Vững từ cội rễ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi lệ làng còn nghiêm, tiếng nói của già làng có trọng lượng và thế hệ trẻ ý thức rõ trách nhiệm với cộng đồng, thì ngôi làng đó sẽ quy củ, ngăn nắp từ trong ra ngoài. Làng Dung Rơ (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đã cho chúng tôi ấn tượng sâu đậm như vậy từ những câu chuyện góp nhặt được.  

Thú thực, chúng tôi chưa từng đến một xã vùng III nào mà đường đi lại thuận lợi, dễ dàng như Kon Gang. Các ngôi làng nằm lọt giữa những dãy núi cao bao quanh. Đường vào 8 ngôi làng đều thông suốt. Từ trung tâm xã vào làng Dung Rơ, qua một đập tràn được bê tông phẳng lỳ, anh Nguyễn Văn Thành-Bí thư Đoàn xã Kon Gang cho hay: “Nếu không có sức trẻ của làng Dung Rơ và người dân trong làng thì sẽ không có đập tràn này”.

 
  Đập tràn-công trình ghi dấu sức người, sức của của tuổi trẻ làng Dung Rơ và người dân trong làng.          Ảnh: H.N
Đập tràn-công trình ghi dấu sức người, sức của của tuổi trẻ làng Dung Rơ và người dân trong làng. Ảnh: H.N

Từ câu chuyện của thanh niên

“Thông thường, làng phải hỗ trợ thanh niên nhưng ở đây ngược lại, thanh niên hỗ trợ làng rất nhiều việc”-anh Thành nói khi đưa chúng tôi đến nhà Hâng-Bí thư chi đoàn làng Dung Rơ. Hâng sinh năm 1995, khá trẻ và điềm đạm. Dù mới được bầu làm “thủ lĩnh” thanh niên của làng nhưng Hâng nắm bắt tường tận khá nhiều hoạt động từ trước đó. Anh cho biết: Từ trước tới nay, hễ làng có việc cần tới sức trẻ và tiền bạc, thanh niên đều sẵn sàng. Đó là truyền thống của tuổi trẻ Dung Rơ qua các thế hệ vẫn được duy trì, phát huy. Hâng kể: “Trước đây, làng cho thanh niên mượn 3 sào đất để trồng mì gây quỹ. Mặc dù đất ở khá xa, lại sát chân núi, khu vực giáp ranh với xã Nam Yang nhưng thanh niên đều tích cực đi làm. Chi đoàn còn thường xuyên nhận thêm các rẫy mì của người dân để làm cỏ, thu hoạch… Nhờ vậy, có thời điểm, nguồn quỹ Đoàn lên tới 70-80 triệu đồng mỗi năm. Từ nguồn quỹ Đoàn, thanh niên đã góp với làng mua một bộ khung rạp trị giá hơn 40 triệu đồng để sử dụng khi làng có việc. Hồi tách một số hộ về làng mới,  có 1 km đường từ làng cũ sang làng mới đi lại rất khó khăn, thanh niên đã góp 20 triệu đồng để làm đường bê tông theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Chưa hết, năm 2010, làng Dung Rơ còn đóng góp 45 triệu đồng cùng hàng ngàn ngày công của tuổi trẻ làm đập tràn nối từ làng Dung Rơ qua làng Klot để về trung tâm xã. Bí thư chi đoàn làng Dung Rơ kể: “Hồi đó, đập tràn chỉ vừa cho một chiếc xe độ chế đi qua. Mỗi khi mưa xuống, trẻ con phải nghỉ học, còn người lớn không thể đi đâu vì đập tràn bị nhấn chìm hoàn toàn. Làng đã quyên góp tiền từng hộ, mua đất hai bên sườn đập để mở rộng thêm. Thanh niên ngoài góp tiền thì góp ngày công để hoàn thành công trình”.

Không chỉ tổ chức các hoạt động trong Tháng Thanh niên, Hâng cho biết, bất cứ việc gì làng cần tới, thanh niên đều có mặt, việc gì làng đã giao cho thanh niên thì cứ vậy mà làm. “Chẳng hạn như đầu tháng 4 hàng năm là vệ sinh  giọt nước ở cả làng cũ và làng mới. Việc này làng đã giao hẳn cho thanh niên nhiều năm nay. Rồi việc giúp đỡ các gia đình khó khăn, sửa chữa nhà cửa cho người neo đơn… đều là việc của thanh niên. Lệ làng nghiêm lắm, thanh niên không ai dám trái lời. Cũng vì vậy mà ở làng Dung Rơ hiếm khi xảy ra trộm cắp, gây rối”-Hâng nói.

Lệ làng còn nghiêm

“Ở làng Dung Rơ, hễ trộm một con gà sẽ bị phạt 1 triệu đồng, kiểm điểm trước làng và lao động công ích bao nhiêu buổi tùy vào sự quyết định của hội đồng già làng. Ăn cắp ăn trộm là một trong những thói xấu bị làng xử rất nghiêm”-Hâng cho biết. Có lẽ vì lệ làng còn nghiêm, tiếng nói của già có trọng lượng nên không chỉ đám trẻ mà người dân sống rất có quy củ, chuẩn mực.

Ông Diêm-Trưởng thôn Dung Rơ cho biết: Vài năm nay, mỗi năm chỉ xảy ra một vụ trộm hoặc gây mất trật tự nhưng khiến làng rất “đau đầu”. Trưởng thôn kể: “Năm ngoái xảy ra vụ mất trộm 50 ký cà phê. Làng lập tức tìm ra thủ phạm là một người nghèo khó trong làng. Nhưng nghèo cũng không được trộm cắp, vẫn phải xử nghiêm. Làng thành lập hội đồng già làng, người uy tín, trưởng thôn và toàn thể dân làng. Vụ việc này làng phải xử phạt 2 lần để người đó sợ mà chừa tới già, nếu không sẽ tiếp tục tái phạm rồi lây lan. Vừa rồi, làng xử vụ mấy đứa trẻ đập cửa kính ở điểm trường Dung Rơ. Mấy đứa còn nhỏ quá, thiếu suy nghĩ, nhưng làng vẫn phải xử phạt bố mẹ chúng thật nghiêm để họ giáo dục con cái”.

Còn nhiều câu chuyện thú vị về ngôi làng Bahnar giữa thung lũng Kon Gang này. Tất cả cho thấy làng như một lá chắn vững chãi cho từng số phận nhỏ bé bên trong, tạo ra khối đoàn kết không thể chia rẽ. Sự đoàn kết ấy đã tạo ra một cộng đồng giàu mạnh.

 Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm