Đổi thay ở làng Mook Trê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, làng Mook Trê từng là trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị của xã Ia Dom (huyện Đức Cơ). Nơi đây, hơn chục năm trước, cái đói, cái nghèo luôn hiện hữu trên từng nóc nhà. Nhưng với sự đồng lòng vượt khó của cán bộ và nhân dân, đến nay, làng Mook Trê đã có bước chuyển biến rõ rệt.

Ngày chúng tôi đến, trời Mook Trê nắng như đổ lửa. Ấy thế nhưng cái cảm giác bỏng rát của miền biên viễn nhanh chóng được xoa dịu bởi màu xanh mướt của những vườn cao su, điều và cà phê dọc hai bên đường. Trong làng, người dân đang hăng say tập luyện các môn thể thao, các tiết mục văn nghệ phục vụ cho đại hội thể dục thể thao của xã. Ngồi chứng kiến lớp trẻ luyện tập, ánh mắt già làng Siu Hloan sáng lên. Có lẽ, già đang vui vì sự đổi thay trong đời sống của người dân.

 

Các tuyến đường trong làng Mook Trê trở nên sạch sẽ hơn nhờ người dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.                                                      Ảnh: N.H
Các tuyến đường trong làng Mook Trê trở nên sạch sẽ hơn nhờ người dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Ảnh: N.H

Già Siu Hloan kể: “Những năm trước, do canh tác lúa rẫy và một số cây ngắn ngày theo kiểu tự cung, tự cấp nên đa số hộ dân trong làng đều rơi vào diện nghèo. Hơn 10 năm trở lại đây, người dân Mook Trê đã biết trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su để thoát nghèo. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong đầu tư xây dựng hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong làng được nâng lên rõ rệt”.

Theo già Siu Hloan, làng Mook Trê hiện có 258 hộ với hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cả làng hiện có 663 ha cây trồng, trong đó, cà phê 30,5 ha, hồ tiêu 18 ha, cao su 129 ha, điều 119 ha, cây trồng ngắn ngày 353 ha; gia súc, gia cầm 2.321 con. Năm 2014, Mook Trê có gần 30 hộ thuộc diện nghèo thì đến nay chỉ còn 12 hộ. Trong làng hiện không còn tình trạng đói giáp hạt, hộ khá và giàu tăng lên. Điển hình là gia đình Siu Beo có 2 ha điều, 1 ha cà phê và 1 ha cao su, mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng.

Không những tích cực sản xuất để thoát nghèo, dân làng Mook Trê còn đóng góp nhiều công sức, vật chất xây dựng các công trình công cộng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Mới đây, người dân đã hiến đất, ngày công làm đường giao thông nông thôn; trồng hơn 200 cây xà cừ và làm sân nhà sinh hoạt cộng đồng để phục vụ các hoạt động hội họp, giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, họ cũng rất có ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt, mỗi nhà tự đào hố rác và di dời chuồng trại chăn nuôi ra sau nhà.

Nói về sự thay đổi của làng, người dân không quên nhắc đến vai trò của chi bộ làng Mook Trê. Chính sự gương mẫu trong phát triển kinh tế và tham gia các phong trào của các đảng viên đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, nhân dân trong làng đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó, thoát nghèo và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của địa phương. “Với những kết quả đã đạt được, nhiều năm liền, làng Mook Trê được công nhận là làng văn hóa. Chi bộ cũng nhiều năm liền được cấp trên công nhận trong sạch, vững mạnh”-ông Trần Văn Thanh-Bí thư chi bộ làng Mook Trê, phấn khởi cho biết.

Ông Hồ Đình Kỳ-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom, cho biết: Những năm gần đây, người dân Mook Trê đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Họ đã biết vượt khó trong lao động để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhờ đó, làng Mook Trê đã có kinh tế phát triển nhất xã và hoàn thành sớm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Ia Dom trở thành xã biên giới đầu tiên ở Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhật Hào

Có thể bạn quan tâm