Kông Chro sẵn sàng cho ngày tựu trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay từ đầu tháng 8, cùng với cả tỉnh, ngành giáo dục huyện Kông Chro đã bắt tay triển khai các điều kiện cần thiết để chuẩn bị bước vào năm học mới. Đến nay, mọi nhiệm vụ cơ bản gần như hoàn tất, sẵn sàng cho ngày tựu trường và khai giảng sắp đến

Đầu tư cơ sở vật chất

Ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro cho biết, trên địa bàn huyện có tổng số 37 trường học với 14 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 8 trường THCS, 7 trường Tiểu học và THCS.

Năm học 2017-2018, huyện Kông Chro có thêm 2 cơ sở trường học được xây mới là Trường Mầm non Sao Mai (thị trấn Kông Chro) và Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung). Trong đó, Trường Mầm non Sao Mai do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam-chi nhánh Gia Lai tài trợ với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, bao gồm: 5 phòng học, nhà hiệu bộ, nhà bảo vệ, nhà xe, sân bê tông, cổng và hàng rào kín… Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn được xây dựng từ nguồn ngân sách tỉnh và hoàn thành trong 2 năm (2016-2017), gồm: 8 phòng học, nhà bộ môn, nhà hiệu bộ, thư viện, nhà xe cho học sinh và giáo viên, nhà vệ sinh, sân bê tông, hàng rào thoáng và hàng rào kẽm gai; tổng kinh phí đầu tư là 14,992 tỷ đồng.

Trường Mầm non Sao Mai đang được hoàn thiện các hạng mục để kịp phục vụ cho năm học mới. Ảnh: Hồng Thi
Trường Mầm non Sao Mai đang được hoàn thiện các hạng mục để kịp phục vụ cho năm học mới. Ảnh: Hồng Thi

Ngoài ra, theo số liệu từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, năm học này, từ nguồn ngân sách địa phương và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Kông Chro đã dành ra gần 14,6 tỷ đồng để xây mới 10 phòng học, 1 nhà học bộ môn, 3 nhà hiệu bộ, đài nước, giếng đào, sân bê tông, nhà vệ sinh, tường rào… ở khu vực trường trung tâm cũng như sửa chữa 11 phòng học xuống cấp, hư hỏng ở các điểm làng.

“Bên cạnh những công trình trên, chính quyền 14 xã, thị trấn còn phối hợp với các trường chủ động sửa chữa một số hư hỏng nhỏ. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song ngành giáo dục huyện vẫn cố gắng đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho việc dạy và học trong năm học mới”-ông Thanh nói.

Chuẩn bị nguồn nhân lực dạy và học

Đến thời điểm này, việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho các trường đã cơ bản ổn định, đảm bảo cho công tác giảng dạy. Toàn huyện hiện có 819 cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên (trong đó có 87 cán bộ quản lý, 82 nhân viên, 114 giáo viên mầm non, 361 giáo viên tiểu học và 175 giáo viên THCS). Tuy nhiên, theo ông Thanh, vì chỉ tiêu biên chế của huyện giao thấp nên hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đều phải xin hợp đồng thêm khoảng 50 giáo viên, chủ yếu ở 2 bậc học mầm non, tiểu học để thực hiện việc phân bổ giáo viên đúng quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên các trường tập trung triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị cho ngày tựu trường. Ảnh: Hồng Thi
Giáo viên các trường tập trung triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị cho ngày tựu trường. Ảnh: Hồng Thi

Đến thời điểm này, các trường đã hoàn tất công tác tuyển sinh năm học 2017-2018 theo kế hoạch với 12.189 học sinh, dự kiến bố trí thành 524 lớp học. Cụ thể: bậc mầm non có 132 lớp với 2.982 học sinh, tiểu học có 299 lớp với 6.058 học sinh, THCS có 93 lớp với 3.149 học sinh. “Do đặc thù của huyện với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tuyển sinh vẫn được các trường tiếp tục thực hiện cho đến khi chính thức bước vào năm học mới nhằm tạo điều kiện cho các em được đến lớp. So với các trường một cấp học, những trường có 2 cấp học (tiểu học và THCS-NV) thuận lợi hơn khi nắm được số lượng học sinh cuối cấp lên đầu cấp mới, chỉ cần tổ chức vận động các em ra lớp”-ông Thanh cho hay.

Công tác bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được ngành giáo dục huyện Kông Chro chú trọng. Theo đó, trong dịp hè vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp học tập Nghị quyết của Đảng và triển khai một số nội dung chính trị khác cho giáo viên. Các khóa bồi dưỡng của ngành cũng thường xuyên được tổ chức, góp phần củng cố kiến thức, trình độ chuyên môn cho giáo viên nhằm phục vụ nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy trong năm học tới.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.