Kbang-Ký ức một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khó có thể tưởng tượng vùng đất Kbang trù phú, mến khách và níu chân người hôm nay lại từng là xứ mà cách đây hơn 40 năm chỉ toàn lau lách và những vạt rừng hoang vu, lạnh vắng rợn người…

Những ngày cuối tháng tư, tôi tìm và được gặp ông Trương Văn Nhuần-nguyên Bí thư Liên hiệp Lâm-Công nghiệp Kon Hà Nừng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kbang. Ông Nhuần từng nắm giữ vị trí chủ chốt trong đơn vị kinh tế đầu tiên của Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm khai phá vùng đất Kbang, rồi lại trở thành lãnh đạo địa phương, hiện đang lưu giữ những câu chuyện, tư liệu quý giá về vùng đất này thời “khai thiên lập địa”.

 

Một góc thị trấn Kbang tươi đẹp hôm nay. Ảnh: Đ.T
Một góc thị trấn Kbang tươi đẹp hôm nay. Ảnh: Đ.T

Đoàn 332-lớp“tiền nhân”

“Năm 1967, tôi tham gia trong đơn vị Pháo binh thuộc Đại đội 12, Sư 316, Quân khu Tây Bắc. Đến tháng 3-1968, đơn vị rút về Sơn La, sau đó được lệnh bổ sung cho chiến trường miền Nam vào Tiểu đoàn 17 Pháo binh, thuộc Quân khu 5. Sau Ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đơn vị được Quân khu giao cho nhiệm vụ làm kinh tế. Tháng 10-1976, đơn vị bắt đầu hành quân về Tân Tạo (thuộc An Khê cũ) và xây dựng Khu Kinh tế Kon Hà Nừng theo quyết định của Bộ Quốc phòng”-ông Nhuần bắt đầu câu chuyện.

Khu Kinh tế Kon Hà Nừng khi ấy bao gồm huyện An Khê (cũ), Mang Yang và Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Kbang chưa thành lập, vẫn thuộc huyện An Khê. Con đường đất độc đạo dẫn vào Kbang chỉ rộng 3-4 mét do địch dọn làm đường đưa pháo vào trận địa Ka Nak. Cả vùng lòng chảo rộng lớn nay là trung tâm thị trấn Kbang bấy giờ có chỉ 3 làng người Bahnar sinh sống: Nak, Kroi và Che Ré. “Rừng Kbang khi ấy còn hổ, voi, bò tót… Sáng sớm, anh em thi thoảng vẫn bắt gặp những vết chân hổ to bằng cái bát ăn cơm quanh khu nhà ở công nhân”-ông Nhuần kể lại.

Đoàn 332 được coi là đơn vị tiền thân, đặt nền móng cho Kbang hôm nay. Thành lập tháng 12-1976, không lâu sau đó, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Trung đoàn 576 và Trung đoàn 36 Bộ binh cùng một số đơn vị trực thuộc Đoàn 332 được điều đi chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Chiến tranh biên giới kết thúc, để phù hợp với yêu cầu mới, đơn vị bổ sung thêm lực lượng khoảng trên 1 vạn công nhân quốc phòng. Đây được coi là những năm tháng đầu tiên đơn vị tập trung dốc toàn lực bắt tay xây dựng kinh tế mới tại Kbang. Đoàn công nhân quốc phòng đi kinh tế mới khi ấy chỉ là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi từ khắp các vùng: Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… “Ở Tây Nguyên thời kỳ này có rất nhiều nơi tuyển người dân các vùng đi kinh tế mới, riêng Kbang chỉ có thể tuyển công nhân quốc phòng. Phải áp dụng chế độ quân đội với kỷ luật sắt mới mong có người ở lại. Nếu tuyển theo chế độ di dân dân sự chắc họ sẽ bỏ về hết…”-ông Nhuần ngậm ngùi lý giải. Có lẽ, chỉ ngần ấy cũng đã đủ hình dung về sự khắc nghiệt của Kbang những ngày sau giải phóng.

Đói, bệnh tật và thiếu thốn là những thách thức đối với tất cả mọi người trong giai đoạn này. Ăn thiếu chất, mặc thiếu ấm khiến cho người người đổ gục vì ốm sốt. Đứng trước hàng loạt khó khăn, Đoàn 332 quyết định phải bắt tay cải tạo hoàn cảnh. “Quân khu 5 phát động “Chiến dịch 30-4”, phát động tinh thần khai hoang tập trung tại các đơn vị kinh tế về khai hoang cánh đồng. Công nhân các đơn vị bắt tay khai hoang, sản xuất lúa, trồng bắp, khoai, mì… Chỉ sau một năm, vấn đề lương thực cơ bản đã được giải quyết”-ông Nhuần nhắc đến những “điểm sáng” đầu tiên dần hé sau chuỗi ngày khổ cực. Vùng đất Kbang khi ấy rất hợp với cây đậu xanh. “Đậu xanh trồng ở Kbang ví như lúa tháng 5 quê mình, cứ bời bời tốt, thu cả tấn/ha. Với thời bấy giờ ấy là kỳ tích!”-ông Nhuần xúc động kể lại.

Sau giải quyết vấn đề nan giải là lương thực thì đến chuyện hạ tầng. Đoàn 332 đã bắt tay nâng cấp con đường nối từ trung tâm huyện An Khê vào Kbang, rồi từ Kbang dẫn đi các xã. Xây dựng bệnh viện, trường học, các khu nhà ở, nhà làm việc cho công nhân… Cho đến nay, rất nhiều trụ sở các cơ quan hành chính của huyện Kbang được xây dựng trên nền của đơn vị trực thuộc của Đoàn 332 khi xưa…

Một thời ký ức chưa xa

 

Nhà làm việc của thành viên Ban Giám đốc Liên hiệp Lâm-Công nghiệp Kon Hà Nừng trước kia.                                                                               Ảnh: L.H
Nhà làm việc của thành viên Ban Giám đốc Liên hiệp Lâm-Công nghiệp Kon Hà Nừng trước kia. Ảnh: L.H

Có ai biết rằng, một vùng đất Kbang trù phú hôm nay đã từng là “đất chết” không chỉ bởi bom đạn chiến tranh. Câu chuyện của ông Nhuần đã cho tôi một hình dung khá rõ ràng về quá khứ cha anh nơi vùng đất này: Ngay trên mảnh đất đã thôi bom đạn, nhiều người vẫn ngã xuống cho cuộc sống nở hoa.

Kbang đã từng như thế! Những cái chết vì ốm đau, đặc biệt là sốt rét rừng, sốt rét ác tính luôn thường trực. “Đồng chí Thảo khi ấy là một kỹ sư vừa ngoài 30 tuổi, là Giám đốc Lâm trường 8. Vậy nhưng, cơn sốt rét rừng cũng đã quật cho anh phải nằm lại đất này ngay trong những ngày Kbang chưa thành hình hài… Đồng đội đưa anh ra đến bệnh viện Đoàn 332 thì đã không còn trụ được. Anh lên cơn co giật rồi ra đi trong sự hoang mang, tiếc thương của mọi người. Vợ con anh từ ngoài Bắc nghe tin vào không kịp, đơn vị đành lo thủ tục chôn cất. Nhiều năm sau, gia đình mới đưa được hài cốt anh trở về Bắc”-ông Nhuần mắt ngân ngấn nhắc về cái chết của người đồng đội. Giám đốc Thảo chỉ là một trong vô vàn tấm thân trẻ đã phải nằm xuống đất lạnh Kbang bởi sự khắc nghiệt của chốn rừng thiêng, của nỗi vất vả, thiếu thốn bộn bề.

Nào đã hết, chuyện giao thông đi lại thời bấy giờ tại Kbang cũng khốn khó vô cùng, để lại bao câu chuyện cười ra nước mắt. “Có chị đến kỳ sinh nở phải chuyển về bệnh viện mà trời mưa dữ quá, nước suối dâng ào ạt. Không thể không vượt qua bởi tính mạng con người là trên hết, anh em bèn nghĩ cách dùng chiếc nồi quân dụng, lấy dây thừng làm “cáp treo” thòng qua hai quai xoong và anh em bám dây, vượt dòng nước dữ đưa người sản phụ qua bờ bên kia. Khi đứa trẻ ấy ra đời mẹ tròn con vuông, cả đơn vị vỡ òa trong xúc động, nghẹn ngào…”-ông Nhuần kể lại.

…Còn nhiều, nhiều lắm nhưng câu chuyện sinh-tử nơi vùng đất này mà các nhân chứng gắn bó nơi đây còn lưu giữ. Đó là 40 năm dựng xây khởi đầu từ bàn tay của các chàng trai, cô gái năm xưa chỉ vừa mười tám đôi mươi; có lẽ, chả mấy chốc, thời gian rồi sẽ đem họ cùng những câu chuyện ấy về với đất. Cuộc sống hôm nay dù đã no ấm đủ đầy hơn nhưng quá khứ ấy vẫn ám ảnh tâm trí những con người một thời vượt cơn sóng dữ. Bởi vậy, những vần thơ của người lính Đoàn 332 Trương Văn Nhuần vẫn luôn ám ảnh: “Còn nhớ chăng ngày ấy ốm đau/Thuốc cũng thiếu, ta nằm trong yếu mệt/Hỏi cậu bé ngày xưa em có biết/Khi mẹ sinh mình/Phải ngồi trong nồi quân dụng vượt suối sâu/Ai vượt dòng đưa Mẹ em đi?/Chỗ đẻ ấy ở đâu bây giờ em còn nhớ?/… Khi dạo mát trên con đường phố/Đặt bàn chân lên thảm nhựa phẳng lì/Còn nhớ khi nhịn đói mở đường/Những buổi chiều sau trận mưa tuôn/Nước mênh mông, đường lầy lội/Cầu Đak Lốp người xe xuôi ngược/Còn nhớ không?/... Xin tất cả đừng quên đi quá khứ/Hãy xem quá khứ như một tấm gương trong/Soi trước, soi sau để nhận rõ mình”.

*
Tháng tư mưa về, cái nắng đất trời Kbang như dịu lại bởi màn hơi nước. Cây đâm chồi sau bao tháng ngày nắng héo. Những mái nhà nơi thung lũng Kbang đỏ tươi rực rỡ in hằn lên giữa khoảnh nền xanh cây cối, rặng núi bao quanh. Tất cả tạo nên một bức tranh tươi mới, giàu sức sống cho ta cảm nhận về sự sinh sôi, phát triển nơi vùng đất này.

40 năm, hành trình có đủ máu và hoa để làm nên vùng đất này.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm