Đổi thay ở Yang Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một thời, xã Yang Nam (huyện Kông Chro) được nhiều người nhắc đến với 2 chữ “gian nan” bởi nơi đây cái nghèo quanh năm đeo bám. Giờ đây, Yang Nam đã có những nỗ lực bứt phá vượt lên chính mình và là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Kông Chro.

Chuyện cái nghèo đeo bám…

Những ngày tháng 4, chúng tôi về thăm lại Kông Chro. Tuy đã có một vài cơn mưa trái mùa nhưng khí hậu ở đây vẫn nóng như đổ lửa. Từ thị trấn Kông Chro về xã Yang Nam trên cung đường hơn 10 km đã được bê tông hóa, xe chạy bon bon. Gần tới trung tâm xã Yang Nam, cái nóng càng hầm hập, không thấy có một chút gió thổi trên ngọn cây. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng không hiểu vì sao đã gần 12 giờ trưa mà người dân vẫn còn trên lưng chừng đồi chặt mía, thu hoạch bí đỏ. Nhưng không nỗ lực thì làm sao sống được nơi vùng đất nhiều nắng ít mưa, khí hậu khắc nghiệt thuộc loại bậc nhất khu vực phía Đông của tỉnh. Thiên nhiên không ưu đãi và một thời cây lúa rẫy đem lại nguồn thu nhập chính với nhiều hộ dân nên cái đói giáp hạt cứ triền miên khó tránh. Đã vậy, là một xã với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng Yang Nam còn phải “sống chung” với lệ tục uống rượu bất kể giờ giấc, bất kể đêm ngày. Đó là chưa kể một thời đường sá khó khăn, nông sản làm ra phập phù theo giá vụ mùa…

 

Một góc xã Yang Nam hôm nay.                           Ảnh: L.V.N
Một góc xã Yang Nam hôm nay. Ảnh: L.V.N

Anh Đinh Văn Đêi-Chủ tịch UBND xã Yang Nam là cán bộ trẻ của xã và cũng được mệnh danh là gương sản xuất giỏi với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Anh chia sẻ: “Toàn xã có 966 hộ/5.428 khẩu, trong đó 84% dân tộc Bahnar và Jrai. Chỉ 2 năm trở về trước thôi, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết trồng mía, bí đỏ mà chủ yếu trồng lúa và mì. Nhiều hộ gia đình thiếu ăn 4-6 tháng/năm. Nhiều đàn ông, thanh niên trong làng “mê” uống rượu hơn lao động”. Theo anh Đêi, buồn cũng uống, vui cũng uống; từ việc bé hay việc lớn, lễ hội to hay nhỏ đều phải có… rượu mới vui. Một số thanh niên trai trẻ uống rượu li bì bỏ cả công việc đồng áng cho phụ nữ, thậm chí lén vợ xúc gạo đi bán để có tiền đong rượu nên cái nghèo không đeo bám mới là chuyện lạ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Nam Đinh Văn Đa cho biết: Nhiều gia đình còn nặng nề với chuyện ma chay, cúng ốm. Ngoài việc đưa người thân đến cơ sở y tế để điều trị khi ốm đau, gia đình còn phải làm con gà, con heo, cúng vài ché rượu mới “trừ con ma” được! Kinh tế suy kiệt và cái vòng lẩn quẩn nghèo khó cứ đeo bám. Chồng chị Đinh Thị Chueng (làng Hlang 2) cũng vì nghiện rượu và lười lao động nên có hạt gạo cũng lén vợ đem bán lấy tiền mua rượu. Anh chết vì rượu vào năm 2015, để lại cho chị 7 miệng ăn. Cũng vì nghiện rượu và lười biếng lao động mà chị Đinh Thị Lênh cũng đành chia tay 2 đời chồng để một nách nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. “May nhờ có sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, các đoàn thể và Chương trình 167 của Chính phủ về xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, gia đình chị Chueng, gia đình chị Lênh và 25 hộ khác trên địa bàn xã Yang Nam đến nay mới cơ bản xóa được nhà dột nát”-Chủ tịch UBND xã Yang Nam Đinh Văn Đêi chia sẻ.

Vượt lên chính mình

 

Nhà chị Chueng ở làng Hlang 2, xã Yang Nam. Ảnh: L.V.N
Nhà chị Chueng ở làng Hlang 2, xã Yang Nam. Ảnh: L.V.N

Để giúp bà con phát triển sản xuất, lãnh đạo xã, huyện thường xuyên cắt cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách thức chuyển đổi cây trồng, cách chọn giống, bón phân sao cho phù hợp theo từng vụ mùa. Thông qua Chương trình 134, 135, 167, Chương trình vay vốn ưu đãi, Chương trình xây dựng nông thôn mới hoặc các chương trình, dự án mà Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro phụ trách... cán bộ “cầm tay chỉ việc” hoặc hướng dẫn “mắt thấy, tay làm” để giúp cho bà con phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình có diện tích đất lúa rẫy sản xuất không hiệu quả chuyển sang trồng bí đỏ, trồng đậu tương. Đối với gia đình có diện tích đất lớn thì hướng dẫn chuyển sang trồng mía đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Đến nay, toàn xã có 24 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu sản xuất giỏi, 8 hộ có thu nhập 350-400 triệu đồng”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Nam Đinh Văn Đa cho biết. Ông Đa còn kể vanh vách các hộ có thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm như: Ksor Naih (làng Pung), Đinh Klok (làng Rơng); nhiều hộ gia đình bắt đầu trồng mía đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Đinh Plêch (làng Rơng), Đinh Pế (làng Glang)…

Không những nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ gia đình cùng đồng lòng chung sức tham gia hiến đất để xây dựng đường làng, ngõ xóm, xây dựng trường học cho con em mình. Cụ thể như 4 hộ ở làng Rơng gồm: Đinh Aluch, Đinh Thị Byơnh, Đinh Bdet, Đinh Alưm hiến tổng cộng trên 21.704,26 m2 đất để xây Trường Tiểu học Nguyễn Nhạc và Trường THCS Trần Quang Diệu; gia đình chị Đinh Thị Lơi và Đinh Thị Pyênh hiến 1.500 m2 đất để xây Trạm Y tế xã. Ngoài ra, còn có 65 hộ khác hiến đất làm đường giao thông tại các làng; 25 hộ hiến đất làm sân thể thao... Nhờ đó, đường vào các thôn, làng đã được bê tông hóa, thuận lợi cho thương lái vào thu mua nông sản. Ông Đinh Aluch tâm sự: “Lúc đầu khi tôi gợi ý hiến đất xây trường, vợ tôi phản đối kịch liệt vì gia đình không khá giả gì và cũng cần đất sản xuất. Tôi bảo có trường để các cháu trong làng mình được đi học gần và không còn chuyện bỏ học. Hơn nữa, lũ trẻ có cái chữ sau này về giúp bà con xóa cái đói, giảm cái nghèo. Ấy thế, vợ tôi mới đồng ý!”.

Tuy chưa xóa hết hộ nghèo như mong ước của chính Chủ tịch UBND xã Yang Nam Đinh Văn Đêi nhưng Yang Nam hôm nay đã đổi thay. Một sự thay đổi đúng nghĩa không còn với cái tên gọi “gian nan” thuở nào. Chia tay Yang Nam trong cái nắm tay thật chặt với Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Đêi, chúng tôi càng hiểu thêm một niềm tin quyết tâm ở tương lai.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm