Nguyễn Ngọc Bảo-đam mê tạo nên thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Uy tín, chất lượng và chuyên nghiệp, đó là chiến lược kinh doanh đã làm nên thương hiệu của Công ty TNHH một thành viên Truyền thông-Sự kiện Gia Lai mà Giám đốc là một chàng trai còn rất trẻ, sinh năm 1984-Nguyễn Ngọc Bảo.

Nhiều người đi trước trong phong trào khởi nghiệp đều khẳng định: Vốn không phải là yếu tố quyết định, mà quan trọng hơn cả là ý tưởng. Và điều này cũng rất đúng trong câu chuyện khởi nghiệp của Nguyễn Ngọc Bảo.

 

Nguyễn Ngọc Bảo trong một chương trình tổ chức sự kiện. Ảnh: H.Đ.T
Nguyễn Ngọc Bảo trong một chương trình tổ chức sự kiện. Ảnh: H.Đ.T

“Cái khó ló cái khôn”

Bảo cho biết, năm 2002, sau khi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương, bạn trẻ này thi vào Khoa Toán-Tin, Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, Bảo không về Gia Lai mà ở lại TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm và thử sức ở một môi trường không liên quan gì đến ngành nghề học tập: Công ty Môi trường xanh TP. Hồ Chí Minh, chuyên về xử lý môi trường. Sau một thời gian làm tại thành phố đầy sôi động này, năm 2007 anh quyết định nghỉ việc về lại Gia Lai.

Tuy nhiên, khi về lại Gia Lai Bảo vẫn chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Sau một thời gian “lông bông”, nhân sự kiện Gia Lai tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế (năm 2009), anh bèn đến tham dự. Vốn thích âm thanh, ánh sáng, anh tò mò quan sát cách thức một công ty tổ chức sự kiện làm chương trình. Về nhà, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu: Gia Lai chưa có công ty nào chuyên về tổ chức sự kiện, tại sao mình không khởi nghiệp từ đây? Thuận lợi trước mắt của Bảo là có ba đang làm trong ngành Văn hóa, có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa trong tỉnh (ông Nguyễn Chi-nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch tỉnh). Tuy nhiên, lúc bấy giờ khó khăn lớn nhất là vốn ở đâu để mua sắm trang-thiết bị phục vụ cho công việc? Cái khó ló cái khôn, anh liên hệ các đơn vị, cá nhân có nhu cầu tổ chức sự kiện, sau đó thuê lại trang-thiết bị vật chất nơi khác để tổ chức. Thời điểm đó, Gia Lai vẫn là một tỉnh lẻ nên ít có những sự kiện lớn, do vậy thi thoảng cơ sở của anh mới nhận được một hợp đồng, dù vậy Bảo vẫn không nản. Đam mê với công việc, vừa làm anh vừa tích lũy kinh nghiệm, tích lũy vốn để mở rộng kinh doanh.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Nguyễn Ngọc Bảo:
- Phải có sự đam mê.
- Cần đặt uy tín, chất lượng và sự chuyên nghiệp lên hàng đầu.
- Kinh doanh phải có Tâm, Đức và Tài, quan trọng nhất là chữ Tâm.

“Tâm niệm 3 chữ tâm, đức và tài”

Năm 2013, sau khi có được ít vốn cộng với vay mượn bạn bè, anh quyết định đầu tư 400 triệu đồng để mua sắm trang-thiết bị phục vụ cho công việc. Đây cũng là khi Gia Lai bắt đầu phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tổ chức sự kiện của nhiều đơn vị cũng tăng nhanh, nhờ vậy mà cơ sở của anh “ăn nên làm ra”. Thẳng đà tiến tới, năm 2015 anh quyết định mở rộng ngành nghề và nâng tầm từ Trung tâm lên Công ty TNHH một thành viên Truyền thông-Sự kiện Gia Lai (16 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku). Bảo cũng đầu tư thêm 2 tỷ đồng để mua sắm các trang-thiết bị như âm thanh, ánh sáng, màn hình led… Và để tiếp tục nâng tầm quy mô, năm 2016, Công ty là đơn vị tổ chức sự kiện đầu tiên tại Gia Lai đầu tư  mua nhà bạt hợp kim nhôm (chắc chắn, dễ lắp đặt và tháo dỡ, tính thẩm mỹ cao) với trị giá 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra anh còn mua ô tô để vận chuyển thiết bị. Nhờ có sự đầu tư và uy tín trong công việc nên Công ty của anh đã nhận được nhiều hợp đồng tổ chức sự kiện không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh bạn như Đak Lak, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định….

Hiện Công ty đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 thanh niên với mức lương 5-10 triệu đồng/tháng. Mặc dù đã là ông chủ nhưng mỗi khi có công việc là anh lại cùng xắn tay áo khuân vác âm thanh, phụ kiện với anh em; khi lỡ việc thì cũng gặm tạm ổ bánh mì để tiếp tục làm việc. Nhờ tính cách dân dã và dễ gần ấy nên Bảo rất được anh em trong Công ty quý mến. Anh tâm sự: “Mình trưởng thành và được như hôm nay là nhờ anh em mỗi người một tay giúp nên mình rất trân trọng điều ấy. Mình không coi họ là những người làm công mà coi họ là những người góp sức giúp mình phát triển”. Anh cũng bộc bạch: “Con đường của một doanh nhân thường gặp rất nhiều trắc trở khó khăn, thậm chí có nhiều thất bại cay đắng, vì vậy để trụ vững trong thương trường, doanh nhân cần phải hội tụ đầy đủ cả ba chữ Tâm, Đức và Tài. Đặc biệt, nếu biết đề cao chữ Tâm, doanh nhân sẽ không kinh doanh theo lối “chụp giật”, cũng như sẽ cởi mở hơn trong hội nhập và liên kết để cùng phát triển”.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm