Những người lặng thầm gieo mầm thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn giúp những con người lầm lỡ làm lại cuộc đời, những quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai luôn tận tụy giáo dục, cảm hóa các phạm nhân để họ trở thành con người có ích cho xã hội.

Các phạm nhân là những người có đời sống tâm lý, đặc điểm nhân cách phức tạp. Mỗi đối tượng phạm tội khi vào trại đều có một số phận, một tính cách và hoàn cảnh khác nhau. Có trường hợp phạm tội do vô tình, vì phút nông nổi, bồng bột, song cũng có không ít đối tượng côn đồ, hung hãn, tàn ác. Trong số phạm nhân có người chưa biết chữ, có người không nghề nghiệp, lại cũng có cả những cán bộ, công chức; người sợ hãi, kẻ bất cần, người tích cực cải tạo và cũng có kẻ chây ỳ, chống đối. Bởi vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ cải tạo phạm nhân phải vừa là một người quản lý, vừa là một nhà sư phạm, một người thầy trong nghiên cứu tâm lý tội phạm để giáo dục, cảm hóa họ, làm cho họ nhận rõ những lỗi lầm.

 

Một buổi lao động tại Trại tạm giam Công an tỉnh.                                                                  Ảnh: H.G
Một buổi lao động tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: H.G

Đại úy Lê Anh Tuân-Phó Đội trưởng Phân trại quản lý phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh, cho biết: “Công việc cải tạo phạm nhân thầm lặng và cách biệt với thế giới bên ngoài. Trại cách xa khu dân cư, công việc của chúng tôi là phải cải tạo, giáo dục phạm nhân, đảm bảo không để cho can phạm nhân trốn, không được để phạm nhân suy kiệt, mắc bệnh, chết hay gây rối trong buồng giam… Hàng ngày, chúng tôi đều tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt, thường xuyên kiểm tra đột xuất các buồng giam để nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm của phạm nhân để phục vụ tốt cho yêu cầu công việc và công tác chỉ đạo. Nhìn bề ngoài, công tác quản lý giam giữ nghe có vẻ đơn giản nhưng khi thực hiện thì mới thấy phức tạp, gian truân…”

Công việc của người quản giáo nơi trại giam là khai sáng cho tâm hồn phạm nhân. Vượt lên những khó khăn, vất vả,  niềm vui của những người quản giáo là ánh mắt thân thiện của phạm nhân, là từng ngày thấy những đổi thay tiến bộ của họ. Đại úy Lê Anh Tuân chia sẻ: Điều tôi rút ra từ thực tiễn công tác là muốn cảm hóa, giáo dục một con người thì phải hiểu được lai lịch, đặc điểm, tâm lý của họ để có biện pháp giáo dục hợp lý. Có như vậy, những điều cán bộ nói mới thấm sâu vào tâm hồn can phạm nhân, tạo nên những chuyển biến về nhận thức và hành động trong họ. Và chúng tôi đã tổ chức cho phạm nhân tham gia lao động sản xuất để họ thấm thía giá trị của lao động và ý nghĩa của cuộc đời.

Phạm nhân Nguyễn Đắc Vinh phạm tội “Cố ý gây thương tích” bị Tòa án tuyên phạt mức án 34 tháng tù. Sau một thời gian chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh, dưới sự quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ quản giáo, Vinh đã có nhiều thay đổi, biết làm việc chăm chỉ, đọc sách báo tìm hiểu về pháp luật, biết định hướng cho mình về cuộc sống sau này. Vinh tâm sự: “Vì bốc đồng, ham chơi, theo bạn bè quậy phá, phạm tội rồi đi tù, tôi hối hận lắm. Tôi chỉ mong được làm lại cuộc đời, được quay trở về với vợ con, chăm sóc bố mẹ già yếu. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, cán bộ quản giáo quản lý, giáo dục, nhiệt tình giúp đỡ nên tôi học thêm được nhiều điều, hiểu rõ hơn về pháp luật. Tôi rất mong được Nhà nước khoan hồng cho tội lỗi của mình”.

Trong những năm qua, cùng với chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của Bộ Công an, Công an tỉnh, sự nỗ lực ăn năn, hối cải, tích cực lao động, học tập cải tạo tiến bộ của mỗi phạm nhân nên nhiều người trong số họ đã hoàn lương, ổn định cuộc sống. Chỉ tính từ năm 2012 đến 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức xét đề nghị tha, giảm, đặc xá cho 252 phạm nhân. Trong đó, có hơn 50 phạm nhân cải tạo tiến bộ được đặc xá tha tù trước thời hạn… Nhiều người trong số họ đã biết vươn lên, tạo lập cuộc sống ổn định, trở thành những người có ích cho xã hội. Đó là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và hơn cả là sự quyết tâm phòng ngừa tội phạm của những cán bộ, chiến sĩ gắn bó với công tác giáo dục phạm nhân tại các trại giam, nhà tạm giữ. Họ lặng thầm gieo cho mầm thiện hồi sinh.

Hồng Giang

Có thể bạn quan tâm