"Giải mã" thành phố trung tâm Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỏm rừng nguyên sinh lẻ loi với ken dày cây cổ thụ ngàn năm tuổi tỏa bóng mát lạnh của diệp lục sâu thẳm ở nơi người ta đặt Bảo tàng Đak Lak ngày nay đã nói với tôi rằng thành phố này bước ra từ rừng. Duy nhất nơi đây còn tín hiệu, còn ký ức đại ngàn đó, trong một Buôn Ma Thuột mênh mông vườn rẫy cà phê và hừng hực phố nối phố, bê tông lấp tràn mặt đất rừng xưa.

Đất lành lòng rộng

Giờ thì Buôn Ma Thuột đã là một đô thị bề thế, sôi động hàng đầu vùng Tây Nguyên, không gian và sự vạm vỡ của nó luôn cho ta cảm giác có thể kiến tạo đầy tung hứng và vô tận. Cao nguyên Đak Lak đúng là cao nguyên bazan. Và chính việc người Pháp thời Đông Dương thuộc địa thiết lập hệ thống hành chính và đưa cây cà phê vào đã làm thay đổi hoàn toàn xã hội nông nghiệp trong các sắc dân sơn nguyên. Đất bazan là nơi lý tưởng cho cây cà phê, cao su, hồ tiêu, mà Đak Lak đã đứng đầu về việc trồng và phổ biến cây cà phê-hiện là 170.000 ha. Cuộc sống rẫy ruộng được đẩy lùi dần bởi cà phê và nền canh nông hàng hóa. Chính sự sung túc, giàu có từ cây trồng công nghiệp xuất khẩu này đã khiến Buôn Ma Thuột trở thành thành phố tiêu dùng khổng lồ. Cái làm ra là nông-lâm-thổ sản, còn đưa tất tần tật mọi sản phẩm khác từ các nơi xa về để tiêu thụ.

 

Ngã Sáu, “trái tim” của đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: N.H.T
Ngã Sáu, “trái tim” của đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: N.H.T

Buôn Ma Thuột có mặt trên 30 sắc dân khác nhau đến từ mọi miền đất nước, kể cả những dân tộc từ Tây Bắc xa xôi. Tôi có thể nghe những ngôn ngữ xa lạ ấy ở chợ Buôn Ma Thuột, trên các con đường mua sắm Y Jut, Nơ Trang Lơng, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong hay Hai Bà Trưng và có thể thấy họ sống ở các khu phố mới. Thành phố này người ta sống ít xăm soi, để ý đến nhau. Sự tiếp nhận phóng khoáng và thỏa mái này là chuyện không phải dễ ở các vùng đất khác. Chỉ cần chăm lao động thì lưu dân nào cũng sống dễ dàng trước sự màu mỡ của đất bazan và khí hậu thuận lợi nơi đây. Nên khắp nơi trong lòng Buôn Ma Thuột, phố cũ phố mới đều nhảy tưng tưng, có khi là phố trang trọng ngây ngất, mà cũng có khi là phố lếch thếch, diêm dúa, kệch cỡm, lạc điệu, hình thái giống từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng và cả Đà Lạt. Phố phân lô dĩ nhiên tràn ngập. Nhưng làng/phố biệt thự cũng nhiều như mì gói, đến độ có thể nghĩ sao họ cất nhà cao to dễ đến thế.

Buôn Ma Thuột nằm ở nơi còn “đồng bằng” hơn mọi đô thị mà ta gọi là đồng bằng ở dưới duyên hải kia, khi không thể nhìn thấy nhọn núi nào từ đây. Bởi cao nguyên Đak Lak thật ra là dải đồng bằng rộng lớn lùi sâu vào lục địa, chứ không “điệp trùng núi non”. Nên con đường nào đã mở là cũng dễ dàng, rộng thoáng bát ngát, dài tít tắp. Từ Gia Lai, Lâm Đồng qua, Khánh Hòa, Phú Yên lên, miền Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia sang, hướng về Buôn Ma Thuột như xa lộ, về với trung tâm của bán đảo Đông Dương, trái tim. Đến cái vỉa hè ở đường phố Buôn Ma Thuột cũng làm các đô thị khác thèm thuồng-nó cứ to rộng như sân chơi, “tiểu công viên”. Còn kiến trúc trên các đường phố thì giống thứ kiến trúc đưa đến từ mọi nơi, chấp nhận tất cả, đổ vào tất cả, mà không cần đến bản sắc riêng. Dân Buôn Ma Thuột mà, sống tự nhiên, thỏa mái, hiện sinh, xuề xòa, quen với tính “nông nghiệp rẫy” nên không để ý đến bản sắc đô thị chung. Nếu có bản sắc, thì chỉ có thể nhìn thấy trong các buôn của người Ê Đê còn lỏi chõi đây đó. Nhưng cộng đồng nhập cư thì đã nhiều hơn, chi phối cách biểu hiện về ý thức thẩm mỹ, không gian sống, hình thái kiến trúc và cả lối sống. Mà ý thức của dân nhập cư, như đã nói, là “thỏa mái”, no, vui, nhiều tiền, thế nào cũng được. Lịch sử thị dân trên thế giới đã chỉ ra rồi, với đô thị, bên trong sao thì bên ngoài vậy.

 

Trên một con đường chính ở phía Đông thành phố.     Ảnh: N.H.T
Trên một con đường chính ở phía Đông thành phố. Ảnh: N.H.T

Mộc mạc đến thô ráp

Tính cách thị dân Buôn Ma Thuột không hung dữ, nóng tính, đãi bôi, hay màu mè. Họ thô và giàu sức sống như gốc cà phê, đi đứng trùng trùng như rẫy vườn nhiệt đới miền cao. Ví như khi bạn đi mua hàng, ở những con đường bán buôn có bề dày nhất, mua từ cọng rong xanh, con cá khô, tờ báo, ống nhựa tưới rẫy, chiếc tủ lạnh, xe máy cày đến chiếc xe hơi xa hoa Audi cũng sẽ chẳng bao giờ có thể nghe thấy người ta cảm ơn người mua. Và ngược lại. Cảm ơn là âm thanh vô cùng xa lạ và xa xỉ ở thành phố này. Và dĩ nhiên trong các hàng quán, cũng khó mà nhận thấy người ta tặng tiền tip cho nhau. Họ bán buôn mộc mạc. Mộc mạc đến độ cứ ngỡ như dửng dưng, bất cần. Mộc mạc đến độ cứ ngỡ họ không là người đô thị thông thường, dù họ là người của thành phố trung tâm, đô thị “trái tim” miền cao nguyên này.

Cũng như khi họ đi uống cà phê, bất cứ quán lớn nhỏ nào, bạn sẽ thấy người ta để ý đến sinh hoạt của nhau và với ly cà phê hơn là hình thức ly cà phê hay chất lượng của cà phê. Là xứ cà phê nhưng họ quen uống với cà phê pha trộn bắp, đậu nành, ly đánh lên đầy bọt khi uống, hơn là vị mộc, duy nhất chất cà phê và cũng chẳng bao giờ họ đòi hỏi quán xá. Họ uống rất nhanh và nói chuyện rất to. Họ cũng chỉ quen với cà phê kho, hoặc pha sẵn, chứ cà phê pha phin theo kiểu Pleiku hay Đà Lạt, Nha Trang thì hiếm khi thấy. Cái này khớp với lối sống nhanh, ngắn gọn, thực dụng, thực chất như thành phố dồi dào vật chất của họ vậy, xã hội tiêu dùng. Cứ tốc độ, không cần đến tinh tế, chiều sâu, hay thẩm mỹ. Nói chung xứ này tuôn trào, không cần bóng bẩy, sang cả. Giờ thì người ta còn muốn đánh bóng và tự hào về xứ sở bằng ý tưởng lập “Thiên đường cà phê” ở đây. Nhiều kỳ tích đã diễn ra trên đất này. Nhưng người Buôn Ma Thuột vẫn vậy, trao đổi chất với ly cà phê cực đơn điệu. Đố mà đi tìm được cái duyên, hay bản sắc của người “Vương quốc cà phê” này trong chuyện uống cà phê của họ.

Công bằng mà nói, chính cà phê làm xứ sở này rực rỡ và vạm vỡ, nhưng đô thị sung túc, lực lưỡng, “nam tính” này cứ thô ráp, thiếu gì đó cái hào hoa, đẳng cấp, tinh tế.

