Chuyện ở Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi cứ nhớ mãi ấn tượng về một buổi chiều mùa đông cách đây mấy năm, khi thơ thẩn ở mấy xã Ia Phang, Ia Le... thì phát hiện cả thảm hoa xuyến chi rờn rờn trong gió. Chúng cứ dậy lên trong cái bảng lảng buổi chiều nỗi thắt thẻo như một năm nào đó, thuở mới lên Tây Nguyên, tôi cũng đã ngợp cũng trong cái sắc trắng đến thắt lòng trong một miên man mùa hoa cà phê nở.

Giờ, xuyến chi chỉ còn bên vệ đường, chứng tỏ đất đã được khai thác hết công suất. Còn nhớ, từ khi còn chưa chia huyện, cái vùng đất giờ là Chư Pưh ấy bị coi là rất nghèo. Người ta xác định cây chủ lực cho vùng này là đậu xanh và đậu phụng. Giờ chúng vẫn còn đấy, nhưng chỉ là thưa thớt, không phải là cây hàng hóa chủ lực; chủ lực bây giờ là hồ tiêu, cao su, cà phê. Loại cây này chiếm 12.897,8 ha so với chỉ còn 335 ha cây công nghiệp ngắn ngày như đậu phụng, bông vải. Cây lương thực cũng chỉ còn để đủ ăn chứ không trồng lấy được như hồi nào, chỉ có 3.923,2 ha, chứng tỏ huyện đã tìm ra được một hướng đi đúng.

 

Hồ tiêu là cây trồng thế mạnh của huyện Chư Pưh.                                    Ảnh: Đ.T
Hồ tiêu là cây trồng thế mạnh của huyện Chư Pưh. Ảnh: Đ.T

Lại nhớ một trưa nắng nhễ nhãi nào đó, tôi đi theo ông cựu Tổng Biên tập Báo Gia Lai Đoàn Minh Phụng xuống Chư Pưh, vào thăm ông Nguyễn Văn Khoa-một ông nông dân lừng danh về trồng hồ tiêu, và giờ cũng là tỷ phú hồ tiêu. Lại cũng phải vân vi tí về cái thời trước đấy, quãng những năm 80 thế kỷ trước, tôi đi cùng một đoàn nhà văn từ Hà Nội vào, xuống mấy xã của Chư Sê, giờ thuộc Chư Pưh này, thấy nhà nào cũng có hàng thùng phuy đậu xanh, nhưng chỉ để đấy mà... không bán được.

Mỗi lần về quê (dân mấy xã này chủ yếu thuộc các huyện phía Nam Thừa Thiên-Huế đi kinh tế mới), người dân xách theo từng túi đậu xanh nhỏ và giấu khắp nơi trong cái xe đò cọc cạch, thế mà rồi cũng chả về đến nơi bao nhiêu, bởi bị thuế vụ bắt khắp dọc đường. Hồi ấy còn cấm đoán, bế quan tỏa cảng rất ghê. Nhớ có mấy mệ mếu máo nói với chúng tôi: Chả lẽ ăn đậu xanh mà trừ cơm được à. Sống trên đậu xanh và đậu phụng mà chịu đói, giờ kể lại thì thấy lạ, nhưng hồi ấy là sự thực. Chưa kể bệnh tật, thất học... khiến nhiều gia đình lại bỏ về quê cũ. Khi chúng tôi đến, có một gia đình đang làm đám tang cho một cháu bé. Cháu mất do sốt rét. Hồi ấy sốt rét ở đây là chuyện hàng ngày. Chưa kể còn rắn rết, còn trăm thứ tai nạn khác. Và FULRO, thi thoảng lại nghe đùng đoàng, người yếu bóng vía cứ thon thót đi nghiêng như có lỗi... Tôi nhớ được một gia đình mời ăn giỗ bữa trưa, đã quây cái sân lại rất kỹ, nhưng sau một cơn gió, đất đỏ cuồn cuộn ụp xuống, mâm cỗ mịt mù. Thức ăn phủ một màu đỏ quạch. Mọi người vẫn ăn vì đã quá quen rồi, còn tôi thì không thể, vì răng đã kịp ê sau khi nhai nguyên một viên sạn…

