Nơi nâng tầm những cây bút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017, vừa tròn 40 năm kể từ ngày tôi vào làm việc tại Báo Gia Lai-Kon Tum, nay là Báo Gia Lai. Sau này, dù đi đâu, ở đâu, làm công tác gì, tôi vẫn coi Báo Gia Lai là nơi đào tạo, nâng đỡ, tạo môi trường thuận lợi giúp tôi trưởng thành.

 Nhiều cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai được cử đi tác nghiệp tại huyện đảo Trường Sa.  Ảnh: P.V
Nhiều cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai được cử đi tác nghiệp tại huyện đảo Trường Sa. Ảnh: P.V

Ngày ấy, tôi từ Hà Nam Ninh vào mang theo giấy giới thiệu của Ban Biên tập Báo Hà Nam Ninh do nhà báo Trần Xưởng-Phó Tổng Biên tập ký và bức thư của nhà báo Đỗ Quang Đán có đôi lời giới thiệu về tôi, gửi nhà báo Trần Liễm, Thường trực Ban Biên tập Báo Gia Lai-Kon Tum. Ngoài 2 tờ giấy đó ra, tôi còn mang theo một tập tin, bài của tôi đăng trên các báo để Ban Biên tập tham khảo. Sau khi đọc qua tập báo, anh Trần Liễm vui vẻ bảo: “Mình sẽ báo cáo Ban Biên tập. Hãy về làm hồ sơ mang đến đây. Nhanh lên nhé”. Sau khi làm xong các thủ tục luân chuyển, tiếp nhận, tôi được phân công về Tổ Phóng viên. Trụ sở cơ quan lúc bấy giờ ở 33 Hùng Vương, giáp với trụ sở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Trước khi tôi về, tập thể cơ quan có nhà báo Nguyễn Khắc Quán-Phó Tổng Biên tập; nhà báo Trần Liễm-Thư ký Tòa soạn; các anh, các chị: Nguyễn Văn Điệt, Phạm Thị Minh Hương, Nguyễn Tử Dược, Đường Trung Tính, Trần Thị Hồng Thanh, Nguyễn Tấn Đức (phóng viên viết), Lý Vĩnh Hoa, Nguyễn Đức Thanh (phóng viên ảnh) và sau một thời gian ngắn thêm anh Lê Hoàng Trung (phóng viên viết). Qua tìm hiểu, tôi biết các anh chị về đây từ nhiều nguồn, nhiều vùng quê khác nhau. Ngoài chị Phạm Thị Minh Hương, tốt nghiệp lớp Đại học Báo chí khóa I Trường Tuyên huấn Trung ương, một số người khác là bộ đội chuyển từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sang hoặc là con em cán bộ, nhân dân được tuyển vào làm việc.

