Ia Drăng: Giúp hội viên Cựu chiến binh phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giúp hội viên tiếp cận với nguồn vốn và khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế là những việc làm thường xuyên của Hội Cựu chiến binh xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) trong nhiều năm qua.  Nhờ đó đến nay, số hội viên cựu chiến binh nghèo của xã chỉ còn 5 hộ, chiếm 2%.

Để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật, những năm qua, Hội Cựu chiến binh xã Ia Drăng đã phối hợp tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và đưa hội viên đi tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Cùng với đó, Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn đầu tư sản xuất.

 

Nhiều hội viên Cựu chiến binh vươn lên làm giàu từ trồng cà phê, hồ tiêu.   Ảnh: A.H
Nhiều hội viên Cựu chiến binh vươn lên làm giàu từ trồng cà phê, hồ tiêu. Ảnh: A.H

Ông Phạm Xuân Chiến-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Drăng, cho biết, riêng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Hội đang quản lý trên 5,5 tỷ đồng thông qua 5 tổ tiết kiệm-vay vốn ở 5 thôn, làng và đã giải quyết cho 201 hộ vay, trong đó có 60 hộ hội viên cựu chiến binh được vay với số tiền 950 triệu đồng. Song song với nguồn vốn từ các ngân hàng, cán bộ, hội viên tại các chi hội cũng tích cực đóng góp để xây dựng nguồn quỹ nội bộ, tạo vốn luân phiên cho hội viên vay với lãi suất thấp. Hiện tổng quỹ Hội là 292 triệu đồng, đã giải quyết cho 25 hội viên vay đầu tư trồng trọt, chăn nuôi.

Nói về kết quả vận động cán bộ, hội viên đóng góp xây dựng nguồn vốn tại chi hội, ông Vũ Xuân Bảng-Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh thôn 10, cho hay:  Cán bộ, hội viên đều tích cực tham gia đóng góp nên nguồn vốn tại chi hội hiện có là 118 triệu đồng. Nguồn vốn này đã giải quyết cho 9 hội viên vay với lãi suất 1%/tháng, số tiền lãi được dùng vào mục đích giúp đỡ hội viên lúc khó khăn, hoạn nạn, thăm hỏi khi đau ốm… “Những hội viên vay vốn của chi hội đều sử dụng đúng mục đích, có người dùng vào việc sửa chữa nhà cửa, có người dùng cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đầu tư nuôi bò…Vì vậy, chi hội không còn hội viên nghèo và cũng không còn hội viên phải ở nhà tạm, nhà dột nát”-ông Bảng khẳng định.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, cán bộ, hội viên tại các chi hội đều tích cực thi đua lao động sản xuất, số hộ có thu nhập bình quân hàng năm từ vài trăm triệu đồng trở lên ngày càng tăng. Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh xã, số hội viên có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm chiếm gần 8%, trong đó có 2 hội viên: Nguyễn Anh Tuấn (chi hội thôn Nhân Đức) và Phạm Văn Ngưỡng (chi hội thôn An Hòa) có mức thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm; hộ thu nhập 200-300 triệu đồng/năm chiếm 17,5%; hộ có thu nhập 100-200 triệu đồng chiếm 66%; hộ thu nhập dưới 100 triệu đồng chiếm 6% và hộ nghèo trong hội viên chỉ còn 2%.

 

Hội Cựu chiến binh xã Ia Drăng hiện có 262 hội viên tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội, trong đó có 5 chi hội người dân tộc thiểu số. Theo thống kê, diện tích đất sản xuất trong hội viên là 285 ha, chủ yếu là trồng cao su tiểu điền, cà phê, hồ tiêu, điều; đàn gia súc là 130 con, gia cầm các loại 3.000 con.

Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Anh Tuấn đã có mức thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Chia sẻ về điều này, ông Tuấn cho rằng, ngay từ những năm đầu tiên lập nghiệp, vợ chồng ông đã áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” và tìm hiểu kỹ về điều kiện thổ nhưỡng rồi mới chọn cây trồng cho phù hợp. Từ những cây bắp, cây mì được trồng ven suối để tạo nguồn lương thực, gia đình ông dần mở rộng diện tích với các cây công nghiệp dài ngày như: cao su tiểu điền, cà phê, hồ tiêu để tăng thu nhập. Giờ đây, gia đình ông đang sở hữu hàng chục ha cao su, 5.000 trụ hồ tiêu, 5 ha cà phê, 3 ha bơ, 2 ha đinh lăng… Cách đây 3 năm, gia đình ông còn đầu tư mua 20 con bò lai nuôi để lấy phân bón cho cây trồng và đàn bò này hiện đã phát triển lên 35 con.

Theo ông Phạm Xuân Chiến, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyên đề “2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình”, đẩy mạnh các hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, phấn đấu mỗi năm giảm từ 1 đến 2 hộ nghèo, cận nghèo và đến hết nhiệm kỳ (2017-2022) không còn hội viên ở nhà tạm, nhà dột nát.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm