Người thổi hồn cho cây cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 50 năm gắn bó với nghề chăm sóc cây cảnh, ông Lê Nhật Nghi (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) đã biến hàng ngàn cây phôi, cây dại thành những tác phẩm có giá trị về kinh tế và nghệ thuật.

   Phần lớn thời gian trong ngày ông Nghi dành để chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Ngọc Minh
Phần lớn thời gian trong ngày ông Nghi dành để chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Ngọc Minh

Nguyên là công nhân Chi nhánh điện An Khê (nay là Điện lực An Khê), vì đam mê cây cảnh, năm 2013, ông Nghi xin nghỉ hưu sớm để dành thời gian cho việc chăm sóc cây cảnh. Vườn cây cảnh rộng gần 300 m2 của ông Nghi nằm cạnh tỉnh lộ 667. Phần lớn thời gian trong ngày ông chăm chút cho gần 400 chậu cây cảnh bonsai với nhiều chủng loại như: sanh, lộc vừng, đa, đề, sung, duối, me, đỗ quyên, mai chiếu thủy, tùng La Hán, ngọa tùng, nguyệt quế…. “Chăm sóc cây cảnh bonsai khá công phu, từ khi còn là những cây phôi cho đến lúc tạo nên dáng bình quân phải mất 2-4 năm đối với cây bonsai nhỏ và 5-7 năm đối với cây lớn”-ông Nghi chia sẻ.

Cây phôi bonsai thường chỉ là những cây bụi mọc hoang ngoài tự nhiên. Sau một thời gian được cắt tỉa, uốn nắn, chăm chút, nhiều cây cảnh đã thay đổi hình dáng. “Tôi coi cây cảnh như người bạn tri kỷ. Ví như cây sung được ươm từ hạt, sau hơn 20 năm chăm chút, cắt tỉa, nó đã trở thành một tác phẩm đầy chất “tình”. Hay cây bồ đề được mang về sau một lần đi tìm cây cảnh cách đây trên 10 năm cũng là người bạn của tôi”-ông Nghi cho biết.

Để có được những chậu cây cảnh bonsai mang đậm tính nghệ thuật, nghệ nhân phải dành cả tâm huyết, công sức và niềm đam mê. Ông Nghi chia sẻ kinh nghiệm: “Để những bụi cây phôi trở thành tác phẩm bonsai hoàn chỉnh thường trải qua 3 giai đoạn và phải tuân theo quy trình kỹ thuật: giai đoạn nuôi phôi, tạo dáng và giai đoạn dưỡng cây. Ở giai đoạn nuôi phôi, người chơi phải tỉa cành, cắt rễ, xác định chiều cao, bề rộng… để sau bứng vào chậu cây cứ thế phát triển. Tất cả các nhát cắt phải mạnh mẽ, phẳng và nhẵn để sau này cây không bị thối rễ. Khi cây phát triển được khoảng 70%, lúc này chuyển cây vào chậu. Tạo dáng là giai đoạn quyết định đến vẻ đẹp của cây bonsai. Cây phải được định dáng từ phần rễ mới lâu bền. Người tạo dáng cây cảnh phải biết chọn lựa thế dựa trên hình dáng tự nhiên của cây phôi. Sau đó dựa theo ý tưởng dáng thế mình muốn tạo hình mà tạo các cành chính đến các chi sao cho hài hòa, đẹp mắt. Giai đoạn dưỡng cây cũng không kém phần quan trọng. Đất trồng cây phải thật tơi xốp. Tốt nhất nên trộn đất thịt với cát, vỏ trấu, xơ dừa, tro trấu, phân bò hoai với tỷ lệ phù hợp”.
                   
Thay đổi, làm mới, có hồn và đẹp hơn chính nó” là những tiêu chí chơi cây cảnh của ông Nghi. Vốn kinh nghiệm gần 50 năm làm cây cảnh, lại được học qua lớp tạo cây cảnh bonsai căn bản, ông là một trong những người chơi cây cảnh “có nghề” ở thị xã An Khê. Nhờ đó, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã An Khê.

 Hải Minh

Có thể bạn quan tâm