Độc đáo múa Chiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói đến Tây Nguyên, đa số du khách sẽ nhớ về những điệu xoang nhịp nhàng cùng tiếng cồng chiêng trầm hùng… Rất ít người được chiêm ngưỡng điệu múa Chiêu-một văn hóa đặc sắc của người H’Lăng tại tỉnh Kon Tum.

Về huyện Sa Thầy (Kon Tum) để nghe kể về những giai thoại của múa Chiêu mới thấy hết vẻ huyền bí, đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trong đó, làng Khúc Na, xã Sa Bình là nơi có 100% dân số là người dân tộc H’Lăng. Những người phụ nữ nơi đây cũng lên rẫy, cũng trỉa bắp, trồng lúa nhưng vẫn giữ phong thái uyển chuyển, nhịp nhàng như những nghệ sĩ múa. Hỏi ra mới biết, các chị em ở đây đều biết múa Chiêu nên cách đi đứng cũng nhẹ nhàng, thướt tha hơn các nơi khác.

 

Chị em làng Rờ Kơi đang tập điệu múa Chiêu. Ảnh: H.Đ
Chị em làng Rờ Kơi đang tập điệu múa Chiêu. Ảnh: H.Đ

Múa Chiêu là điệu múa đặc trưng của người H’Lăng trong các lễ hội. Các động tác múa Chiêu thường rất khó. Không giống như điệu xoang, người múa Chiêu phải nhịp nhàng điều chỉnh mũi bàn chân và gót chân xoay đều 80 độ nhưng không được để bàn chân rời khỏi mặt đất.

Về căn bản, các động tác chân ở cả hai bài Chiêu trong đám ma và trong lễ hội không thay đổi nhưng các động tác tay thì khác nhau hoàn toàn. Ở bài Chiêu trong lễ hội, dù xoay về hướng nào thì 2 cánh tay của nghệ nhân cũng giữ nguyên tư thế đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau. Nhưng ở bài Chiêu trong đám ma, 2 tay người múa phải dang rộng tấm choàng thổ cẩm, giống như cánh bướm dập dìu bay lượn.

Cũng như Khúc Na, làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy là một trong những khu vực đông người H’Lăng sinh sống và vẫn còn lưu giữ được điệu múa Chiêu độc đáo. Để góp phần lưu truyền và gìn giữ văn hóa của các dân tộc trong khu vực, mới đây Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Sa Thầy đã phối hợp với Huyện Đoàn và cấp ủy, chính quyền xã Rờ Kơi mở lớp truyền dạy nghệ thuật văn hóa dân gian, trong đó có điệu múa Chiêu của người H’Lăng. Chỉ diễn ra trong vòng một tuần nhưng lớp học đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ từ các làng tham gia, cán bộ Văn hóa-Thông tin còn tuyên truyền, động viên các nghệ nhân từ các thôn, làng dạy cho mọi người tại nơi mình sinh sống học các động tác múa. Đến nay mỗi thôn, làng trong xã đều có từ 20 đến 30 người biết múa Chiêu.

Bà Y Run-nghệ nhân múa Chiêu ở làng Rờ Kơi, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2016-cho biết: “Múa Chiêu phải có cồng chiêng đệm theo, múa nhịp nhàng theo nhịp nhanh chậm của tiếng cồng, tiếng chiêng. Thường ngày bà con đi làm rẫy, nhưng nếu sắp đến lễ hội thì buổi tối cả làng cùng tập trung tập luyện. Bà con dân làng đang nỗ lực cùng chính quyền truyền dạy và bảo tồn điệu múa Chiêu độc đáo này”.

 

Múa Chiêu là bản sắc văn hóa của người H’Lăng nên bà con cùng chung tay giữ gìn điệu múa độc đáo ấy. Nghệ nhân trong làng luôn cổ vũ, động viên và tích cực truyền dạy cho các em nữ để văn hóa của dân tộc không bị mai một

Già làng A Linh, làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy

Cũng theo bà Y Run, mặc dù múa Chiêu khó, hơn nữa lại không có nhiều thời gian tập luyện nhưng nhờ sự kiên trì nên chỉ sau khoảng 10 buổi tập luyện, mọi người đã có thể nắm bắt nhanh chóng và múa nhịp nhàng.  Hiện tại hầu hết phụ nữ trong xã Rờ Kơi đều biết múa Chiêu. Không chỉ người già mà những thiếu nữ mới lớn cũng say mê theo điệu múa Chiêu trong các lễ hội.

Trang  phục múa Chiêu cũng có những đặc trưng riêng nên không những dạy múa Chiêu mà các nghệ nhân còn dạy cho con cháu mình cách dệt thổ cẩm truyền thống đi kèm. Đó là những chiếc váy, chiếc áo được gọi là “Trah” với những đường viền được thêu vô cùng nhã nhặn, tinh tế. Ngoài ra, vật không thể thiếu trong điệu múa Chiêu là tấm khăn choàng thổ cẩm đa màu sắc cũng được những phụ nữ trong làng tự tay dệt nên.

Ông Trần Văn Tiên-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sa Thầy (Kon Tum) cho biết: “Cuối năm 2017, huyện Sa Thầy sẽ thực hiện kế hoạch “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020, theo đó chúng tôi sẽ mở lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, dân vũ, dân ca. Đặc biệt, riêng tại địa bàn xã Rờ Kơi chú trọng phục hồi điệu múa Chiêu truyền thống của dân tộc H’Lăng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên”.

Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm