Một đời gắn bó với đàn t'rưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vốn rất yêu các làn điệu dân ca cũng như các loại nhạc cụ của dân tộc mình, già Siu Chi (72 tuổi, ở làng Gran, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) đã tự làm những chiếc đàn t'rưng phục vụ cho bà con dân làng biểu diễn văn nghệ.

 Già Siu Chi đang tạo âm cho ống đàn. Ảnh: P.L
Già Siu Chi đang tạo âm cho ống đàn. Ảnh: P.L

Trên đường đưa tôi đến nhà già Siu Chi, anh Nguyễn Việt Tuất-cán bộ Văn hóa xã Ia Hlốp không ngớt lời khen tài làm đàn của già. Dù số lượng đàn t'rưng già Chi làm ra không nhiều nhưng mỗi lần phục vụ biểu diễn hay đi thi văn nghệ cho làng, cho xã đều gây được ấn tượng đặc biệt và đem về giải cao. Những chiếc đàn t'rưng do già Chi làm cũng không để trong nhà của mình mà đều được tặng cho hoặc các gia đình trong làng mượn về trưng bày ở nhà của họ. Cứ khi đến dịp chuẩn bị cho hội thi nào đó, già Chi lại cẩn thận chặt lồ ô để làm một chiếc đàn mới.

Mời chúng tôi vào gian nhà nhỏ xinh dưới bóng cây sung già, già Chi nhẹ nhàng kể: “Từ ngày còn nhỏ xíu, thấy già Sang ở làng Á (xã Ia Hlốp) làm đàn t'rưng, tôi thích lắm. Sau này, tôi tưởng tượng lại rồi làm theo. Cũng chính già Sang là người dạy tôi biết đánh đàn t'rưng đấy”. Thế là, từ khi còn là cậu bé 6 tuổi, già Siu Chi đã được theo những người lớn tuổi đi biểu diễn ở khắp các làng, xã lân cận.

Mặc dù không được học qua trường lớp nào nhưng già Chi vẫn làm được những chiếc đàn t'rưng mang thang âm rất chuẩn. Sắp tới, làng Gran sẽ tham gia biểu diễn văn nghệ trong lễ khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao 2017 của xã Ia Hlốp. Vì vậy, già đã chọn những cây lồ ô không quá già cũng không quá non đem phơi khô rồi chặt thành từng thanh nhỏ có độ dài ngắn khác nhau để làm một chiếc đàn t'rưng mới. “Một chiếc đàn t'rưng thường có 12-16 thanh được sắp xếp từ cao xuống thấp. Những ống to và dài thường cho âm trầm, ống ngắn và nhỏ hơn sẽ cho âm cao. Điều khó nhất để định âm thanh cho từng ống của đàn t'rưng chính là việc vạt phần đuôi ống sao cho khéo léo để tạo được âm mong muốn. Lúc mới làm không quen nên lâu lắm, bây giờ tôi quen rồi, làm cũng nhanh thôi”. Nói rồi, già Chi lấy một thanh lồ ô và một con dao nhọn, ngồi tạo âm cho chúng tôi xem. Cứ vót phần đuôi một vài đường, già lại gõ gõ vào phần thân, đưa lên tai lắng nghe xem âm đã thật chuẩn chưa. Nếu chưa vừa ý, già Chi lại lặp đi lặp lại quy trình trên thêm vài lần nữa.

Người làm đàn t'rưng không chỉ cần có đôi tai thật tinh tường, thẩm âm thật tốt mà còn phải có trí nhớ giỏi để có thể liên kết sao cho thật hài hòa giữa các thanh của chiếc đàn. Phải thật sự có năng khiếu cộng thêm niềm đam mê, chịu khó học hỏi mới có thể làm được loại đàn truyền thống này. Vì vậy, cho đến tận bây giờ, già Chi cũng chỉ mới truyền được nghề cho ông sui gia của mình. Với lớp trẻ, già bảo, chúng không còn hứng thú và kiên nhẫn để ngồi tỉ mỉ vót chỉnh âm cho từng ống đàn nữa.

Anh Nguyễn Việt Tuất cho hay: “Từ trước tới nay, già Siu Chi rất nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ của làng, của xã. Không chỉ tự làm đàn t'rưng, già Chi còn tham gia biểu diễn hòa tấu nhạc cụ cùng với đội văn nghệ, nhiều lần góp phần đem lại những giải cao trong các cuộc thi cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Những đóng góp của già Chi rất đáng quý đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương”.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.