Gia Lai: Đổi thay trên quê hương Anh hùng Lao động Rơ Mah Klum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Mới (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) được thành lập trên cơ sở thực hiện dự án giãn dân năm 1993. Sau 24 năm thành lập, diện mạo của làng đã có những đổi thay tích cực. Làng Mới dần trở thành làng “Văn hóa-Sức khỏe” như ý nguyện của những người đầu tiên xây dựng.

Từ trung tâm huyện, mất khoảng 15 phút đi xe máy, chúng tôi đã có mặt tại làng Mới. Hồ làng Mới xanh trong soi bóng những rặng cao su bạt ngàn và những vườn điều xanh mướt. Từ đầu làng, những ngôi nhà san sát nằm dưới những cây xanh tỏa bóng mát rượi minh chứng cho cuộc sống thanh bình nơi vùng đất mới.

 

Thu hoạch mủ cao su.                                                                              Ảnh: M.C
Thu hoạch mủ cao su. Ảnh: M.C

Gặp chúng tôi, Trưởng thôn Rơ Lan Klok chia sẻ: “Làng có 77 hộ với 341 khẩu.  Nhiều hộ đã đầu tư trồng hồ tiêu, cao su, cà phê. Hiện nay, đời sống của bà con đã được cải thiện. Trẻ em đến trường đạt 100%. Nhiều hộ có ti vi, xe máy. Nhiều người trở thành công nhân cao su với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng”.

Già Kpuih Hrel là một trong những người đầu tiên cùng với Anh hùng Lao động Rơ Mah Klum có mặt tại làng Mới từ ngày đầu lập làng. Anh hùng Klum đã sang thế giới bên kia, chỉ còn già Hrel vẫn miệt mài với nương rẫy. Già Hrel vẫn nhớ như in những ngày đầu vất vả. Ngày ấy, khi địa phương có chủ trương giãn dân thành lập làng thì chẳng ai muốn đến. Bởi lẽ, vùng đất ấy trước kia còn rất hoang vu, chỉ có nắng, gió và bụi. Sau một thời gian, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, hơn 30 hộ dân ở các làng Dơk Lah, Dơk Ngo và làng Đo, làng Ghè đã tụ họp và xây dựng làng. Được Nhà nước xây dựng nhà ở, bà con bắt đầu khai hoang để trồng cao su. Trải qua quãng thời gian dài, bà con làng Mới giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng thêm các loại cây khác ngoài những cây ngắn ngày như mì và lúa nước. Nhiều hộ đã có của ăn, của để.

Già Kpuih Hrel cho biết: “Năm 1993 là khổ nhất, trồng cao su không có máy ủi đâu, phải làm tay hết. Bây giờ thì cà phê, cao su bạt ngàn. Các làng khác làm theo bà con làng Mới nên không còn khổ nữa”.

Gia đình anh Kuih Ven là hộ có kinh tế khá giả của làng Mới. Với diện tích đất khai hoang từ những năm mới đến làng, anh đã trồng 400 cây cao su tiểu điền và hơn 200 cây cà phê. Hàng năm, gia đình anh thu gần 200 triệu đồng từ vườn cây. Vợ chồng anh và cô con gái lớn hiện là công nhân khai thác mủ của Công ty 74 (Binh đoàn 15) với mức lương hàng tháng hơn 3 triệu đồng/người. Với thu nhập như trên, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định. Mới đây, anh Kpuih Ven đã trồng thêm 200 cây cao su và tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cà phê. Trò chuyện với chúng tôi, anh Ven cho biết: Ở làng Mới nhiều hộ trồng cao su, cà phê nên cho thu nhập khá. Bà con trong làng chăm chỉ làm ăn, ít uống rượu để giữ gìn sức khỏe”.

Trở lại làng Mới hôm nay, chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh Anh hùng Lao động Rơ Mah Klum-người đặt nền móng cho sự phát triển của làng. Khi còn sống, Anh hùng Lao động Rơ Mah Klum mong muốn cùng với Công ty 74 và chính quyền địa phương xây dựng làng Mới trở thành làng “Văn hóa-Sức khỏe”. Và mong muốn đó của ông gần như đã trở thành hiện thực.

Minh Châu

Có thể bạn quan tâm