Nâng cấp quốc lộ 19: Muộn còn hơn không!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau ngày 30-4-1975, người ta bảo quốc lộ 19 là con đường tốt nhất nước. Quả không sai! Bởi, trong những năm chiến tranh, quốc lộ 1, con đường xuyên Việt bị chia cắt. Phía Bắc thì đang trong thời mọi nguồn lực phải dồn vào cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặt khác, cũng trong những năm ấy, quân đội Mỹ ra sức đánh phá con đường này nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Bên này vĩ tuyến 17, ở phía Nam quốc lộ 1 cũng không hơn gì mấy. Riêng quốc lộ 19 thì lại được đầu tư xây dựng bài bản...

  Đường 19 (đoạn qua xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) bị xuống cấp.       Ảnh: Bích Hà
Đường 19 (đoạn qua xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) bị xuống cấp. Ảnh: Bích Hà

Ngoài đường hàng không, muốn tiếp viện cho chiến trường Bắc Tây Nguyên, không thể không nghĩ đến con đường 19, cho nên người ta gọi nó là con đường chiến lược. Vì vậy, vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, dẫu bị Quân Giải phóng đánh phá ác liệt nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn quyết tâm đầu tư nguồn vốn đáng kể được viện trợ từ chính phủ Mỹ để mở rộng, nâng cấp con đường (được xây dựng từ thời Pháp) mà như chúng ta đã thấy nó bền vững, chắc chắn mãi cho đến rất lâu sau ngày giải phóng. Và rồi nó cũng chung “số phận” như những con đường khác, cho dù hàng năm có duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp với nguồn vốn vô cùng khiêm tốn của những năm đất nước khó khăn cũng không thể cứu nổi, duy trì nổi như cái tên người ta đã gắn cho nó-con đường đẹp nhất nước nữa. Bởi lẽ, một thời “khai phá” vùng Bắc Tây Nguyên, cùng với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn mất đi là những đoàn xe đủ các loại nối nhau vô tận đưa gỗ về cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), con đường gồng mình lên chịu trận, và bắt đầu xuống cấp ngày thêm nghiêm trọng và kéo dài mãi cho đến ngày nay. Đường xuống cấp, hư hỏng, phương tiện tham gia giao thông ngày lại càng tăng thì hệ lụy của nó là tai nạn ngày càng tăng.  

Đi hầu khắp đất nước, cho đến lúc này người viết chưa từng thấy con đường “huyết mạch”, “chiến lược” nào lại xấu, lại hư hỏng, xuống cấp trầm trọng như quốc lộ 19. Quốc lộ này, với chiều dài tính từ điểm đầu là cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), điểm cuối là Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) là 240 km. Trong đó, trên đất Gia Lai gần 170 km, số còn lại là Bình Định. Với chừng ấy cây số thì không thể nói ngoài khả năng đầu tư của Nhà nước, mà dẫu có đầu tư bằng hình thức nào đi nữa cũng không thể nói là “bất khả” để xây dựng con đường chiến lược? Nếu gọi là “bất khả” thì chỉ có một lý do, là lý do con đường này, vùng đất này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của Chính phủ.

Cách đây mấy hôm, trên xe giường nằm, tôi đã chứng kiến khi xe qua nhiều đoạn đường ổ gà, ổ voi kéo dài trên quốc lộ 19, mà hành khách trên xe tim giật thót; phương tiện tham gia giao thông dày đặc, ý thức người điều khiển phương tiện lại có-vấn-đề. Thấy, biết và nghe, con đường có lúc được ví như “con đường tơ lụa” xuyên Đông Dương đã được “ghi vào kế hoạch kêu gọi đầu tư nâng cấp” từ rất lâu theo hình thức BOT. BOT chẳng biết đã triển khai tự bao giờ, mà ngần ấy năm, ngoài chừng hơn 50 km đã đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2016, thì nó vẫn ỳ ra đấy, hết đào lại bới, lại vá, lại đào... Rồi hai phía (Gia Lai và Bình Định) 2 cái trạm thu phí to đùng mọc lên. Dân kêu, người người kêu mãi chẳng thấu... tới đâu. Sao lại chỉ mới có mấy chục cây số đường tươm tươm một chút đã đè cổ người và phương tiện tham gia giao thông ra thu... phí? Câu hỏi được đặt ra từ lâu, nhưng không có câu trả lời cho tường tận.

Mới rồi, tiếp xúc với một cán bộ lãnh đạo, chúng tôi nghe bảo sắp tới lại kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư bằng một nguồn vốn... khả thi, đó là nguồn từ Ngân hàng Thế giới, với chừng 150 triệu đô la Mỹ. Hy vọng con đường sẽ ra đường. Sẽ trả lại tên cho chính nó-con đường trọng điểm, huyết mạch, nối đồng bằng Trung Trung bộ, cảng Quy Nhơn với vùng chiến lược Bắc Tây Nguyên và Hạ Lào với Đông Bắc Campuchia, đang thời kỳ được đầu tư khai thác theo kế hoạch dài hơi, lại được coi là vùng ngã ba Tam giác phát triển của 3 nước Đông Dương. Con người và vùng đất Tây Nguyên nói chung, Bắc Tây Nguyên nói riêng, giàu về truyền thống yêu nước, giàu về tiềm năng kinh tế, văn hóa, xã hội, và đặc biệt nơi được coi là “mái nhà Đông Dương”, là vùng “chiến lược về quốc phòng-an ninh”, nhưng người dân thì chưa giàu, cho nên ở đó nhất thiết phải xứng đáng nhận được sự ưu tiên đầu tư, khai thác và phát triển về nhiều mặt, trong đó có giao thông mới đúng lẽ đương nhiên. Thế nhưng...

Muộn còn hơn không, không nguồn vốn này thì giờ đã có nguồn vốn khác, vấn đề còn lại là việc triển khai, là chất lượng công trình như mong muốn, là không vướng vào tệ nạn phần trăm (%), bớt xén, tham ô. Đảm bảo như kỳ vọng của các nhà đầu tư đưa ra mà người viết bài này được biết, là việc cải tạo con đường 19 nhằm đảm bảo an toàn giao thông và khả năng ứng phó thiên tai. Khi dự án hoàn thành, người dân của 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai và vùng lân cận, cùng với mạng lưới giao thông sẵn có, sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường bên ngoài nhanh hơn, giảm được thời gian đi lại, giảm giá thành vận chuyển. Sau khi được cải tạo, tuyến quốc lộ 19 sẽ đủ năng lực phục vụ trên 6.200 xe cơ giới hạng nhẹ mỗi ngày.

 Bích Hà

Có thể bạn quan tâm