Nốt trầm trong cổ lục

Đô hội, sầm uất và sục sôi thực dụng như thế, nhưng Buôn Ma Thuột có cái hay là nó “lành”, không nhức đầu, nặng nề với tệ nạn, băng đảng anh chị, xã hội đen và tội phạm nhiều như các đô thị khác. Lội nát thành phố này rồi, ngồi mòn quán mòn nhà bao người ở đây rồi. Nó gồ ghề, cá biệt như thế làm sao không mê được. Khi người Pháp làm thuộc địa ở miền Thượng, đại lý hành chính đầu tiên họ đặt không phải ở Buôn Ma Thuột mà ở vùng Bản Đôn, rồi Kon Tum, rồi Đà Lạt và sau đấy mới tính đến Buôn Ma Thuột. Kể cả thời “Hoàng Triều Cương Thổ” của Bảo Đại cũng đặt đầu não cao nguyên tại Đà Lạt, chứ không phải đây. Bởi Đà Lạt có nền tảng đô thị bài bản và văn hóa đô thị mà người Pháp đã kiến tạo.

 

“Là xứ cà phê nhưng họ quen uống với cà phê pha trộn bắp, đậu nành, ly đánh lên đầy bọt khi uống, hơn là vị mộc, duy nhất chất cà phê và cũng chẳng bao giờ họ đòi hỏi quán xá. Họ uống rất nhanh và nói chuyện rất to. Họ cũng chỉ quen với cà phê kho, hoặc pha sẵn, chứ cà phê pha phin theo kiểu Pleiku hay Đà Lạt, Nha Trang thì hiếm khi thấy. Cái này khớp với lối sống nhanh, ngắn gọn, thực dụng, thực chất như thành phố dồi dào vật chất của họ vậy, xã hội tiêu dùng…”.

Nay thời đại mới, chính quyền ta đã xác lập Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của Tây Nguyên, với vai trò về địa chính trị, địa kinh tế, và địa văn hóa của nó. Tôi mê thật cái buôn của tù trưởng bộ lạc Ama Thuột từ quá khứ sơn nguyên xa tít đến hiện tại này. Khi cố trầm tĩnh để “đọc” cho hết thành phố này, rồi sàng lọc lại, thì nhận ra sự ý vị thuộc về giá trị ở cái bản địa. Giá trị mới thì chưa viên thành. Giá trị cũ thì vẫn cứ còn tiếp nối. Nhận ra, khoảng lắng thần thái đô thị Buôn Ma Thuột vẫn là ở khu phố nào mà thị dân là người Ê Đê. Ở đó, tinh thần tỏa ra là gần gũi với mẹ thiên nhiên, còn ngưỡng vọng thiên nhiên, với nhà cửa, lối sống, sinh hoạt, giao tế không hẫng, không vong bản, xa lạ, hớ hênh, khoe khoang, thô lỗ, trơ trẽn. Phẩm chất tuyệt vời này là một giá trị lớn, mà các đô thị khác không có. Ở đó, không cần mua hàng, chỉ khen họ đẹp, họ đã từ tốn “Cảm ơn!” ta rồi. Lạ thật ! Đúng là văn minh thì từ sự chân thành, bặt thiệp, chan hòa bên trong mà biểu hiện ra bên ngoài chứ không từ độ dày của ví tiền, ăn, ở đâu, hay có được học cao rộng không. Vậy muốn tìm bản sắc thị dân, chất “người Buôn Ma Thuột” nên vào các phố có người Ê Đê sẽ khỏi thất vọng. Họ bước từ rừng, lên rẫy, lên “phố”, từ đời sống canh nông sang đời sống giao thương, nhà thảo mộc sang nhà bê tông, cuộc sống theo mùa sang cuộc sống theo giờ, ngày, nên thích nghi, chan hòa và chuyển hóa tự nhiên trên quê xứ. Còn thị dân chính (số đông và phổ biến-dân nhập cư) ở đây, ta có thể lý giải khác đi, rằng đặc trưng của họ là thế đấy: mộc, đơn giản, thô, bất cần.

Nói vậy mà vẫn cứ tin một ngày nào đó, tự nhiên người Buôn Ma Thuột cũng nghĩ đến việc thèm cốt chất riêng, bản sắc “Thị dân Buôn Ma Thuột”. Chỉ mong đừng học đòi lố bịch, hay nhân bản vô tính đô thị, nhân bản vô tính thị dân, mà hãy học tinh hoa. Và cũng không nên kiêu ngạo, hoặc từ bỏ chân đế của một thành phố. Đã có sẵn rồi, có thể tiếp nối những gì người Ê Đê đã có kia kìa. Văn minh phố dựng trên văn minh rừng thuần hậu-giá trị vĩnh cửu. Nên cái chỏm rừng kia đâu chỉ là bóng mát bình thường, mà là nhắc nhớ, nhắc nhớ về sự tử tế, nghiêm cẩn, thân thiện, sang cả, chan hòa…

Nguyễn Hàng Tình

Có thể bạn quan tâm