Nữ Trưởng trạm Y tế hết lòng vì người dân vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 15 năm công tác ở các xã vùng sâu của huyện Ia Pa, chị Trần Nguyễn Điệp Thùy Trang (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chư Răng) không chỉ được người dân yêu mến mà còn được đồng nghiệp nể phục bởi tinh thần ham học hỏi và ý chí vươn lên.

  Chị Trần Nguyễn Điệp Thùy Trang đang khám bệnh.       Ảnh. Đ.Y
Chị Trần Nguyễn Điệp Thùy Trang đang khám bệnh. Ảnh. Đ.Y

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nữ hộ sinh, tháng 10-2002, chị Trang về công tác tại Trạm Y tế xã Ia Broăi. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ còn biết bao bỡ ngỡ, song với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, chị đã không quản ngại khó khăn, bám sát cơ sở, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước, tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Đến năm 2007, chị được điều động về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chư Răng. Ngay sau đó, để nâng cao trình độ, nghiệp vụ, chị đăng ký theo học khóa cử nhân y tế cộng đồng tại Trường Đại học Tây Nguyên.

Là Trạm trưởng Trạm Y tế của một xã đặc biệt khó khăn như Chư Răng, ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho nhân dân tại trạm, chị Trang còn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, xây dựng các công trình vệ sinh, nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước đảm bảo theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, chị Trang còn tích cực tham gia tuyên truyền về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, tư vấn cho các bà mẹ mang thai kiến thức về phòng-chống suy dinh dưỡng, chăm sóc trẻ nhỏ. Nhờ vậy đến nay, trong giai đoạn thai kỳ, mỗi chị em được khám thai ít nhất 3 lần và tiêm uốn ván đạt trên 90%.Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm đủ miễn dịch cơ bản tại địa phương đạt kết quả cao và không có trường hợp nào bị phản ứng với thuốc.

Nhớ lại những năm tháng làm nữ hộ sinh, chị Trang cho biết đã trực tiếp đỡ đẻ cho hàng trăm ca mẹ tròn con vuông. “Thời gian ấy, mỗi ca đỡ thành công, nghe tiếng trẻ khóc chào đời không chỉ bố mẹ đứa bé vui mà trong tôi luôn trào dâng một niềm hạnh phúc khó nói thành lời”-chị Trang tâm sự.

Và cho đến bây giờ, chị vẫn nhớ như in một sản phụ ở thôn Bình Hòa (xã Chư Răng) sinh con khi tuổi đã cao. “Sản phụ đó không chỉ sinh con khi tuổi đã lớn mà còn có tiền sử băng huyết nữa. Khi sản phụ chuyển dạ, tôi khuyên gia đình nên chuyển viện để ca sinh được an toàn nhưng gia đình cứ khăng khăng là cho sinh tại trạm. Khi sản phụ có triệu chứng băng huyết, tôi xử lý bằng cách tiêm thuốc xi-to-cin, đồng thời trấn an gia đình, rất may sản phụ dần hồi phục”-chị Trang nhớ lại.

Với chuyên môn vững, thái độ làm việc nghiêm túc, hòa nhã, chị Trang luôn được người dân, đồng nghiệp yêu mến. Nữ y sĩ Nguyễn Thị Hồng, đồng nghiệp làm cùng chị Trang từ năm 2013, chia sẻ: “Trong công việc, chị Trang làm rất nhanh và chính xác. Hơn nữa, chị còn là người rất nhiệt tình với nhân viên, riêng với bệnh nhân thì dù đêm hay ngày chị luôn tận tình, chu đáo”.

Còn ông Nguyễn Trung Thân-Bí thư chi bộ thôn Bình Trung, nơi chị Trang đang sinh hoạt Đảng, cho biết: Công tác cách xa nhà hơn 20 km và đặc thù là chi bộ nông thôn thông thường tổ chức sinh hoạt vào chiều muộn nhưng đồng chí Trang luôn nêu cao tinh thần tự giác, tham gia sinh hoạt thường xuyên. Năm 2016, chi bộ thống nhất đề nghị cấp trên khen thưởng đồng chí Trang là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với sự hết lòng vì công việc, 15 năm qua, chị Trang đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý của ngành, của địa phương như: chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến cấp huyện, tỉnh. Năm 2016, Trạm Y tế xã Chư Răng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, góp phần để địa phương hoàn thành tiêu chí y tế về xây dựng nông thôn mới, trong đó có một phần công sức không nhỏ của chị Trang.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.