Được ở trong môi trường phù hợp, tôi làm việc say sưa, không biết mệt. Hàng tuần, vào sáng thứ hai, sau khi họp cơ quan nhận kế hoạch phân công của Ban Biên tập, tôi lập tức đi cơ sở thâm nhập thực tế tìm chọn các sự kiện, vấn đề để viết. Tôi đam mê nghề nghiệp nhưng do tính xốc nổi, thiếu chín chắn nên có lúc chưa thể hiện rõ chủ đề tư tưởng, tác dụng còn hạn chế. Thậm chí có khi tôi đi một mạch 2 tuần liền ở vùng biên giới mới về cơ quan mà không hề báo cáo Ban Biên tập. Tưởng như vậy sẽ bị kỷ luật nặng nhưng anh Trần Liễm chỉ gọi lên nhắc lại quy chế làm việc của cơ quan, đồng thời hỏi tôi khi đi cơ sở đã nắm được những gì, tài liệu ghi có chắc chắn không và thông cảm với tôi vì đi xa phải phụ thuộc vào phương tiện vận tải của Bộ đội Biên phòng. Với lại hồi đó không có điện thoại di động như bây giờ, tất cả dùng điện thoại để bàn hoặc truyền tín hiệu gõ nhịp tạch tè, rất khó khăn. Mỗi khi biên tập tin, bài của tôi, anh Trần Liễm đều chỉ ra những điểm yếu và sai sót để tôi sửa chữa. Anh bảo: “Người làm báo có trái tim nóng nhưng rất cần có cái đầu lạnh. Thiềng có trái tim nóng rồi là tốt, vì có trái tim nóng mới có niềm đam mê, đi nhiều, viết nhiều. Không chỉ Ban Biên tập mà bạn đọc cũng rất cần ở Thiềng tính thận trọng, trung thực khi trình bày tác phẩm của mình. Muốn đảm bảo tính trung thực trước hết phải thận trọng, viết vì ai, cho ai, tác dụng của tác phẩm báo chí thế nào”. Anh Trần Liễm khuyến khích tôi bám sát kế hoạch tuyên truyền của cơ quan nhưng cũng phải chú ý phát hiện những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở. Cứ sau mỗi lần như vậy, tôi như trái cây non xanh từng bước già dặn và chín chắn nhiều, tin bài của tôi ít sửa chữa hơn, nội dung hay hơn và sâu hơn. Tôi ham đi, ham viết, viết nhanh, viết khỏe, xa mấy cũng đi, khó mấy cũng nhận, đủ loại đề tài kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đủ thể loại, đã viết là viết một mạch cho đến khi đặt dấu chấm hết mới thôi. Vì có khả năng như vậy nên có thời gian Ban Biên tập cử tôi làm phóng viên cơ động chuyên đi “chữa cháy”. Có lần vào đầu giờ chiều, Ban Biên tập giao cho tôi phải đi cơ sở nắm tình hình viết bài về đề tài giữ gìn an ninh trật tự với yêu cầu sáng hôm sau phải nộp để biên tập và lên ma két. Tôi lập tức đi ngay trong khi túi không còn đồng nào. Tôi khoác túi chạy ra bến xe gặp bác tài to nhỏ trình bày và nói rõ thực trạng của mình, bác tài liền vui vẻ mời lên xe, ngồi ngay bên cạnh chạy lên thị xã Kon Tum, đã thế còn hẹn giờ sáng mai cùng về sớm. Tôi chân què chân quéo, đến thẳng cơ quan Công an phường Thắng lợi gặp Trung úy Nguyễn Xuân Lang-Trưởng Công an phường (sau này là Đại tá, Giám đốc Trại giam tỉnh Kon Tum), hai anh em làm việc từ cuối giờ chiều đến tối. Sau khi ăn bữa tối do Trung úy Nguyễn Xuân Lang mời, tôi mượn bàn làm việc viết bài, cứ viết xong một đoạn lại đọc cho người cung cấp thông tin nghe xem chỗ nào chưa chính xác thì sửa ngay. Viết xong, đọc lại, Trung úy Nguyễn Xuân Lang vui vẻ thốt lên: “Bác viết nhanh và hay quá!”. Sáng sớm hôm sau, y hẹn, tôi ra Bến xe Kon Tum gặp bác tài, vẫn chỗ ngồi hôm trước, chỉ hơn một giờ xe chạy trên quốc lộ 14, tôi về đến cơ quan nộp bài cho Ban Biên tập vào đúng đầu giờ làm việc,

 

   Cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm trong chuyến tác nghiệp tại Campuchia năm 2010. Ảnh: P.V
Cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm trong chuyến tác nghiệp tại Campuchia năm 2010. Ảnh: P.V

Làm việc ở Báo Gia Lai-Kon Tum, trái tim tôi luôn có ngọn lửa thắp sáng, đó là niềm đam mê nghề nghiệp. Sau này, các phóng sự, bút ký, ký chân dung của tôi đăng trên báo được tập hợp thành sách. Tôi không ngờ các tác phẩm báo chí của tôi không chỉ có giá trị thông tin thời sự mà còn có giá trị thẩm mỹ và các giá trị khác của văn học. Thông qua các tác phẩm đó, sau này tôi được xét chọn, kết nạp, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Về bản thân, tuy có bước trưởng thành, nhưng trong cơ quan Báo Gia Lai, tôi chỉ là cây bút bình thường so với nhiều cây bút gạo cội khác đã và đang làm việc tại đây. Báo Gia Lai-Kon Tum trước kia và bây giờ là Báo Gia Lai vẫn là tờ báo đáng đọc, đáng học tập, có vị trí xứng đáng không chỉ trong tỉnh, trong khu vực mà còn trong cả nước. Điểm mạnh của tờ báo là biết dùng người, coi trọng chất lượng, đúng định hướng, đúng tôn chỉ mục đích, đảm bảo cái mới, cái hay, cái thật, cái đúng, cái trúng, được Đảng mến, dân tin.

Lê Văn Thiềng

Có thể bạn quan tâm