Trường Cao đẳng Nghề:Chú trọng đào tạo nghề cho học viên dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giải quyết phần nào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” trên thị trường lao động hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai đang có nhiều giải pháp từ truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp đến việc tìm đầu ra cho học viên, đặc biệt là học viên dân tộc thiểu số.

Trao đổi về những giải pháp được cho là mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp thời gian gần đây, ông Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, cho biết: “Xác định đối tượng học viên chủ yếu là con em đồng bào  dân tộc thiểu số và người dân ở vùng nông thôn nên ngay từ đầu mỗi năm học, chúng tôi đã phối hợp với Đài Truyền thanh-Truyền hình các huyện tuyên truyền thường xuyên tới bà con về lợi ích của việc học nghề trên loa phát thanh của xã, thị trấn. Ngoài ra, nhà trường còn lập ban tuyển sinh về các trường THCS và THPT làm công tác hướng nghiệp, giúp các em có sự lựa chọn phù hợp với khả năng của mình. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có rất nhiều chương trình đào tạo liên thông lên cao đẳng, đại học với những trường có uy tín như: Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn... giúp học viên có nhiều sự lựa chọn để nâng cao trình độ”.

 

Sinh viên sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển  dụng trực tiếp. Ảnh: Đinh Yến
Sinh viên sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp. Ảnh: Đinh Yến

Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai sẽ đẩy mạnh công tác tuyển sinh bằng nhiều giải pháp cụ thể. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục-Đào tạo, các Phòng Giáo dục-Đào tạo, các trường THCS, THPT và đặc biệt là các trường Dân tộc Nội trú để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả cao nhất, mang lại lợi ích cho học viên. Thực tế cho thấy, rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số sau khi hoàn thành chương trình THCS không có đủ điều kiện học tại các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú bậc THPT nên đã trở về làng làm nông, lấy chồng, lấy vợ sớm. Như vậy, chúng ta đang bỏ phí một lực lượng lớn lao động có trình độ nhất định. Ngoài ra, nhà trường sẽ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để mỗi học viên trở thành những tuyên truyền viên hỗ trợ nhà trường trong công tác tuyển sinh”-ông Phạm Văn Điều cho biết thêm.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai có nhiều ngành nghề đào tạo phù hợp với học viên vùng nông thôn và học viên dân tộc thiểu số. Điển hình là ngành may thời trang dành cho nữ và kỹ thuật sửa xe máy-máy nông nghiệp cho nam với thời gian đào tạo 13-18 tháng.  Đây là những ngành nghề phù hợp với học viên dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, theo khảo sát của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, số cửa hiệu may và sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ rất ít trong khi nhu cầu may vá, sửa chữa ở làng ngày càng cao.

 

Năm 2017, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai có 17 ngành nghề được đào tạo từ 13 đến 30 tháng gồm: cắt gọt kim loại, xây dựng, điện nước, may thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn, công tác xã hội, hàn, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, công nghệ sinh học, sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp, kế toán, công nghệ thông tin, văn thư, sửa chữa lắp ráp máy tính.

Học viên dân tộc thiểu số khi đi học nghề còn được hưởng các chế độ ưu tiên đặc biệt. Cụ thể, học viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hưởng trợ cấp hơn 2 triệu đồng/tháng, miễn học phí, miễn chỗ ở ký túc xá. Những học viên là học sinh dân tộc thiểu số đến từ các trường nội trú trong tỉnh sẽ được hưởng trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng... Đây là những chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước nhằm nỗ lực tạo việc làm cho bà con dân tộc thiểu số để ổn định cuộc sống.

Là một trong những người làm công tác giáo dục rất ủng hộ các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho học sinh sau bậc THCS và THPT, ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, nói: “Những ngành nghề này sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo việc làm cho một bộ phận lớn học sinh không có đủ điều kiện học ở bậc cao hơn, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số.  Học nghề được coi là bước tiếp nối quan trọng giúp các em không bỏ phí những năm học trước đó”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm