Kbang nâng cao chất lượng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hệ thống loa đài phát thanh, thời gian qua các đơn vị Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Kbang luôn quan tâm làm tốt việc củng cố hệ thống loa đài, đồng thời nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền nhằm phục vụ nhu cầu của thính giả nghe đài.
    

Ông Đinh Đi bên chiếc đài FM của mình. Ảnh: Hồng Hạnh
Ông Đinh Đi bên chiếc đài FM của mình. Ảnh: Hồng Hạnh

Ông Đinh Đi-ở làng Lơk (xã Nghĩa An, huyện Kbang) là một thính giả quen thuộc của hệ thống truyền thanh xã. Ông cho biết, hàng ngày ông đều đón nghe các chương trình truyền thanh của Trung ương, tỉnh, huyện và của xã; khi có công việc phải đi nhà đầm, ngủ rẫy ông lại mang theo chiếc đài FM cầm tay để tiện dò sóng nghe đài. Có thể nói, đối với ông, thông tin truyền thanh là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu được.

Ông Đinh Đi, tâm sự: Tôi nghe Đài 1 là tôi thích nghe tin tức trong nước, tỉnh nào, huyện nào làm ăn đạt thì mình cũng học hỏi người ta mặc dù mình không đi nhưng mình nghe đài mình học hỏi người ta cách làm ăn như thế nào, sinh hoạt như thế nào, kinh tế người ta như thế nào… nghe Đài phát thanh về chủ trương nhà nước về giúp đỡ dân làng nhất là dân tộc vùng xa vùng sâu như bọn tôi
    
Hiện nay trên địa bàn huyện Kbang có 12/14 xã, thị trấn có Đài Truyền thanh đang hoạt động, với 185 cụm loa FM không dây - dưới sự quản lý, vận hành của công chức Văn hóa-Xã hội địa phương. Tuy nhiên do nhiệm vụ kiêm nhiệm nên một số Đài hoạt động chưa đều; nhiều đài xã chưa xây dựng được chương trình truyền thanh của địa phương; hoạt động của các cụm loa, thiết bị thu phát sóng chưa được củng cố thường xuyên… chính vì vậy nhiều địa phương đã chủ động hợp đồng, tuyển thêm nhân lực phụ trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Đài.

Đài Truyền thanh xã Nghĩa An, huyện Kbang mới được thành lập từ đầu năm 2017, với tổng số 16 cụm loa được lắp đặt ở 7 thôn làng. Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh-Phụ trách Đài Truyền thanh xã Nghĩa An, cho biết: Về công tác tại Đài ngay từ những ngày đầu mới thành lập, bản thân là nữ nên chị gặp không ít khó khăn trong việc vận hành, sửa chữa các thiết bị, máy móc khi bị hư hỏng. Tuy nhiên, với chuyên môn là cử nhân Báo chí Phát thanh-Truyền hình, chị luôn xác định phải không ngừng cố gắng học hỏi, đồng thời phát huy năng lực để nâng cao chất lượng tuyên truyền tại cơ sở. Đài chúng tôi thì cứ 1 tuần chúng tôi làm 1 chương trình phát thanh của xã mình và trong chương trình đấy khoảng10 đến 15 phút. Chủ yếu nói về các văn bản chỉ đạo quan trọng của xã, cũng như các đường lối chính sách của Nhà nước thì mình thông báo đến cho nhân dân biết. Ngoài ra thì hàng tuần chúng tôi sẽ tổng hợp những thông tin thời sự, hoặc phản ánh của xã hội trong đời sống nhân dân để viết tin bài rồi chuyển lãnh đạo phê duyệt, sau đấy mới hoàn thành chương trình phát thanh của mình, phát hàng tuần-chị Oanh cho biết.

Còn anh Võ Văn Tấn-phụ trách Đài Truyền thanh xã Đak Hlơ đã gần 3 năm nay, lại lấy niềm yêu thích nghe đài của bà con tại địa phương để làm động lực trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Anh Tấn tâm sự: Theo nhận xét của tôi về thị hiếu của bà con khi có Đài Truyền thanh xã thì bà con rất phấn khởi và nhiều người khi đài hư thì người dân tự báo để sửa chữa. Nói chung nó cũng tạo động lực, sự phấn khởi trong công việc, nên mình cũng tìm tòi học hỏi thêm để nâng cao chương trình của Đài. Trong công việc của Đài xã thì máy thường xảy ra trục trặc đó là bị sét đánh, cháy côn loa, tôi cũng tiến hành trực tiếp sửa chữa và nếu không sửa chữa được tôi mang qua Đài huyện hỗ trợ về kỹ thuật. Đài xã Đak Hlơ tin bài chủ yếu là thông báo tuyên truyền; do công việc của mình vẫn còn bị hạn chế cho nên tôi cũng cố gắng học hỏi ở trên mạng cách viết tin bài để phong phú cho Đài xã.

Ông Trần Đức Dũng-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Kbang, huyện Kbang, cho biết: Hiện nay Ban biên tập Đài thị trấn có 11 thành viên, hoạt động của Ban này là biên soạn các nội dung tuyên truyền, thông báo trên tất cả lĩnh vực; các nội dung này sẽ được phê duyệt bởi lãnh đạo phụ trách Khối Đảng và Khối Chính quyền trước khi phát trên sóng truyền thanh. Ông Dũng, nói: Hàng tuần, hàng tháng chỉ đạo cho Ban Tuyên giáo Đảng ủy cùng với Ban Biên tập Đài truyền thanh biên soạn các tin bài để đưa nội dung tuyên truyền kịp thời đến với nhân dân trong quá trình thực hiện các chủ trương. Thường xuyên cung cấp, biên soạn các tin bài để tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thông qua các hoạt động để lựa chọn, nêu gương người tốt việc tốt trong thực hiện từng phong trào cụ thể.

Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Đài Truyền thanh cấp xã, xây dựng đội ngũ cộng tác viên tham gia trao đổi thông tin, nghiệp vụ cho Đài huyện; vừa qua Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Kbang phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Gia Lai và Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên huyện, mở lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho gần 60 cộng tác viên trong toàn huyện. Qua đây, hướng dẫn kỹ năng viết tin bài; vận hành và sửa chữa một số hư hỏng thường gặp ở thiết bị truyền thanh nhằm nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, hiệu quả tuyên truyền trên sóng, mang tiếng nói của địa phương đến gần hơn với người dân trên địa bàn.


 

 Trang-thiết bị của một Đài Truyền thanh xã. Ảnh: Hồng Hạnh
Trang-thiết bị của một Đài Truyền thanh xã. Ảnh: Hồng Hạnh

Qua tham gia lớp tập huấn, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh-phụ trách Đài Truyền thanh xã Nghĩa An, huyện Kbang, cho rằng: Đây là hoạt động thiết thực, tạo cơ sở để các Đài Truyền thanh cơ sở phát huy hết khả năng, hiệu quả tuyên truyền thông qua hệ thống loa FM không dây của Đài.  Theo bản thân tôi thấy việc tuyên truyền qua hệ thống phát thanh ở cơ sở hiện nay rất cần thiết. Thay vì ngày trước khi gặp vấn đề khẩn cấp các Trưởng thôn làng phải cầm loa bất kế mưa gió lái xe máy dọc các tuyến đường để loa, thì bây giờ mình đã có hệ thống loa được cắm tại các trụ cố định thì mình cứ đưa thông tin lên đó và người dân tiếp nhận được nhanh hơn và cũng tạo cho mình được thuận lợi.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, có thể nói hệ thống truyền thanh ở cơ sở đóng vai trò là cầu nối cung cấp thông tin nhanh nhất, thiết thực và hiệu quả, nhất là đối với địa bàn vùng sâu vùng xa như huyện ta. Mà ở đó, tiếng nói của nhân dân và chính quyền được nêu lên và phản hồi một cách gần gũi và dễ hiểu nhất. Thiết nghĩ, việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Đài Truyền thanh ở cơ sở chính là nâng cao hiệu quả hoạt động của một kênh tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực.

Hà Duyệt

Có thể bạn quan tâm