Trở lại với ông “vua tiêu”. Trưa ấy, chúng tôi ngồi sôi nổi chuyện với ông chủ nhà Nguyễn Văn Khoa. Ông Khoa quê Phù Mỹ-Bình Định, từ năm 1966 đã thoát ly lên rừng theo du kích. Năm 1968, ông bị bắt đày ra Phú Quốc. Ông ở đấy đến năm 1973 thì được trao trả và lại tiếp tục vào lính Quân Giải phóng, đến 1975 thì ra quân vì bị thương. Về quê cưới một cô vợ cũng là thương binh, con một gia đình tập kết. Nhưng rồi khổ quá, đất đã xấu mà lại không đủ để làm, con cái nheo nhóc, vợ chồng ngặt nghèo. Năm 1977 ông đưa cả nhà “Chư Sê tiến”.

Lên Chư Sê (giờ là Chư Pưh), việc đầu tiên của hai vợ chồng là đi… làm thuê. Có thẻ thương binh ông được cấp 2.000 m2 đất. Vốn dân ham đất ông làm tí là xong, còn thời gian là đi làm thuê và… nghe ngóng. Đất ấy chưa đủ, ông thuê thêm nữa. Và cũng như mọi người, ông trồng đậu phụng, đậu xanh, mía… Thứ gì cũng tốt nhưng trồng nhiều quá chả có chỗ bán, mà mang ra ngoài thì không được vì ngăn sông cấm chợ. Ông Khoa đã từng ngồi trên đống đậu phụng, đậu xanh mà đói như thế…

Rồi ông đi Buôn Ma Thuột rước tiêu Đak Lak về Nhơn Hòa. Ban đầu chỉ dám trồng 100 trụ tiêu. Vợ chồng ông hì hụi vừa làm vừa nghiên cứu. Ngày ấy chưa có điện lưới. Để trồng được 100 trụ tiêu, vợ chồng ông đào cái giếng sâu 30 mét. Đêm đêm, khi mọi người yên giấc, hai vợ chồng hì hục quay nước tưới tiêu. Những vụ đầu, vợ chồng ông thu hái, rồi đạp bằng chân cho tiêu rụng hạt khỏi cuống. Làm mấy năm cực quá, ông lại… sáng kiến. Nhìn cái máy xạc đậu do ông làm từ hồi mới lên, qua thời cải tiến sang xạc bắp kiếm ăn cũng đã khẩm, nay hết thời, nó chỉ còn là một vật để ở nhà kho làm kỷ niệm mà tiếc. Ông manh nha việc làm máy xạc tiêu. Thế nhưng vỏ đậu phụng, hạt bắp là những thứ cứng. Đằng này hạt tiêu tươi lại mềm dễ bị nát hỏng. Mà giá tiêu lúc ấy vì hiếm nên quy ra gạo thì rất cao, 1 kg tiêu đổi ngang được 15 kg gạo. Lại còn khi ấy chỉ quen bán tiêu đen, nếu tiêu bị xây xát tróc vỏ coi như vứt. Ông thổ lộ ý định làm tiêu sọ với vợ. Mới nghe nửa câu, vợ ông đã giật nảy mình như của đã mất đến nơi. Không ngờ mày mò, đến khi làm thì kết quả trên cả tuyệt vời…

Cao điểm, có năm ông Khoa thu xấp xỉ chục tỷ đồng. Tôi không rành lắm chuyện tỷ chuyện triệu, chỉ biết rằng, ở vùng Chư Pưh này, như ông thì hiếm, chứ dưới ông một tý, thậm chí là nhiều tí, vẫn là tỷ phú, nhiều lắm...

Giờ hồ tiêu đang xuống, nhưng chắc chỉ là tạm thời, và giai đoạn huy hoàng của hồ tiêu vẫn còn hôi hổi đấy.

Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm