Kbang: Tập trung phòng-chống sâu bệnh hại trên cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc liên tục có mưa rải đều đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xuống giống cũng như chăm sóc cây trồng trên địa bàn huyện Kbang. Tuy nhiên, thời tiết mưa nắng đan xen cũng là nguyên nhân khiến các loại sâu bệnh dễ phát sinh. Do đó, để đảm bảo năng suất, chất lượng các loại cây trồng, công tác phòng-chống sâu bệnh được ngành Nông nghiệp và PTNT địa phương đặc biệt quan tâm.

Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Kbang đã gieo trồng được 21.664 ha/28.877 ha cây trồng các loại vụ mùa, đạt 75% kế hoạch. Trong đó, một số cây trồng có tỷ lệ gieo trồng đạt cao như: cây công nghiệp dài ngày (4.220 ha, đạt 100% kế hoạch), cây công nghiệp ngắn ngày (8.940 ha/9.004 ha, đạt 99,3%), cây thực phẩm (2.804 ha/3.289 ha, đạt 85,2%). Riêng cây lương thực có hạt mới gieo trồng được 3.299 ha/8.728 ha, đạt 37,8%. Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, cho hay, so với trung bình các năm trước, tiến độ gieo trồng vụ mùa năm nay trên địa bàn huyện Kbang đạt cao hơn.

 

Chăm sóc mía niên vụ 2017-2018.                                                    Ảnh: L.H
Chăm sóc mía niên vụ 2017-2018. Ảnh: L.H

Tuy nhiên, thời tiết mưa nắng đan xen cũng là nguyên nhân khiến nhiều loại sâu bệnh phát sinh. Qua công tác nắm tình hình tại các địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện Kbang đã phát hiện một số loại sâu bệnh hại đang xuất hiện trên một số cây trồng. Tuy nhiên, hầu hết là các loại sâu bệnh hại thông thường, có thể xử lý. Cụ thể, trên cây cà phê đã xuất hiện bệnh rỉ sắt với tỷ lệ nhiễm 10-21%, diện tích nhiễm khoảng 310 ha tại xã Sơn Lang, Sơ Pai…

Ngoài ra, còn xuất hiện rệp sáp gây hại rải rác tại Sơ Pai, Đak Rong với tỷ lệ trung bình 6-25% trên diện tích 310 ha. Bệnh thán thư lá vẫn tiếp tục gây hại cục bộ tại một số vườn cà phê tại thị trấn Kbang với diện tích khoảng 20 ha. Trên cây mía, xén tóc gây hại tại một số diện tích thuộc các xã Đak Hlơ, Đông và sâu đục thân gây hại rải rác tại xã Kông Pla, Nghĩa An… với tổng diện tích gần 110 ha. Trên cây đậu xanh đã xuất hiện sâu đục quả gây hại tại các xã: Đak Smar, Lơ Ku… Hay trên cây lúa xuất hiện chuột gây hại cục bộ tại các trà lúa muộn ở xã Lơ Ku, Đak Rong…

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, sâu bệnh hại sẽ còn có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới. Trên cây cà phê là bệnh rệp sáp, đồng thời, sẽ xuất hiện rụng quả sinh lý tại một số diện tích. Các bệnh như xén tóc, sâu đục thân trên cây mía có nguy cơ gây hại mạnh hơn do đang là mùa sâu non phát triển. Vì vậy, ngành chuyên môn địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cũng như khuyến cáo người dân chú trọng theo dõi sát sao các loại cây trồng để chủ động có biện pháp can thiệp sớm nhằm khống chế, tiêu diệt sâu bệnh gây hại, tránh lây lan trên diện rộng.

Đối với cây lúa nước, các đơn vị chuyên môn phối hợp với địa phương tuyên truyền cho người dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt sâu bệnh trú ẩn trong gốc rạ để tránh sâu bệnh gây hại có môi trường phát sinh, phát triển.

“Với cây lúa, ngoài hướng dẫn bà con gieo sạ đúng lịch thời vụ, đúng kỹ thuật, chúng tôi còn khuyến cáo nên ứng dụng rộng rãi chương trình IPM, ICM vào sản xuất ngay từ đầu vụ. Đối với các vườn cà phê, bà con có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật như Anvil 5SC, Tilt super 300ND, Sumi-Eight 12.5WP… phun ướt đều dưới mặt lá vào sáng sớm hay chiều mát theo đúng nồng độ khuyến cáo để trị bệnh rỉ sắt. Đối với rệp sáp có thể xử lý bằng thuốc Tasodan 6000 EC, Supertac 500 EC, Mapjudo 40WP… kết hợp dầu khoáng SK để phòng trừ. Với những vườn bị bệnh thán thư lá, bà con khẩn trương cắt tỉa chồi cành tạo độ thông thoáng, đồng thời cắt bỏ và tiêu hủy cành lá bị nhiễm bệnh và có thể phun thuốc Carmanthai 80WP, Prodifad 300EC…”-bà Trần Thị Mai-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Kbang, khuyến cáo.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm