông bà mình vẫn kiên cường bám trụ để đánh giặc”.

 

Vùng đất anh hùng Ia Rsai bình yên giữa màu xanh mê mải của núi rừng.                                                               Ảnh: H.N
Vùng đất anh hùng Ia Rsai bình yên giữa màu xanh mê mải của núi rừng. Ảnh: H.N

Những nụ cười

Bà Hiao Blý là nữ cán bộ lão thành cách mạng hiếm hoi còn lại của xã Ia Rsai. Năm nay, bà đã bước qua tuổi 80. Bà ngồi bên bếp lửa, miệng phập phà điếu thuốc rê, trên cổ tay đeo chiếc đồng hồ dây da đã cũ nhưng còn chạy tốt. Thỉnh thoảng bà đưa tay vuốt mái tóc bạc như cước, nghiêng đầu phà một hơi thuốc để khỏi ảnh hưởng người đối diện. Ở bà vẫn còn đọng lại phong thái của người từng ra khỏi lũy tre làng làng để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng giao phó, lại vừa mang hình ảnh đặc trưng của một người mẹ Jrai. Bà từng tham gia trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thời đánh Pháp thì đào hầm, cắm chông, gùi gạo lên núi nuôi quân. Đến thời chống Mỹ, do thông thuộc đường sá nên bà được giao nhiệm vụ liên lạc, dẫn đường cho bộ đội. “Suốt cả tuổi trẻ mình chủ yếu sống trong rừng, thỉnh thoảng mới ghé qua làng. Về làng cũng không gặp ai vì trai gái chưa đến tuổi đã tham gia cách mạng, người già và trẻ em thì rút vào núi để tránh càn quét”-bà nói.

Sau ngày giải phóng (1975), bà Blý được phân công làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Bà nói đã bỏ quên tuổi trẻ đâu đó trong những cánh rừng, quên đi tình yêu, quên đi những tình cảm sôi nổi và chỉ nghĩ đến nhiệm vụ cách mạng. Đến khi đất nước hòa bình thì bà đã “quá lứa lỡ thì”. Vậy mà, bà nói về những thiệt thòi riêng tư ấy nhẹ như không và luôn luôn nở nụ cười tươi rói: “Sau ngày giải phóng, mình đã ngấp nghé 40, tuổi ấy phụ nữ Jrai đã lên chức bà rồi. Cũng có người thương rồi lấy làm chồng nhưng cố gắng mãi không có con. Thế rồi ông ấy cũng bỏ đi trước để mình ở lại”. Nụ cười lấp lánh của bà khi kể chuyện đời riêng lại khiến tôi và Rơ Lan Thức-Bí thư Đoàn xã im lặng. Sự hy sinh thầm lặng của những người như bà Blý đã trở thành niềm tự hào cho các thế hệ trẻ sau này.

Ông Kpă Cheng-người từng tham gia cả 2 cuộc kháng chiến khi ngồi trong căn nhà sàn có hướng nhìn thẳng về phía ngọn núi Đen-ngọn núi cao nhất vùng và là căn cứ chiến lược thời kháng chiến, góp thêm nhiều câu chuyện về một thời oanh liệt. Ông cho biết: “Đây là vùng căn cứ kháng chiến nên quân địch đánh phá rất ác liệt. Trong một lần Mỹ rải bom, mình bị thương nặng tưởng nát cả chân, thương tật vĩnh viễn 71%”. Vợ ông Cheng là em ruột của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Rơ Ô Cheo-nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Thiếu tướng Rơ Ô Cheo hiện đang sống tại buôn Tu (xã Chư Rcăm) nhưng trong những câu chuyện về vùng “đất lửa” Ia Rsai, ông vẫn được nhắc đến như một tấm gương tiêu biểu về tinh thần yêu nước, yêu làng.

Nỗ lực thoát nghèo

Bà Blý hiện sống trong căn nhà sàn với vợ chồng người cháu họ ở buôn Ekia. Lúc chúng tôi ra về, bà chỉ đàn bò vài chục con ở khu chuồng trại cách đó không xa, bảo rằng cuộc sống của người dân bây giờ đỡ khổ nhiều rồi. Không chỉ cháu bà mà nhiều hộ dân ở đây có cuộc sống ổn định nhờ chăn nuôi bò.

Rơ Lan Thức xác nhận lời bà Blý bằng câu chuyện của chính gia đình mình. 6 anh em trong gia đình anh đều được cha mẹ cho đi học đầy đủ nhờ vào đàn bò. “Trước đây, đàn bò nhà mình có khoảng 25-30 con.  Mỗi năm cha mẹ bán đi vài con để lo cho 6 anh em lần lượt học đại học, cao đẳng nên đến nay chỉ còn 12 con. Ra trường, có người làm Công an, người làm điều dưỡng, người hoạt động trong ngành luật”-Thức tự hào khi nói về gia đình. Theo Bí thư Đoàn xã, tuy Ia Rsai vẫn còn nghèo nhưng ý thức của người dân đã được nâng cao một bước: xóa bỏ nhiều hủ tục, đến cơ sở y tế để khám-chữa bệnh, cho con đến trường đi học đầy đủ, không trông chờ, ỷ lại...

Ông Hiao Buk-Chủ tịch UBND xã Ia Rsai, cho biết: “Ia Rsai là xã đặc biệt khó khăn. Do vị trí địa lý và đất đai thoái hóa, bạc màu nên sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để từng bước phát triển kinh tế, đưa xã phát triển ngang với những xã khác”. Ông Buk cho biết thêm, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống đấu tranh cách mạng cũng là cách để khơi dậy ngọn lửa nhiệt tình của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương. Đây chính là thế hệ dồi dào sức khỏe và nhiệt huyết, có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo để đóng góp cho xã trong hành trình thoát nghèo.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm