Tiến sĩ đầu tiên của người K'Ho

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt qua cách nghĩ tồn tại bấy lâu ở buôn làng “chỉ cần học để biết đọc, biết viết”, anh Cil Duin (năm nay 41 tuổi, ngụ tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã nỗ lực phấn đấu để trở thành tiến sĩ đầu tiên của dân tộc K’Ho tại Lâm Đồng.

Xuống núi theo đuổi con chữ

Sinh ra, lớn lên dưới chân núi Langbiang, thuở nhỏ anh Cil Duin giống bao đứa trẻ cùng trang lứa, ngày ngày theo bố mẹ đi chăn trâu, lên rẫy, tối về quây quần bên bếp lửa.

 

Tiến sĩ Cil Duin (trái) trò chuyện với phóng viên.
Tiến sĩ Cil Duin (trái) trò chuyện với phóng viên.

Theo những người lớn tuổi ở buôn Đơn (nay là tổ dân phố Bơn Đơn 1, thị trấn Lạc Dương) kể lại, những năm cuối thập niên 1970, nơi đây chỉ có một vài ngôi nhà gỗ đơn sơ, cư dân sinh sống toàn bộ là người Lạch (một nhánh của dân tộc K’Ho), việc học của con em thời đó rất gian nan, nhiều em đi học được vài hôm thì chán, rồi cũng bỏ học.

Đối với những học sinh là người dân tộc thiểu số, tiếp cận môi trường giáo dục hoàn toàn mới nên phải cố gắng gấp đôi so với bạn bè cùng trang lứa. Học cách nghe, nói giao tiếp ngôn ngữ phổ thông mất rất nhiều thời gian.

Anh Cil Duin chia sẻ: “Lúc nhỏ, tôi cũng theo chân mấy anh chị lớn hơn đến lớp, nhưng phải tới 11 tuổi, tôi mới bắt đầu vào học lớp 1, lên lớp 4 tôi mới có thể viết được những đoạn văn ngắn”.

Do cái nghèo hiện hữu trong nhiều gia đình ở vùng đất Langbiang, nhiều con em người dân tộc thiểu số phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Lên cấp 2, chỉ còn 7-8 học sinh, tới cấp 3 thì chỉ còn 5, trong đó có Cil Duin. Mặc dù điều kiện gia đình khó khăn, cha mẹ có tới 9 người con, nhưng Cil Duin chưa từng có ý định sẽ nghỉ học giữa chừng. Sau khi tốt nghiệp ngành Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Huế, anh trở về địa phương, giảng dạy tại Trường THPT Langbiang. Không chỉ truyền dạy kiến thức, mà anh còn định hướng cho học trò vai trò quan trọng của việc học.

Năm 2005, anh Duin quyết định thi cao học và đậu ngành Lịch sử Việt Nam, Trường ĐH Đà Lạt. Người cha già thấy anh học tiếp, hỏi: “Học cao học là học tới đâu vậy con? Học tới thạc sĩ đã hết chưa? Buôn làng này đã có ai học lâu như thế đâu!”.

Mặc dù hiểu rất mơ hồ về các cấp học, nhưng cha anh vẫn khuyến khích con học tới khi nào “hết chữ” thì nghỉ. Nghe lời cha, học cho “hết chữ”, anh tiếp tục đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh tiến sĩ... Hơn 1 năm sau đó, chàng trai của núi rừng Langbiang đã hoàn thành chương trình với học vị Tiến sĩ ngành Quản lý học tại Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc).

Niềm tự hào của buôn làng

Ngày nay, ở Bơn Đơn 1, nhà xây khang trang mọc lên san sát, những đứa trẻ là con em người K’Ho có nhiều điều kiện đi học, được tiếp xúc với giáo dục phổ thông ngay từ sớm. Tuy vậy, câu chuyện về sự ham học của Tiến sĩ Duin (cách gọi quen thuộc của bà con ở đây) luôn được mọi người nhắc tới khi giáo dục con cái.

Già làng K’ra Jăn Tên, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, rất tự hào mỗi khi được hỏi về người con của núi rừng Langbiang: “Ngày xưa nhà nó nghèo, lại đông anh em, điều kiện lúc đó để học được con chữ thôi đã là khó khăn lắm rồi, nhưng nó còn làm được điều mà cả vùng, cả huyện này chưa ai làm được, đó là mang về tấm bằng tiến sĩ. Trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi vẫn nhắc nhở con em đang đi học phải có nghị lực vươn lên noi gương theo Tiến sĩ Duin. Phụ huynh phải chăm lo, quan tâm việc học cho bọn trẻ, chỉ có thế sau này mới đỡ khổ được, mới tiếp cận được cái văn minh tiên tiến trên thế giới”.

Cô Nguyễn Thị Hiền là giáo viên phổ thông của anh Cil Duin, hiện là Trưởng phòng Giáo dục huyện Lạc Dương, vẫn luôn dõi theo từng bước phát triển của học trò. Cô Nguyễn Thị Hiền cho biết, thời điểm Cil Duin được cộng đồng vinh danh khi nhận bằng tiến sĩ, tại huyện Lạc Dương chưa có ai học, nghiên cứu tới trình độ cao như vậy, cộng đồng dân tộc bản địa tại Lâm Đồng cũng chưa có ai.

“Khi học lên cao, Cil Duin đã có tầm nhìn bước ra khỏi tư duy buôn làng, không phải chỉ học để biết chữ, mà học vì tương lai của chính bản thân mình, vì thay đổi nhận thức của cả cộng đồng”, cô Hiền chia sẻ. Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, anh Duin đã được tín nhiệm giao nhiệm vụ trong ngành quản lý giáo dục, góp phần thúc đẩy việc học ngay trên quê hương mình.

Đoàn Kiên/sggp

Có thể bạn quan tâm