Tây Nguyên mùa thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày mới vào Tây  Nguyên công tác, tôi đã ngỡ ngàng với kiểu khí hậu hai mùa mưa nắng thay vì bốn mùa như ngoài Bắc. Nhưng càng ở lâu, và nhất là khi đã đủ tĩnh lặng để ngồi dõi theo những chiếc lá chuyển màu, những vạt sương chậm chạp tan trong nắng sớm, tôi càng chắc chắn rằng, ở Tây Nguyên cũng có đủ bốn mùa!

Và bây giờ, Tây nguyên đang chầm chậm sang thu.

Mùa thu đến bên hồ T’Nưng xanh biếc. Những cơn mưa ồ ạt theo đợt áp thấp vừa kéo nhau qua khỏi ngọn Chư Prông, buổi sáng, sương trắng đã ngập những nẻo đường quanh hồ. Đứng trên đỉnh Hàm Rồng nhìn xuống, sương trắng đậu la đà trên đám lá dã quỳ xanh đậm. Người chiến sĩ nói giọng trọ trẹ đồng hương xứ Nghệ ở Trạm quan sát bầu trời của Lữ đoàn 234 nhường chỗ cho tôi ghé mắt vào ống quan sát ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển để nhìn xuống Phố núi Pleiku trong một buổi sớm đầy sương. Trên những con dốc nối đuôi nhau, bất chợt tôi dừng lại ở một nhóm học sinh áo trắng thướt tha trên đoạn đường trước cổng Trường THPT Chuyên Hùng Vương. Chỉ vài tuần nữa thôi, áo trắng lại tíu tít trong làn sương dịu ngọt  giăng ngang trước sân trường.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mùa thu về với phố huyện Buôn Hồ nhiều lần lỡ hẹn. Buôn Hồ bây giờ đã lên thị xã, thành ra, người xe cũng đông hơn. Làn gió se se lạnh thổi từ hướng Krông Năng lên, mang theo hương ổi của những nhà vườn xứ Phú Xuân, Phú Lộc di cư nhưng vẫn còn điệu đàng giọng Huế. “Bây chừ ở Huế mùa thu/Cũng đành lá rụng sương mù chưa em?”, là câu thơ của một nhà thơ xứ Huế đang ẩn cư với mùa thu trong con ngõ nhỏ Buôn Hồ. Dòng sông Krông Búk, chiết tự theo thổ âm của người Ê Đê bản xứ là dòng sông tóc, trong một buổi trưa đầy nắng, chợt hết ầm ào, hết ghềnh thác, nằm thản nhiên soi bóng mây qua.  

Mùa thu cũng đã ghé về bên phía Đak Nông, khi mây trắng đã kéo nhau nằm chật dưới lòng hồ Tà Đùng ngân ngấn mé nước sau mùa bão lũ. Trên những quả đồi dọc đường ra biên giới Tuy Đức, Đak R’Lấp, bầy bò thong thả gặm cỏ trong làn mưa bụi. Thỉnh thoảng, một nụ hoa mua tím ngắt hé mắt nhìn ra, vẫy chào lữ khách. Những Drây Sáp, Drây Nur sau một mùa dài mưa gió cũng đã thôi vũ điệu hoang sơ. Dưới chân thác Drây Sáp, vài cánh bướm vàng ngẩn ngơ bay lượn, ướm chừng đang đợi trời quang thêm chút nữa rồi mới hành hương qua những vườn cà phê chín mọng.

Thu sang, trên những con đường Buôn Ma Thuột, nắng đã vàng hơn, rạo rực hơn, trút bỏ gương mặt ướt sũng nước mưa của ngày hôm qua vào quá khứ. Bầy voi đủng đỉnh chở du khách bơi qua hồ Lak thoáng rùng mình khi thấy bầu trời xanh biếc dưới đáy hồ trong veo. Mấy chú nài trẻ tuổi hào hứng quát tháo khi thấy “ông tượng” tỏ ra phân vân trên đường bơi quen thuộc, bằng giọng người M’Nông trầm ấm, mang đặc trưng riêng của đại ngàn.

Từ hồ Lak, vượt qua bốn năm con đèo dựng ngược, là xứ sở ngàn hoa huyền thoại. Đà Lạt vẫn trầm mặc trong mưa. Hình như, mùa thu đến với Tây Nguyên từ phía Bắc, nên còn vướng đâu đó dọc đèo Chuối hay đèo Prenn chót vót, chưa kịp ghé về với mặt nước hồ Xuân Hương ủ dột. Trên độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, mùa thu len lén đi theo những cánh thiên nga trên nóc trời Bảo Lộc. Ngó trong bụi cây ven đường, đám cỏ gà đã lặng lẽ ra hoa. Vài tuần nữa, khi ánh nắng đủ sức xuyên thủng vạt mây mờ đang che trên đầu Phố núi, từ trên đồi nhìn xuống, qua ánh nắng thu rực rỡ, sẽ thấy rõ những hàng thông đứng hát như mơ giữa du khách dập dìu.

Mùa thu đã ghé thăm cao nguyên, bằng bước chân vô hình, bằng gương mặt đầy biểu cảm của gió, của sương, và cây cối. Nửa đêm thức dậy, bước ra khỏi nhà, nhìn lên trời cao, thấy mây sà xuống quanh mình, tôi thò bàn tay ra, vốc lấy một vốc hương thu lạnh buốt, xát đều lên mặt, rồi ngồi nghe đất đỏ bazan tấu lên bản tình ca quen thuộc và nghe mùa thu chậm rãi thấm vào hồn, dịu ngọt, như say.

Y Thiện

Có thể bạn quan tâm