Xây dựng huyện Phú Thiện phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 10 năm kiến thiết và xây dựng, Đảng bộ và nhân dân huyện Phú Thiện luôn đoàn kết, vượt lên gian khó, huy động các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng thế mạnh đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng huyện ổn định và phát triển toàn diện.

Những kết quả nổi bật    

Huyện Phú Thiện được thành lập ngày 26-4-2007 theo Nghị định số 50/2007/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở chia tách từ huyện Ayun Pa. Bám sát định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đến nay, huyện Phú Thiện đã đạt được những thành tựu nổi bật, làm thay đổi cơ bản diện mạo của huyện.

 
Đỗ Ngọc Thành-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
Đỗ Ngọc Thành-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện

Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá và đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.854,32 tỷ đồng (tăng 12,8% và gấp 3 lần so với năm 2007), tăng trưởng bình quân 12,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 55,72%, công nghiệp-xây dựng 16,96% và thương mại dịch vụ chiếm 27,32%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn năm 2016 ước đạt 220,746 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2007.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm thực hiện và tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 43 trường ở 4 bậc học với 18.316 học sinh, tăng 12 trường so với năm 2007, có 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nhất là các đối tượng thuộc diện chính sách và người nghèo được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%; có 4 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trung tâm Y tế huyện được đưa vào sử dụng năm 2009 với 30 giường bệnh, đến nay đã đạt 65 giường bệnh và có 9/9 Trạm Y tế xã có bác sĩ nên đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám-chữa bệnh cho nhân dân. Việc thực hiện các chính sách xã hội được đặc biệt quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2016 chỉ còn 21,17% (theo tiêu chí đa chiều). Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt và đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua 10 năm, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 1.229 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ huyện từ 968 lên 2.242 đảng viên sinh hoạt ở 38 tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện; xóa hết thôn, làng trắng đảng viên...

Định hướng cho tương lai   

 

Nông dân vào mùa thu hoạch.      Ảnh: Đức Thụy
Nông dân vào mùa thu hoạch. Ảnh: Đức Thụy

Những kết quả đã đạt được qua 10 năm thành lập huyện là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng huyện Phú Thiện phát triển bền vững. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội với phương châm “Hạ tầng đi trước, kinh tế đi sau”. Huyện tiếp tục rà soát lại toàn bộ quy hoạch tổng thể để xác định rõ từng công trình hạ tầng, cấp đầu tư; đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, giáo dục, y tế. Từng bước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng.

Hai là, xác định rõ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, trong đó, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện là khâu đột phá. Phấn đấu đến cuối năm 2020, có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng và nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn một giống” đối với cây lúa, “cánh đồng lớn” đối với cây mía và “cánh đồng rau sạch” gắn với việc xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để thực sự là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và khuyến khích các mô hình chăn nuôi bò, heo theo hướng trang trại, gia trại; đa dạng vật nuôi theo nhu cầu của thị trường; tạo ra thực phẩm sạch, an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất, xúc tiến thương mại tạo tiền đề để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện, trước hết là thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Ba là, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện theo hướng văn minh, hiện đại với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ và phương thức kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống của nhân dân. Xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án siêu thị tổng hợp tại trung tâm huyện; nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để kết nối với các địa điểm du lịch trong tỉnh nhằm phát huy tối đa giá trị của lòng hồ Ayun Hạ, di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi và các lễ hội truyền thống giàu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và thực hiện tốt các chính sách xã hội. Tiếp tục xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các mức độ, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, từng bước thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng trong huyện. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chủ động phòng-chống dịch bệnh. Chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch các chế độ, chính sách cho các đối tượng theo quy định.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó chú trọng thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và tiến tới là “một cửa liên thông hiện đại”, đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ cải cách hành chính.

Sáu là, phấn đấu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ của huyện cơ bản vững chắc trong tình hình mới; nắm chắc tình hình, vô hiệu hóa mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong hoặc đối tượng cơ hội chính trị; nòng cốt là đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhất là ở những địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự.

Bảy là, thường xuyên coi trọng xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng-chính trị phải nhằm nâng cao nhận thức và hành động, xây dựng và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên và nâng cao tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, tư tưởng và hành vi cơ hội gắn với tổ chức thực hiện có hiệu quả việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt ở các chi bộ Đảng; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp; phát huy tối đa vai trò của Mặt trận và các đoàn thể vào sự nghiệp phát triển chung của huyện.

 Đỗ Ngọc Thành
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện

Có thể bạn quan tâm