"Hoa quỳ vàng suốt dọc đường đất đỏ..."

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 1989, tôi đột ngột nổi hứng bèn rủ ông anh Nguyễn Trung Hiếu từ Quảng Ngãi lên Gia Lai thăm nhà thơ Huỳnh Trung Hiếu. Lúc bấy giờ, anh “Hiếu Huỳnh” đang làm Giám đốc Sở Điện lực Gia Lai-Kon Tum.

Chúng tôi bắt xe đò lên Pleiku và được anh Huỳnh Trung Hiếu đón tiếp nồng nhiệt. Anh Hiếu “Gia Lai” đưa anh Hiếu “Quảng Ngãi” (thực ra 2 ông này đều quê Quảng Ngãi nhưng anh Huỳnh Trung Hiếu vào chiến đấu ở Tây Nguyên từ năm 1969) và tôi đi thăm công trình thủy điện Ia Ly, lúc ấy đang tích cực chuẩn bị thi công.

Tham quan công trình thủy điện vĩ đại này xong, chúng tôi lại có nguyện vọng tới Nông trường Cao su Chư Pah, cách Pleiku mấy chục cây số. Anh Huỳnh Trung Hiếu đồng ý luôn, không cần hỏi tôi đến đó làm gì. Dọc đường đi, dạo ấy đang vào tháng 11, tôi thấy bạt ngàn hai bên đường nở tưng bừng một loài hoa màu vàng rất đẹp. Anh Huỳnh Trung Hiếu nói đó là hoa quỳ, còn gọi là hoa dã quỳ, thường nở vào đầu mùa khô Tây Nguyên. Tự nhiên, tôi xúc động “ngang” với loài hoa quỳ này, và khi về Quảng Ngãi đã viết được bài thơ “Hoa quỳ và tôi”. Có lẽ vì tôi cảm thấy mình gần gũi với một loài hoa dại, đông mà không vui: “Hoa quỳ vàng suốt dọc đường đất đỏ/Em nhiều quá mà sao buồn quá/Thì ra, đông đảo cứ buồn/Thì ra, nhiều vẫn cô đơn”. Có lẽ đó là tâm trạng của tôi, chứ không phải của hoa dã quỳ, nhưng tôi cứ viết thế. 

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến ngôi làng của công nhân cao su Chư Pah, con đường đất đỏ đầy bụi đưa chúng tôi đi qua những ngôi nhà tồi tàn của công nhân cao su ở 2 bên đường. Xe chúng tôi chạy qua một xóm nhà, trước sân có một đám trẻ con đang chơi. Xe chạy chậm, nhưng bụi đỏ trên đường vẫn tung vào mặt các em, những đứa trẻ mà nhìn quần áo chúng mặc thì biết độ nghèo khổ của gia đình các em đã tới tột đỉnh. Các em nhỏ nhìn chúng tôi trừng trừng, và thú thật, suốt đời tôi không thể quên được những ánh mắt trẻ thơ ấy.

Về Quảng Ngãi, tôi đã viết ngay bài thơ “Cái nhìn của tương lai”, một bài thơ ngắn sau đó được in ở khoảng 10 tuyển tập thơ Việt đương đại. Bài thơ ấy thế này:

Cái nhìn của tương lai
Những đứa trẻ như những cây cao su còi
Mọc không hàng không lối
Nắm tay nhỏ vung qua bụi đỏ
Mắt gườm gườm xói vào chúng tôi

Những nhà văn đi thực tế bằng xe hơi
Tung bụi bẩn vào mặt đàn em nhỏ
Tung ngôn ngữ gấm hoa vào mặt những túp lều khốn khổ
Nơi đói nghèo công khai rách nát công khai

Chúng tôi cứ hồn nhiên ca ngợi tương lai
Cho tới chiều nay. Rừng cao su Chư-Pả
Tương lai bỗng ném vào chúng tôi cái nhìn kỳ lạ
Qua cặp mắt gườm gườm những đứa trẻ ngây thơ.

Cao su Chư Pah, 11-1989

Những đứa trẻ nghèo khổ với cặp mắt gườm gườm ấy sẽ lớn lên như thế nào ? Tôi không trả lời được câu hỏi này, và tôi chắc, rất nhiều người cũng không trả lời được.

Thoắt cái mà từ năm 1989 tới giờ đã 28 năm. Tôi đã có vài ba lần trở lại với Gia Lai, với TP. Pleiku, dù chỉ là những cuộc trở lại ngắn ngủi. Nếu đến vào đầu mùa khô, vẫn gặp hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường. Những đứa trẻ trong bài thơ “Cái nhìn của tương lai” tôi viết ngày ấy nay chắc cũng đã ở tuổi trung niên. Các em đang sống như thế nào? Đó vẫn chỉ là một câu hỏi.

Như các thành phố khác, TP. Pleiku đã nở nang tới mức khó nhận ra. Bây giờ, không có chuyện “đi dăm phút lại về chốn cũ”, dù những con phố rộng rãi vẫn còn lên lên xuống xuống, giữ cho Pleiku một vẻ đẹp riêng so với nhiều thành phố khác. Trong trào lưu xây dựng “thành phố thông minh” hiện nay, tôi mơ ước Pleiku sẽ được “tái cấu trúc” và xây dựng để là một thành phố thông minh. Song bản thân thành phố khó “thông minh” nếu thiếu những con người thông minh. Con người vẫn là trung tâm của thành phố. Tôi cảm thấy, Pleiku đủ khả năng có những con người thông minh để làm nòng cốt cho một thành phố thông minh. Trước hết, vì Pleiku có những người sản xuất giỏi và kinh doanh giỏi. Đây là thành phố có mật độ những người kinh doanh thành đạt cao. Cũng là thành phố có những người biết ứng dụng kỹ thuật cao của thế giới trong sản xuất nông nghiệp. Đó là điều đặc biệt so với một thành phố miền núi. Khi tôi đọc về Warren Buffett-người giàu thứ 2 thế giới chỉ sau Bill Gates-thì tôi vỡ ra rằng, Pleiku cũng có thể sẽ là một “thành phố doanh nhân”.

Hoa dã quỳ vẫn đẹp như thế nhưng sẽ không buồn nữa. Một thành phố thông minh sẽ biết tận dụng những vẻ đẹp sẵn có từ thiên nhiên để tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho mình.

Và tôi hy vọng, trong số những doanh nhân thành đạt ấy ở Pleiku có những em bé cách đây gần 30 năm đã từng sống và lớn lên trong nghèo khổ ở làng công nhân cao su Chư Pah.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm