Cha mẹ mưu sinh xa nhà: Nỗi lòng con trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuổi thơ vừa chớm nhưng nhiều em nhỏ đã phải sống xa cha mẹ bởi họ phải bươn chải với cuộc mưu sinh xa nhà. Mọi sinh hoạt thường ngày và việc học tập của các em đều trông chờ vào sự giúp đỡ của ông bà hay họ hàng. Sớm thiếu vắng tình thương yêu và sự chăm sóc của cha mẹ nên trong lòng con trẻ luôn chất chứa những nỗi niềm riêng.

Khi mẹ vắng nhà

Bất kể nắng hay mưa, ông Ngô Văn Hiền (SN 1957, tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đều tất bật chạy xe máy ngày 3 lần đưa đón 2 cháu gái: Lưu Gia Trang (lớp 6A, Trường THCS Hùng Vương) và Lưu Gia Linh (lớp 4, Trường Tiểu học Kim Đồng) đi học. Nhà cách trường không quá xa, nhưng ngại đường thị trấn xe cộ đông đúc, thương cháu, ông Hiền cứ một mực đưa đón. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, ông Hiền chia sẻ: “Bố các cháu mất cách đây 4 năm vì tai nạn, mẹ các cháu sau một thời gian đi làm thuê làm mướn một số chỗ thì quyết định vay mượn tiền đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản từ tháng 10 năm ngoái. Thương cháu, hết lòng vì cháu nhưng mình làm sao thay được mẹ nó.  Ông bà ngoại cũng đã già, đôi khi không theo kịp sự phát triển của các cháu. May mà 2 đứa đều ngoan, năm nào cũng đạt thành tích học sinh khá, giỏi”.

 

Mẹ đi xuất khẩu lao động, việc học tập của hai chị em Gia Trang và Gia Linh trông cậy vào ông ngoại Ngô Văn Hiền. Ảnh: T.B
Mẹ đi xuất khẩu lao động, việc học tập của hai chị em Gia Trang và Gia Linh trông cậy vào ông ngoại Ngô Văn Hiền. Ảnh: T.B

Cách đây 5 năm, bố mẹ của em Ksor Khên (SN 2004) và Ksor Ner (SN 2007) ly hôn, tòa quyết định cho 2 anh em ở với mẹ là chị Djui ở làng Veh (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa). Thời gian đầu, thỉnh thoảng người bố có ghé thăm các con, nhưng từ khi bố cưới vợ mới, 2 anh em chẳng thấy ông đến nữa. Cuộc sống quá khó khăn, chị Djui để con cho bà ngoại và dì chăm sóc rồi đi làm thuê ở các huyện xa, có khi sang tận Đak Lak. Khoảng 3 tháng một lần, chị Djui lại về thăm con và sau đó tiếp tục những ngày xa cách. Do bà ngoại già yếu, người dì cũng phải lo cho cuộc sống và chăm sóc con nhỏ nên ít có thời gian quan tâm đến việc học hành của các cháu; vì vậy, việc học tập của các cháu cũng sa sút, đặc biệt Ksor Khên đã học lại đến 2 năm lớp 5 Trường Tiểu học Hà Bầu. “Mình cũng thương con lắm, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên mới phải xa con”-chị Djui ngậm ngùi chia sẻ khi nhận được cuộc gọi thông báo tình hình học tập của các con từ người dì.

Cũng do cuộc sống và công việc bận rộn, điều kiện nhà ở khó khăn khi làm công nhân ở tận Khu Công nghiệp Bình Dương nên vợ chồng chị Thảo Phương chọn giải pháp gửi con về quê cho bà ngoại Lương Thị Tuyết (SN 1960, thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) nhờ chăm sóc giúp khi mới được hơn 1 tuổi.  Hai bà cháu quấn quýt bên nhau từ sáng đến tối, thời gian bé Đỗ Ngọc Anh đi học, bà Tuyết chăm sóc 1 ha vườn cây của gia đình. Nuôi cháu từ khi còn nhỏ, nhìn cháu chạy giỡn, vui cười, bà Tuyết lại quên hết mệt nhọc. Tuy vất vả là vậy nhưng bà luôn quan tâm đến chuyện học của cháu, bà dạy cháu viết từng chữ cái, chỉ từng phép toán cộng trừ và kiểm tra bài vở trên lớp bằng cách xem điểm số học tập của cháu. “Biết rằng con cái cần được sống chung với bố mẹ, nhưng vì mưu sinh, mình chịu khó chăm sóc rồi động viên cháu cố gắng học hành để có tương lai về sau”-bà Tuyết tâm sự.

Nỗi lòng con trẻ

Với mỗi đứa trẻ, có lẽ điều quan trọng nhất chúng cần chính là tình thương yêu của mẹ cha. Như trường hợp của hai anh em Ksor Khên và Ksor Ner. Để bù đắp cho các con, mỗi tháng chị Djui đều gửi về cho người dì 1-2 triệu đồng để lo bữa ăn cho các con; mỗi lần về thăm con chị Djui cũng mua xe đạp và áo quần mới để các con được chăm lo đầy đủ về vật chất. Vậy nhưng, mơ ước bình dị nhất của hai em là được gần mẹ. “Mẹ cháu hay gọi điện về và dặn hai anh em cố gắng học tập và nghe lời dì. Nếu ngoan thì mẹ sẽ về thăm thường xuyên hơn, nhưng cháu vẫn muốn mẹ ở nhà mãi, đưa đón cháu đi học”-em Ksor Khên buồn buồn cho biết.

6 năm qua, bé Đỗ Ngọc Anh lớn lên trong sự dạy dỗ, bao bọc của bà ngoại. Sự lo lắng, quan tâm của bà ngoại giúp Ngọc Anh cố gắng hơn trong học tập, năm lớp 1 vừa rồi em đạt thành tích học sinh giỏi. Như lời bà Tuyết chia sẻ thì vợ chồng chị Phương thương con lắm nhưng rồi cũng phải chấp nhận để con lại cho bà nuôi dưỡng, bởi nếu đưa con vào cùng, nhà trọ chật chội, chị Phương lại đang nuôi 2 con nhỏ nên sẽ khá chật vật. Đến hè, bé Ngọc Anh lại vào Bình Dương ở với bố mẹ một tháng rồi trở về đi học. Khi được hỏi có muốn gặp bố mẹ không, bé Ngọc Anh hồn nhiên trả lời: “Ngày nào cháu cũng được bà cho gặp mẹ qua điện thoại nhưng cháu nhớ mẹ lắm, muốn được chơi với 2 em. Nhưng phải đến tận hè cháu mới được vào thăm”.

Dẫu ông bà luôn yêu thương cháu hết mực, nhất là khi những đứa cháu của mình phải sớm sống xa cha mẹ, thế nhưng vì cuộc mưu sinh nên những ông bố bà mẹ đành phải rời xa tổ ấm và những đứa trẻ lại đau đáu ngóng chờ bố mẹ về thăm. Xa cách về địa lý, không được ở gần con như những gia đình khác nhưng mẹ của 2 em Gia Trang và Gia Linh vẫn thường xuyên gọi video từ Facebook để hỏi thăm tình hình sức khỏe và học tập của con. Do đã quen với cảnh xa mẹ, nên 2 chị em đều có thói quen tự lập. Nhưng trong ánh mắt của các em luôn ẩn chứa một nỗi nhớ mong. Bé Gia Trang chia sẻ: “Hai chị em con đều rất nhớ mẹ, thấy mấy bạn cùng lớp được bố mẹ dẫn đi mua sắm, đi chơi vào những ngày lễ nhiều khi cũng tủi thân lắm. Nhưng mỗi lần gọi video cho mẹ, thấy mẹ đi làm về mệt, nhớ mẹ nên tụi con không nhắc nhiều, cố nén nỗi nhớ trong lòng để mẹ yên tâm làm việc”.

Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm