Phú Thiện mở rộng cánh đồng lúa lớn một giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính quyền và ngành chuyên môn huyện Phú Thiện đang vào cuộc vận động người dân xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện.

Phú Thiện là vựa lúa lớn của tỉnh với 6.500 ha lúa nước. Năng suất cây lúa đạt 6-7 tấn/ha. Tuy vậy, diện tích lúa ở Phú Thiện đa phần là quy mô nhỏ lẻ, không đồng nhất về giống đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng. Để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người dân, huyện Phú Thiện đang triển khai đề án xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện.

 

Nông dân xã Ayun Hạ làm đất chuẩn bị sản xuất cánh đồng lớn một giống rộng 40 ha trong vụ mùa 2017.                                     Ảnh: T.Đ
Nông dân xã Ayun Hạ làm đất chuẩn bị sản xuất cánh đồng lớn một giống rộng 40 ha trong vụ mùa 2017. Ảnh: T.Đ

Từ vụ mùa năm 2016, huyện Phú Thiện đã thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lúa một giống áp dụng theo tiêu chuẩn “3 giảm-3 tăng” tại một số xã và thu được kết quả khả quan. Ủy ban nhân dân huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng các hợp tác xã triển khai vận động và chuyển giao kỹ thuật cho người dân tham gia trồng các loại lúa như OM4900, LH12, ML48… Năng suất lúa đạt 7-8 tấn/ha. “Năm rồi nhà tôi trồng giống lúa OM4900 cho năng suất hơn 7 tấn/ha, trong khi trước đây chỉ khoảng 5 tấn/ha. Khi gieo sạ cũng chỉ cần 15 kg giống/1 sào thay vì 25-30 kg/1 sào như trước đây. Tôi còn được hỗ trợ tiền giống và phân bón đến sau khi thu hoạch mới phải trả lại”-ông Ksor Pol (xã Ia Ake) cho biết.

Từ tiền đề cánh đồng một giống, trong vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện Phú Thiện đã xây dựng được 16 cánh đồng lớn một giống trên cây lúa ở 8 xã với tổng diện tích là 628,2 ha của 1.645 hộ dân tham gia (có 336 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 62 hộ nghèo và 67 hộ cận nghèo). Các cánh đồng này sử dụng 5 loại giống gồm: OM4900, LH12, Nếp 97, ML 48 và TH6; áp dụng theo quy trình kỹ thuật “3 giảm-3 tăng”. Năng suất bình quân đạt 7,5-8 tấn/ha, tăng 1 tấn/ha so với cánh đồng sản xuất theo mô hình truyền thống. Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp để cùng liên kết trồng lúa, bao tiêu đầu ra và hỗ trợ giống, vật tư cho nông dân.    

Bước sang vụ mùa 2017, huyện tiếp tục duy trì cánh đồng lúa lớn một giống với hơn 600 ha như các mùa vụ trước. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho hay, trên cơ sở mô hình trồng lúa LH12 do Bộ Nông nghiệp và PTNT thí điểm trong vụ Đông Xuân vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hỗ trợ giống và tập huấn kỹ thuật gieo trồng để nông dân mở rộng diện tích gieo sạ lúa LH12 lên 70 ha. Huyện đã giao cho Hợp tác xã Chư A Thai (xã Ia Ake) và UBND xã Ia Yeng mỗi nơi 30 ha, còn lại 10 ha giao cho các xã còn lại để bà con làm quen dần với giống lúa có năng suất cao, khả năng chịu hạn và kháng sâu bệnh tốt lại cho hạt gạo thơm ngon này.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Phú Thiện xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2020 phải xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người dân. Để làm được điều đó thì việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nhà khoa học… là một tiền đề quan trọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn và các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân những quy định và ích lợi khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn để vận động người dân thực hiện”.

Sau 3 mùa vụ triển khai cánh đồng lúa lớn một giống, người dân rất phấn khởi nhờ trồng lúa theo tiêu chuẩn “3 giảm-3 tăng” giúp giảm chi phí sản xuất, lại cho năng suất cao hơn 1 tấn/ha, giá cả hợp lý (vụ Đông Xuân vừa rồi, lúa nếp bán được 6.200 đồng/kg, lúa LH12 bán 6.000 đồng/kg), lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm chưa thật sự bền vững khiến người trồng lúa và các hợp tác xã lo lắng. Ông Lại Trung Truyền-Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Ayun Hạ), bày tỏ: Hợp tác xã thực hiện cánh đồng lúa lớn một giống lúa OM4900 được 40 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng khó khăn là Hợp tác xã chưa tìm được đầu ra vì chưa có doanh nghiệp nào ký hợp đồng thu mua lúa cho nông dân với số lượng lớn mà chủ yếu là các tư thương mua để xát gạo hoặc chuyển đi bán lại cho các doanh nghiệp lớn ở vùng khác kiếm lời.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm