Đàn đá, rượu cần và câu hát ở Bù Bir

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có người ví cao nguyên Đak Nông như một bản tình ca rộn rã sắc màu của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống mà trong đó, âm hưởng chủ đạo vẫn là giọng chiêng trầm hùng của người M’Nông bản địa. Tôi tin điều đó sau nhiều ngày lang thang trong các bon M’Nông hiền hòa dưới những bóng cây xanh mướt ở xã Quảng Tín, một xã vùng biên viễn của huyện Đak Rlấp, tỉnh Đak Nông.

Chị Thị H’Rêu-một phụ nữ M’Nông chính hiệu, phụ trách văn hóa xã-nói với chúng tôi bằng giọng nói của người quen thân lâu ngày gặp mặt: “Ồ, vui quá luôn, vào bon uống rượu cần thôi!”. Vậy thì vào bon uống rượu cần, vui với bà con không ngồi trong phòng cán bộ nữa! Chủ nhà đi trước, chúng tôi theo sau, nắng nhảy nhót trên tán lá điều mát rượi. Chủ nhà tranh thủ giới thiệu vắn tắt: Quảng Tín là một xã thuần nông với 3 loại cây trồng chủ yếu: cà phê, điều và cao su. Xã nằm giáp ranh với tỉnh Bình Phước, lại có quốc lộ chạy qua trung tâm xã, việc thông thương buôn bán là rất quan trọng. Với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, Quảng Tín là địa phương đa dạng về sắc màu văn hóa. Xã có10 thôn và 4 bon trải rộng trên 5.312 ha với hơn 10 ngàn nhân khẩu. Những năm qua, xã đã triển khai thực hiện dự án 3EM (Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó, toàn bộ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều được hưởng, với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất kinh tế cho từng hộ dân. 

 

Thị Ly biểu diễn với bộ đàn đá cho khách nghe.                                  Ảnh: Y.T
Thị Ly biểu diễn với bộ đàn đá cho khách nghe. Ảnh: Y.T

Đường vào bon Bù Bir đã láng nhựa phẳng phiu. Những ngôi nhà ẩn mình trong những tán lá điều, cà phê xanh đậm đà mưa nắng. Già Điểu Nhong năm nay ngoài 70 nhưng vẫn tráng kiện, quắc thước. Già bảo: “Người M’Nông sống với rừng, nay rừng được thay thế bằng nương rẫy, thì bà con cố gắng chăm cái cây cho tốt, cho xanh, được nhiều quả, sẽ vui!”.  Cặp mắt tinh anh của người thường xuyên gần gũi với rừng khiến tôi nhớ đến những nhân vật sử thi M’Nông trong các tác phẩm của anh em nghệ nhân Điểu Kâu, Điểu Klung đã sưu tầm, chỉnh lý và xuất bản. “Bà con có đất, đã an tâm trồng trỉa rồi, nhưng, cái vốn vẫn chưa nhiều, chưa làm to được!”-già Điểu Nhong tâm sự.

Chủ và khách quây quần bên ché rượu cần. Không biết có phải rượu cần M’Nông đậm và nặng hơn các loại rượu cần nơi khác không mà ngấm rất nhanh. Chị Thị H’Rêu uống chung với tôi một cần, đôi mắt lúng liếng trên miệng ché như cười, như trò chuyện. Một cần, rồi một cần nữa… Cô bé Thị Ly, Bí thư chi đoàn bon Bù Bir vừa cầm sừng rót nước vào ché, vừa khe khẽ hát một bài dân ca M’Nông dịu dàng, đằm thắm. “Ta đi hái quả gặp nhau ở đây/Ta đi bắn chim cu gặp nhau ở đây/Anh nhìn em đẹp như chiếc tỏ hoa/Được sống bên em anh không dám hờn”-đó là lời tỏ tình của một cô gái Mnông! Đến lúc này thì không biết là tôi đang say rượu, hay là say núi rừng, hay là say câu hát… Chỉ biết là chòng chành lắm! Chợt Bí thư chi đoàn bon ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Anh có muốn nghe đàn đá bon Bù Bir em không?”.

Hóa ra, từ bon Bù Bir đến suối Đak Kar nổi tiếng, nơi phát hiện bộ đàn đá huyền thoại của người M’Nông, cũng gần thôi. Những thỏi đá ngẫu nhiên được tìm thấy dưới suối, ngẫu nhiên khi gõ vào, lại phát ra âm điệu của các nốt nhạc. Người M’Nông gọi đàn đá là gong lú (chiêng đá). Chuyện về “những thanh đá biết hát” này cũng khá dài. Già Điểu Nhong nhớ lại: Năm 1985, ông Điểu Bang trong một lần đi đánh cá ở suối Đak Kar đã phát hiện 3 thanh đá có âm thanh lạ, nghe rất vui tai nên mang về cho bà con trong bon chiêm ngưỡng. Thời gian sau đó, trong bon xảy ra dịch bệnh làm chết nhiều người. Nhiều người nghi đó là những “thanh đá thần” và người dân không cúng bái thần thánh nên bị quở trách. Vì thế, cả bon quyết định mang trả 3 thanh đá về chỗ cũ. Sau này, cán bộ văn hóa đi sưu tầm năn nỉ mãi, ông Điểu Bang mới chịu chỉ chỗ, tìm về. Năm 1993, bộ đàn đá này được ngành Văn hóa nghiên cứu, thẩm định và kết luận 3 thanh đá là một loại nhạc cụ thô sơ của người bản địa Tây Nguyên thời tiền sử, có niên đại trước Công nguyên.

Từ chỗ sợ Yang phạt, người Bù Bir vui mừng vì được nhận lại một món quà quý của tổ tiên để lại. Những lúc nông nhàn, thanh niên trong bon lại ra suối Đak Kar tìm những “thanh đá biết hát” về xếp lên để chơi. Mỗi khi sưu tầm được, họ đều mời những nghệ nhân am hiểu về đàn đá để thẩm định cũng như sắp xếp theo đúng trình tự một dàn hoàn chỉnh. Đặc biệt, để bảo quản và giới thiệu cho mọi người được biết và cùng nhau giữ gìn, anh Điểu Phương đã xây dựng riêng một căn nhà nhỏ để trưng bày. Điều đáng ghi nhận là mặc dù có nhiều nhà sưu tầm từ các nơi khác đến hỏi mua, nhưng anh nhất định không bán.

Chúng tôi sang nhà Điểu Phương, sát bên cạnh nhà văn hóa của bon. Buổi trưa, mọi người đã nghỉ hết, nắng mênh mang từ ngoài đồng cỏ hắt vào hơi nóng dìu dịu. Cô gái M’Nông nhè nhẹ bàn tay trên những thanh đá cổ xưa, một bản nhạc trầm hùng xao xuyến kỳ lạ vang lên trong buổi trưa hè cao nguyên lồng lộng. Cơn cảm xúc bất ngờ chạy dọc làn da, nổi gai ốc. Giờ thì tôi mới hiểu, âm nhạc, đặc biệt là cồng chiêng, là thứ âm thanh thần kỳ không thể thiếu trong các nghi lễ của người Tây Nguyên nói chung. Đó là thứ âm thanh kỳ bí nhất, có thể dùng để trò chuyện với các Yang, từ đời này qua đời khác.

Chúng tôi tạm biệt bon Bù Bir, tạm biệt Quảng Tín khi men rượu trong ché chưa kịp nhạt. Men rượu cần, nụ cười, tiếng hát, tiếng đàn đá ngân vang… còn như níu bước chân.

Y Thiện Niê

Có thể bạn quan tâm